Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp do Thứ trưởng Phan Chí Hiếu ký, yêu cầu Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư Tây Ninh huỷ quyết định xử lý kỷ luật và Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam huỷ quyết định giải quyết khiếu nại, đồng thời Đoàn luật sư Tây Ninh phải xem xét, giải quyết lại việc xử lý kỷ luật đối với luật sư Nguyễn Thanh Hùng.
Phóng viên tiếp xúc luật sư Nguyễn Thanh Hùng.
Năm 2013, luật sư Nguyễn Thanh Hùng (thị trấn Hoà Thành) ký hợp đồng dịch vụ pháp lý với ông Nguyễn Hữu Ngạn (ấp 6, xã Suối Ngô, huyện Tân Châu) với nội dung bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Ngạn trong vụ “Xin ly hôn và chia tài sản” với mức thù lao 45 triệu đồng.
Nội dung hợp đồng còn nêu sẽ thưởng cho ông Hùng 5% giá trị tài sản nếu được toà án chấp nhận là tài sản riêng của ông Ngạn khi chia tài sản của vợ chồng ông Ngạn và bà Nguyễn Thị Thu. Quá trình thực hiện hợp đồng, ông Hùng nhận của ông Ngạn 200 triệu đồng với nội dung là tiền “bồi dưỡng”.
Liên quan đến số tiền này và một số hành vi khác, Đoàn luật sư Tây Ninh đã ra quyết định xử lý kỷ luật ông Hùng bằng hình thức xoá tên khỏi danh sách thành viên Đoàn Luật sư Tây Ninh.
Mới đây, Bộ Tư pháp đã ban hành quyết định giải quyết khiếu nại, yêu cầu Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư Tây Ninh huỷ quyết định xử lý kỷ luật đối với luật sư Nguyễn Thanh Hùng.
NHẬN TIỀN BỒI DƯỠNG 200 TRIỆU ĐỒNG
Theo tường trình của luật sư Nguyễn Thanh Hùng gửi Hội đồng Khen thưởng - Kỷ luật (KT-KL) Đoàn luật sư Tây Ninh: Vào tháng 10.2013, ông Nguyễn Văn Hiền (là tài xế đồng thời là cháu ông Ngạn) đến văn phòng luật sư của ông Hùng tại thị trấn Hoà Thành liên hệ ký hợp đồng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Ngạn.
Ông Hùng đề nghị ông Hiền đưa ông Ngạn đến văn phòng luật sư của ông để thoả thuận ký kết hợp đồng, nhưng ông Hiền cho biết ông Ngạn lớn tuổi, khó đi lại và yêu cầu ông Hùng đến xã Suối Ngô để gặp ông Ngạn.
Ngày 15.10.2013, ông Hùng đến xã Suối Ngô gặp ông Ngạn thoả thuận nội dung cơ bản của hợp đồng dịch vụ pháp lý. Sau đó, ngày 19.10.2013, ông Hùng đến xã Suối Ngô mang theo hợp đồng để ông Ngạn ký tên, đồng thời ông Hùng cũng ký tên rồi giao hợp đồng cho ông Ngạn (nội dung hợp đồng như nêu trên).
Ngày 20.10.2013, ông Hiền đến gặp ông Hùng thanh toán theo hợp đồng thay ông Ngạn là 45 triệu đồng. Sau đó, ông Hùng đã làm các thủ tục cần thiết để khởi kiện, trong đó có việc soạn thảo đơn khởi kiện, ông Hiền mang về cho ông Ngạn ký tên nộp toà án.
Ngày 30.10.2013, ông Hiền đến văn phòng Luật sư Hùng nói rằng: “Chú tôi thấy anh làm việc tích cực nên ông bồi dưỡng cho anh 200 triệu đồng và muốn anh cố gắng đạt được ý nguyện của ông”.
Ông Hùng nói, ông muốn gặp ông Ngạn hỏi về số tiền bồi dưỡng này nhưng ông Hiền cho biết, chỉ cần ông Hùng viết giấy biên nhận nhận đủ số tiền 200 triệu để ông mang về cho ông Ngạn. Vì vậy, ông Hùng viết giấy biên nhận 200 triệu đồng với nội dung “nhận tiền bồi dưỡng”.
Sau khi ông Ngạn rút đơn khởi kiện, bà Thu cùng nhiều người đến nhà ông đòi lại số tiền trên (không có ông Ngạn) nên ông Hùng không đồng ý trả lại. Ông Hùng cho rằng, việc ông nhận tiền bồi dưỡng từ ông Ngạn không vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, đây là việc bình thường được quy định trong Bộ luật Dân sự.
Việc ông Ngạn gửi đơn đến Đoàn luật sư Tây Ninh chỉ “xin lại số tiền” trước đây đã bồi dưỡng, chứ không khiếu nại hợp đồng dịch vụ pháp lý hay khiếu nại tư cách đạo đức của luật sư nên luật sư Hùng đề nghị Đoàn luật sư không xử lý, trả lại đơn cho ông Ngạn.
Về phía Đoàn luật sư Tây Ninh, theo báo cáo của Đoàn, ngày 18.5.2015, Đoàn luật sư nhận đơn “đề nghị xem xét giải quyết” của ông Ngạn. Sau đó, khi làm việc với Hội đồng KT-KL của Đoàn, ông Ngạn cho biết, ông Hiền nói với ông Ngạn là có quen luật sư Hùng, việc xin ly hôn của ông Ngạn nếu nhờ luật sư Hùng thì chắc thắng 100%, tài sản thuộc về ông Ngạn hưởng hết. Ông Ngạn nghe vậy nên giao cho ông Hiền thay mặt ông giao dịch, làm hợp đồng dịch vụ pháp lý với ông Hùng, sau đó mang hợp đồng về để ông Ngạn ký.
Nội dung hợp đồng thể hiện trả thù lao cho luật sư là 45 triệu đồng và thưởng thêm 5% giá trị tài sản tranh chấp thuộc tài sản riêng của ông Ngạn. Sau đó, ông Hiền yêu cầu ông Ngạn đưa cho ông 445 triệu đồng (gồm 45 triệu tiền thù lao, 400 triệu tiền thưởng 5%) nhưng ông Hiền chỉ đưa cho ông Hùng 45 triệu đồng thù lao dịch vụ pháp lý và 200 triệu đồng ứng tiền thưởng.
Ông Hùng viết biên nhận nhận 200 triệu đồng với nội dung “nhận tạm ứng tiền bồi dưỡng của ông Ngạn”. Tuy nhiên, ông Ngạn xét thấy mình già yếu nên rút đơn kiện, rồi liên hệ ông Hùng đòi lại 200 triệu đồng nhưng không gặp ông Hùng. Khi gặp được ông Hùng, lúc này ông Hùng cho ông Ngạn biết có đưa lại cho ông Hiền 120 triệu đồng, ông Hùng đồng ý trả lại 80 triệu đồng, nhưng ông Ngạn không đồng ý.
Xem xét hành vi của ông Hùng, Hội đồng KT-KL của Đoàn luật sư cho rằng ông Hùng vi phạm Khoản 2 Điều 5, Khoản 2 Điều 9 Luật Luật sư và quy tắc về đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư nên đề nghị Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư xử lý kỷ luật bằng hình thức “Tạm đình chỉ tư cách thành viên Đoàn luật sư Tây Ninh 6 tháng”.
Khi biết được thông tin này, ông Hùng khiếu nại quy trình xét kỷ luật luật sư của Đoàn luật sư. Cuộc họp Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư đã nêu một số nội dung “tình tiết đặc biệt tăng nặng” của ông Hùng như có thái độ chống đối Hội đồng KT-KL và Chủ nhiệm Đoàn luật sư một cách quyết liệt. Vì vậy, Ban chủ nhiệm quyết định xử lý kỷ luật ông Hùng với hình thức “xoá tên khỏi danh sách Đoàn luật sư Tây Ninh” (số phiếu đồng ý 2/3 thành viên).
Ông Hùng khiếu nại quyết định này đến Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Ngày 18.2.2016, Liên đoàn Luật sư Việt Nam ban hành giải quyết khiếu nại với nội dung không chấp nhận đơn khiếu nại của ông Hùng. Ông Hùng tiếp tục khiếu nại đến Bộ Tư pháp.
SAI QUY TRÌNH XỬ LÝ ĐƠN
Ngày 23.12.2016, Bộ Tư pháp ban hành Quyết định số 2691/QĐ-BTP giải quyết khiếu nại với nội dung chấp nhận khiếu nại của ông Hùng. Quyết định của Bộ Tư pháp kết luận: Đơn đề nghị của ông Ngạn gửi trực tiếp cho Chủ nhiệm Đoàn luật sư nhưng không vào sổ công văn đến của Đoàn luật sư là không thực hiện đúng quy chế hoạt động của văn phòng Đoàn luật sư. Ban chủ nhiệm không họp để xem xét đơn khiếu nại của ông Ngạn, mà Chủ nhiệm Đoàn luật sư chỉ thông báo lại với Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư khi họp thường kỳ về việc đã nhận đơn và chuyển cho Hội đồng KT-KL. Ban chủ nhiệm không ra văn bản thông báo về việc xem xét kỷ luật luật sư và gửi cho luật sư Hùng, gửi cho Hội đồng KT-KL là không đúng quy định về thụ lý vụ việc kỷ luật theo Quyết định số 68/QĐ-BTVLĐLSVN (Quyết định 68) của Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư họp xem xét kỷ luật nhưng không có đại diện của Hội đồng KT-KL là vi phạm quy định về xử lý kỷ luật luật sư. Đối với việc Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư cho rằng, Hội đồng KT-KL chưa xem xét đến các vi phạm khác của ông Hùng, ngoài 3 vi phạm mà Hội đồng KT-KL đã xem xét trước đó, cũng như chưa xem xét tình tiết tăng nặng đối với luật sư Hùng mà áp dụng Khoản a, b, c Điều 15 của Quyết định số 68 để xoá tên luật sư Hùng khỏi danh sách Đoàn luật sư là chưa đúng Khoản 4 Điều 21 Quyết định số 68.
Theo Bộ Tư pháp, trong trường hợp này, Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư “có thể” yêu cầu Hội đồng KT-KL tiến hành lại việc xem xét xử lý để bổ sung, làm rõ các vi phạm của luật sư Hùng hoặc tách các vi phạm đó ra làm vụ việc riêng để tiếp tục xác minh, xử lý sau.
Bởi vì, các hành vi mà Ban chủ nhiệm xem xét thêm là các hành vi có tính chất vi phạm nghiêm trọng, là yếu tố quyết định đến mức độ xử lý kỷ luật. Vì vậy, cần phải xác minh làm rõ. Việc Ban chủ nhiệm tự mình xem xét mà không yêu cầu Hội đồng KT-KL xem xét là vi phạm Khoản 4 Điều 21 Quyết định số 68.
CHƯA CÓ CĂN CỨ NÓI LUẬT SƯ HÙNG VÒI VĨNH 200 TRIỆU ĐỒNG
Về việc luật sư Nguyễn Thanh Hùng cho rằng, ông nhận số tiền 200 triệu đồng do ông Ngạn tự nguyện đưa, ông không có hành vi nào gợi ý, sách nhiễu, vòi vĩnh khách hàng, cũng như hứa hẹn kết quả, Quyết định của Bộ Tư pháp nêu rõ: Việc luật sư Hùng nhận 200 triệu đồng là có thật, vi phạm Điểm đ Khoản 1 Điều 9 Luật Luật sư 2006. Tuy nhiên, theo trình bày của luật sư Hùng và ông Hiền, số tiền này không phải do luật sư Hùng gợi ý, đòi hỏi mà do ông Ngạn tự ý chuyển cho luật sư Hùng.
Ông Ngạn cho biết, ông Hiền nói với ông rằng luật sư Hùng yêu cầu phải đưa 200 triệu đồng, nhưng đây chỉ là lời khai của ông Ngạn. Ông Ngạn cũng xác định ông chỉ nghe ông Hiền nói lại. Vì vậy, chưa đủ chứng cứ để chứng minh luật sư Hùng đưa ra đòi hỏi, vòi vĩnh ông Ngạn phải đưa 200 triệu đồng.
Tại biên bản đối chất ngày 28.7.2015 của Hội đồng KT-KL, Biên bản làm việc ngày 13.7.2016 của Đoàn thanh tra, ông Ngạn đã khẳng định luật sư Hùng không có gợi ý, đòi hỏi gì đối với ông về tiền mặt hay vật chất. Ông Hiền cũng khẳng định với Đoàn thanh tra, khộng có lần nào luật sư Hùng gọi điện thoại cho ông để bảo ông Ngạn đưa 200 triệu đồng hay đưa gì khác.
Như vậy, Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư chưa thu thập đủ chứng cứ để khẳng định luật sư Hùng có hành vi đòi hỏi thêm tiền ngoài tiền thù lao hoặc gợi ý, đặt điều kiện để khách hàng tặng cho tài sản. Vì vậy, việc Ban chủ nhiệm chỉ dựa vào lời khai của ông Ngạn để kết luận việc luật sư Hùng gợi ý đòi hỏi thêm tiền ngoài tiền thù lao gợi ý, đặt điều kiện để khách hàng tặng, cho tài sản là không có căn cứ.
Quyết định của Bộ Tư pháp cũng nêu rõ: Ban chủ nhiệm chỉ căn cứ vào nội dung trong hợp đồng sẽ thưởng 5% giá trị tài sản riêng khi chia tài sản cho luật sư Hùng để kết luận luật sư Hùng đưa ra kết quả không thể thực hiện được nhằm lừa dối ông Ngạn là chưa đủ căn cứ.
Mặt khác, tại buổi làm việc ngày 13.7.2016 với Đoàn thanh tra, ông Ngạn khẳng định trước khi ký hợp đồng dịch vụ pháp lý, luật sư Hùng không cam kết, hứa hẹn gì với ông Ngạn, ngoài việc ông Hùng không trả lại cho ông Ngạn 200 triệu đồng. Ông Hùng không lừa dối gì ông Ngạn.
Như vậy, Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư chưa làm rõ căn cứ để kết luận luật sư Hùng có vi phạm điểm d, Khoản 1, Điều 9 Luật Luật sư 2006. Bộ Tư pháp cho biết, trước khi ký hợp đồng, luật sư Hùng không biết ông Hiền có mưu cầu lợi ích cá nhân trong việc ông Ngạn và luật sư Hùng ký hợp đồng dịch vụ pháp lý.
Ông Ngạn và ông Hiền cho biết chỉ đưa cho luật sư Hùng 45 triệu đồng theo thoả thuận, sau đó, luật sư Hùng và ông Ngạn ký hợp đồng, không có chứng cứ việc ông Hiền thể hiện mưu cầu lợi ích cá nhân hoặc bàn bạc gì với luật sư Hùng việc chiếm đoạt tiền của ông Ngạn. Việc Ban chủ nhiệm chỉ căn cứ hợp đồng ghi ông Ngạn cam kết sẽ thưởng cho ông Hùng 5% giá trị tài sản riêng để kết luận luật sư Hùng cam kết đưa ra kết quả tốt đẹp, nhằm lôi kéo khách hàng là vi phạm quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam là chưa đủ cơ sở.
Đối với quyết định giải quyết khiếu nại của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Bộ Tư pháp xác định khi xem xét vụ việc luật sư Hùng khiếu nại, Liên đoàn không mời luật sư Hùng làm việc mà chỉ yêu cầu Đoàn luật sư Tây Ninh gửi hồ sơ để Liên đoàn xem xét. Liên đoàn cho rằng hồ sơ mà Đoàn luật sư Tây Ninh cung cấp có đủ cơ sở nên đã giải quyết đơn khiếu nại của luật sư Hùng mà không tiến hành xác minh là vi phạm Khoản 1 Điều 10 Quyết định số 93/QĐ-HĐLSTQ về quy chế giải quyết khiếu nại, tố cáo của Liên đoàn Luật sư Việt Nam…
Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp do Thứ trưởng Phan Chí Hiếu ký, yêu cầu Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư Tây Ninh huỷ quyết định xử lý kỷ luật và Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam huỷ quyết định giải quyết khiếu nại, đồng thời Đoàn luật sư Tây Ninh phải xem xét, giải quyết lại việc xử lý kỷ luật đối với luật sư Nguyễn Thanh Hùng.
ĐỨC TIẾN