Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Ngày 23.5, tại Tây Ninh, Bộ Tư pháp tổ chức toạ đàm “Định hướng triển khai công tác đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (TCPL) trong thời gian tới”. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Ngọc chủ trì buổi toạ đàm.

.jpg)
Tham dự buổi toạ đàm có đại diện lãnh đạo Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp); Sở Tư pháp các tỉnh Tây Ninh, Bến Tre, Tiền Giang, Khánh Hoà, Cà Mau, Đồng Tháp, Bình Dương, Long An; Phòng Tư pháp các huyện, thị xã, thành phố…
Để tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ, hiệu quả trong triển khai thực hiện chuẩn TCPL đối với cấp xã, ngày 22.7.2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn TCPL. Sau hơn 3 năm thực hiện, việc tổ chức đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn TCPL đã được các địa phương triển khai đồng bộ, dần đi vào nền nếp.
Kết quả đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn trên cả nước đạt tỷ lệ cao. Năm 2022, có 10.073/10.743 đơn vị cấp xã được công nhận đạt chuẩn TCPL (đạt 93,8%). Năm 2023, có 10.188/10.671 đơn vị cấp xã được công nhận đạt chuẩn TCPL (đạt 94,7%). Năm 2024, có 9.506/9.807 đơn vị cấp xã được công nhận đạt chuẩn TCPL (đạt 96,9%).

Tuy nhiên, trong quá trình hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra và rà soát, đánh giá các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh việc đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn TCPL, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý nhận thấy một số quy định của Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg còn bất cập, hạn chế, không phù hợp với bối cảnh thực tiễn hiện nay.
Gợi ý, định hướng thảo luận, Thứ trưởng Bộ Tư pháp yêu cầu các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận về những khó khăn, vướng mắc trong đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn TCPL; nội dung của tiêu chí TCPL và các bộ tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá chính quyền cấp xã khác; thẩm quyền, trình tự, thủ tục đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn TCPL; đề xuất, định hướng hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn TCPL...
Tại buổi toạ đàm, đại diện các Sở Tư pháp cho rằng vẫn cần thiết duy trì việc đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn TCPL. Do đó, đề nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu, sửa đổi Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg bảo đảm khả thi, khoa học, phù hợp với tình hình, điều kiện mới và yêu cầu quản lý Nhà nước của từng cấp chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp xã trong giai đoạn hiện nay.
Theo Sở Tư pháp tỉnh Tiền Giang, hiện nay, các chỉ tiêu trong tiêu chí đánh giá cấp xã đạt chuẩn TCPL được quy định quá nhiều, chi tiết về nội dung, số liệu, biểu mẫu thực hiện; một số chỉ tiêu, tiêu chí để đánh giá cấp xã đạt chuẩn TCPL còn mang tính chất tổng hợp của nhiều lĩnh vực… “Việc xây dựng, thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu về TCPL cần ngắn gọn, bảo đảm tính khả thi”- lãnh đạo Sở Tư pháp tỉnh Tiền Giang cho biết.
Sở Tư pháp tỉnh Tây Ninh cho rằng, để đạt được chuẩn TCPL, cấp xã phải đáp ứng các điều kiện theo quy định, trong đó có rất nhiều tiêu chí, chỉ tiêu. Tuy nhiên, hiện nay đội ngũ công chức cấp xã quá mỏng và phải đảm nhiệm khối lượng công việc lớn nên gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, cần xem xét sửa đổi Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg thật phù hợp nhằm giảm áp lực công việc cho cấp cơ sở trong thời gian tới.
Một số đại biểu ý kiến, hiện nay, việc tổ chức đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn TCPL còn mang tính hình thức. Do đó, việc đánh giá cấp xã đạt chuẩn TCPL không đạt được mục tiêu là tạo cơ sở pháp lý cho việc xem xét, đánh giá mức độ hoàn thành trách nhiệm của chính quyền cấp xã trong thực hiện các nhiệm vụ được giao, chưa phản ánh toàn diện mức độ TCPL của người dân nên cần bãi bỏ Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg để phù hợp với bối cảnh sắp xếp bộ máy hành chính hiện nay…
Kết luận buổi toạ đàm, Thứ trưởng Bộ Tư pháp đánh giá cao những ý kiến trao đổi, thảo luận của các cơ quan, đơn vị. Những ý kiến này sẽ được Bộ Tư pháp ghi nhận, nghiên cứu, làm cơ sở định hướng triển khai công tác đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn TCPL cho phù hợp với tình hình thực tế.
Thiên Di