Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Bộ trưởng Tô Lâm: Không thể hạn chế dân nhập hộ khẩu vào Hà Nội, TP.HCM
Thứ năm: 09:27 ngày 23/04/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Theo Bộ trưởng Công an, không thể có biện pháp gì ngăn cấm người dân cư trú ở địa bàn này, địa bàn khác, kể cả Thủ đô và TP.HCM.

Trình bày tờ trình của Chính phủ về dự thảo luật Cư trú (sửa đổi) tại phiên họp UB Thường vụ QH chiều nay, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết sẽ có nhiều thay đổi liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.

Điểm đáng chú ý của dự luật này là thay đổi phương thức quản lý cư trú từ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy sang số định danh cá nhân, quản lý thông qua dữ liệu điện tử. 

Khổ vì sổ hộ khẩu lắm rồi

Thẩm tra dự luật, Thường trực UB Pháp luật nhất trí với việc đổi mới phương thức quản lý cư trú của công dân.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm UB Pháp luật Hoàng Thanh Tùng băn khoăn, sau hơn 4 năm thực hiện, mới có hơn 16 triệu công dân được cấp số định danh cá nhân.

Chủ nhiệm UB Pháp luật Hoàng Thanh Tùng.

“Đề nghị cơ quan trình làm rõ tính khả thi của việc cấp số định danh cá nhân cho khoảng hơn 80 triệu công dân còn lại trong khoảng thời gian từ nay đến khi luật Cư trú (sửa đổi) dự kiến có hiệu lực là năm 2021”, ông Tùng nói.

Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hiện vẫn đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện.

Ông Tùng cũng lo ngại, thay đổi phương thức quản lý cư trú thông qua số định danh cá nhân, bỏ sổ hộ khẩu sẽ tác động, ảnh hưởng lớn tới các quy định về giấy tờ công dân. Cụ thể, có 27 thủ tục hành chính quy định trong các văn bản dưới luật yêu cầu phải có sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.

Hơn nữa, hiện nay, sổ hộ khẩu là căn cứ quan trọng để thực hiện các giao dịch dân sự như mua bán điện, nước, đăng ký dịch vụ điện thoại... Khi không còn sổ hộ khẩu sẽ dẫn đến khó khăn trong việc thực hiện các giao dịch này.

Vì vậy, ông Tùng đề nghị nghiên cứu bổ sung vào dự luật các quy định để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.

Giải trình sau đó, Bộ trưởng Công an cho biết, Bộ đã có báo cáo Chính phủ, đảm bảo để tháng 4/2021 sẽ vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cấp số định danh cư dân và đến tháng 6/2021 sẽ hoạt động bình thường. 

"Hiện nay, chúng tôi đã cập nhật 60 triệu thông tin về dân cư và đang tiếp tục cập nhật đưa vào hệ thống dữ liệu. Chúng tôi thấy hoàn toàn có đủ điều kiện", Đại tướng Tô Lâm nói.

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân.

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân hoan nghênh việc xây dựng dự thảo luật, cho thấy tư tưởng tiến bộ trong việc quản lý dân cư, nhất là việc bỏ sổ hộ khẩu. 

“Bộ Công an thích quản lý chặt chẽ nhưng lần này thay đổi cách quản lý dân cư rất tiến bộ. Người dân khổ sở vì sổ hộ khẩu lắm rồi. Người nghèo tha phương lên thành phố làm thuê làm mướn, con cái không đi học được vì không có sổ hộ khẩu. Đi đâu cũng kè kè cái sổ hộ khẩu, mất thì khổ như mất sổ gạo. Tôi cũng làm mất sổ hộ khẩu, phải đi khai báo lại 2 - 3 lần”, Chủ tịch QH nói. 

Bỏ quy định riêng về đăng ký thường trú

Dự luật cũng bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú (đăng ký hộ khẩu) tại thành phố trực thuộc TƯ. Việc đăng ký thường trú sẽ được áp dụng chung, thống nhất trong cả nước.

Trước đây, có việc áp dụng các quy định riêng để hạn chế người dân tập trung về Thủ đô và các thành phố trực thuộc TƯ. Nhưng trên thực tế, việc này không hiệu quả, mà chủ yếu cản trở, gây khó khăn cho người dân.

Ông Hoàng Thanh Tùng cho hay, đa số ý kiến trong Thường trực UB Pháp luật tán thành với đề xuất này, nhưng cần đánh giá kỹ tác động. Đồng thời, đề xuất các công cụ quản lý thay thế như các giải pháp về quy hoạch, đầu tư, xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội...

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị cân nhắc thận trọng việc bỏ các điều kiện này vì nhiều chính sách về y tế, giáo dục, văn hóa… đang gắn với quyền lợi của người đăng ký thường trú. 

Bộ trưởng Công an Tô Lâm: Không thể có biện pháp gì ngăn cấm người dân cư trú ở địa bàn này, địa bàn khác, kể cả Thủ đô.

Bộ trưởng Công an nhắc lại Hiến pháp 2013 quy định công dân Việt Nam có quyền cư trú ở bất cứ đâu nếu họ có chỗ ở hợp pháp. Khung chung của luật Cư trú phải bảo đảm đúng theo Hiến pháp, không thể có biện pháp gì ngăn cấm người dân cư trú ở địa bàn này, địa bàn khác.

Đại tướng cũng nêu thực tế, có hàng triệu người chưa đăng ký thường trú mà vẫn tạm trú ở Hà Nội. Nếu họ không đăng ký thì cũng không quản lý được. 

"TP.HCM không có luật riêng nhưng cũng muốn có những yêu cầu thế này. Nếu muốn hạn chế thì phải bằng biện pháp khác. Còn coi đây là biện pháp để hạn chế thì không hợp lý, không phù hợp với Hiến pháp cũng như thực tiễn", Bộ trưởng phân tích.

Nguồn Vietnamnet

Tin cùng chuyên mục