Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Ngày 17.5, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị toàn quốc tổng kết tình hình thực hiện Luật Giám định tư pháp và Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp theo hình thức trực tuyến tại 64 điểm cầu.
Ông Phạm Văn Đặng - Giám đốc Sở Tư pháp và đại diện Ban Nội chính Tỉnh uỷ, các sở, ngành tham dự hội nghị tại điểm cầu Tây Ninh.
Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi, Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Lê Xuân Hồng đồng chủ trì hội nghị.
Tham dự tại điểm cầu Tây Ninh có ông Phạm Văn Đặng - Giám đốc Sở Tư pháp, đại diện lãnh đạo Ban Nội chính Tỉnh uỷ, các sở, ngành, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc và ngoài công lập.
Thời gian qua, các bộ, cơ quan ngang bộ xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Giám định tư pháp ở lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành. Tính đến nay, văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Giám định tư pháp lên tới 60 văn bản; 12/15 bộ, cơ quan ngang bộ ban hành quy trình giám định, trong đó có quy định thời hạn giám định ở lĩnh vực chuyên môn thuộc thẩm quyền quản lý.
Một số địa phương, UBND cấp tỉnh quan tâm, tham mưu, trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết về chế độ hỗ trợ hoặc chính sách thu hút chuyên gia, tổ chức có năng lực tham gia hoạt động giám định tư pháp và tổ chức thực hiện, góp phần thu hút các chuyên gia giỏi tham gia vào hoạt động giám định tư pháp, nâng cao chất lượng hoạt động giám định tư pháp tại địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Bình Định, Bình Dương…
Về hệ thống pháp y trong ngành y tế, ở Trung ương có Viện Pháp y quốc gia thuộc Bộ Y tế. Ở địa phương, hiện nay chỉ còn 55/63 tỉnh/thành phố hoạt động theo mô hình Trung tâm pháp y (giảm 6 tỉnh so với năm 2018); 7 tỉnh hoạt động theo mô hình lồng ghép Trung tâm Pháp y - Giám định y khoa trực thuộc Sở Y tế; 1 tỉnh hoạt động theo mô hình pháp y thuộc Bệnh viện đa khoa tỉnh. Đến nay, hệ thống pháp y tâm thần chỉ có ở ngành y tế có 7 tổ chức; 66 tổ chức giám định kỹ thuật hình sự, trong đó có 64 tổ chức trong lực lượng Công an, 1 tổ chức trong Quân đội và 1 tổ chức trong ngành Kiểm sát; 580 tổ chức giám định giám định tư pháp theo vụ việc.
Thực hiện Luật Giám định tư pháp, các bộ, ngành, địa phương tăng cường bổ nhiệm giám định viên tư pháp. Đến nay, đội ngũ giám định viên tư pháp ở các lĩnh vực trong toàn quốc là 7.135 người và 2.621 người giám định tư pháp theo vụ việc. Bên cạnh đó, các bộ, ngành chủ quản hoặc chính quyền địa phương từng bước quan tâm, tăng cường cơ sở vật chất cho các tổ chức giám định tư pháp công lập.
Hoạt động giám định tư pháp thực hiện theo trưng cầu của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng; chủ yếu là theo trưng cầu của cơ quan điều tra trong Công an và Quân đội, còn lại là trưng cầu giám định của các cấp Tòa án, cơ quan điều tra thuộc VKSND tối cao. Từ năm 2020 - 2022, cơ quan điều tra trong Công an ra quyết định trưng cầu giám định 399.008 nội dung cả trong và ngoài ngành, với tổng số yêu cầu giám định 484.767 nội dung, từ chối giám định 1.695 nội dung.
Từ năm 2018 đến 30.6.2023, cơ quan điều tra VKSND tối cao ban hành 368 quyết định trưng cầu giám định, trong đó chủ yếu là giám định âm thanh, chữ viết, dấu vết vân tay (thuộc lĩnh vực kỹ thuật hình sự), giám định thương tích, dấu vết trên thân thể, nguyên nhân chết (thuộc lĩnh vực giám định pháp y); trưng cầu giám định bổ sung 34 trường hợp, trưng cầu giám định lại 14 trường hợp. TAND các cấp quyết định trưng cầu giám định để giải quyết 8.693 vụ việc, trong đó có 7.270 vụ việc trưng cầu theo yêu cầu cầu đương sự (chiếm 83,6%) và 1.423 vụ việc Toà án tự trưng cầu (chiếm tỷ lệ 16,4%).
Hệ thống tổ chức, người giám định tư pháp ở các lĩnh vực thực hiện hơn 1.039.000 vụ việc (từ năm 2018 - 30.6.2023). Nhìn chung, việc tiếp nhận trưng cầu, yêu cầu giám định được các tổ chức giám định thực hiện nhanh gọn, nhất là đối với lĩnh vực có tổ chức chuyên trách như pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự. Đặc biệt, thông qua công tác giám định, lực lượng kỹ thuật hình sự cũng như đội ngũ giám định về công nghệ cao phát hiện nhiều phương thức, thủ đoạn hoạt động mới của tội phạm, kịp thời thông báo cho các đơn vị chức năng đề ra phương án đấu tranh phù hợp.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Tây Ninh.
Sau 5 năm triển khai, thực hiện Đề án đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp, các nhiệm vụ đặt ra trong đề án cơ bản đã và đang được các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh triển khai, thực hiện; trong đó có một số nhiệm vụ đã hoàn thành. Quy trình giám định, áp dụng quy chuẩn chuyên môn, thời hạn giám định ở hầu hết các lĩnh vực giám định kiêm nhiệm được các bộ, cơ quan ngang bộ quan tâm chỉ đạo xây dựng, ban hành. Thành lập và đưa vào hoạt động Phân viện Pháp y tâm thần Bắc miền Trung (thuộc Viện Pháp y tâm thần Trung ương) tại Nghệ An. Quy định về cơ sở vật chất cho tổ chức giám định kỹ thuật hình sự được Bộ Công an quan tâm, ban hành. Hệ thống tổ chức giám định tư pháp công lập củng cố, kiện toàn cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hiện giám định.
Bộ Tư pháp thường xuyên cập nhật, hoàn thiện tài liệu tập huấn bồi dưỡng kiến thức pháp lý cho đội ngũ người giám định tư pháp. Từ năm 2018 đến nay, các bộ, ngành, địa phương tổ chức 185 lớp/hội nghị bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ giám định và kiến thức pháp lý cho đội ngũ người làm giám định tư pháp ở các lĩnh vực. Chế độ kéo dài thời gian làm việc 5 năm cho đội ngũ giám định viên pháp y, pháp y tâm thần được Bộ Y tế quan tâm, kiến nghị Chính phủ ban hành, nhằm góp phần thiết thực vào việc khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực làm giám định. Quy chế phối hợp liên ngành ở cấp Trung ương được Bộ Tư pháp và các bộ, ngành có liên quan xây dựng, ban hành nhằm tăng cường hơn nữa cơ chế thông tin, phối hợp trong tổ chức, hoạt động và quản lý giám định tư pháp.
Tại hội nghị, các bộ, ngành, chính quyền địa phương tập trung thảo luận làm rõ những bất cập, vướng mắc và đề xuất các giải pháp tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động giám định tư pháp, phục vụ cho công cuộc đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, kinh tế trong tình hình mới. Các ý kiến tập trung đề xuất sớm sửa đổi Luật Giám định tư pháp; củng cố, kiện toàn về tổ chức và người làm giám định tư pháp; sửa đổi quy định về chi phí giám định tư pháp, chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp…
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi ghi nhận và đánh giá cao ý kiến, kiến nghị của các cấp, ngành, địa phương trong thực hiện công tác giám định tư pháp. Bộ Tư pháp sẽ tổng hợp các ý kiến, kiến nghị để đánh giá đầy đủ kết quả trong thi hành Luật Giám định tư pháp, làm cơ sở tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, sửa đổi Luật Giám định tư pháp, hướng tới hoàn thiện thể chế; nghiên cứu, đề ra các giải pháp tổ chức thực hiện hiệu quả hơn, kiến nghị cấp có thẩm quyền tiếp tục nâng cao hiệu quả, chất lượng giám định tư pháp trong thời gian tới.
Thiên Di