PC vị trí 1 - Tuyên truyền - Đầu trang
PC vị trí 1 - Tuyên truyền - Đầu trang
Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Bộ Tư pháp: Xây dựng, hoàn thiện pháp luật bảo đảm tính khả thi
Thứ ba: 22:03 ngày 17/12/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Ngày 17.12, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị triển khai công tác Tư pháp năm 2025. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh và các Thứ trưởng Bộ Tư pháp chủ trì hội nghị.

Đại diện các sở, ban, ngành liên quan dự hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2025.

Dự hội nghị tại điểm cầu Tây Ninh có các Phó Giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Thành Luỹ, Đặng Thị Bích Hiền; đại diện các sở, ban, ngành liên quan.

Năm 2024, kết quả công tác trên hầu hết các lĩnh vực của Bộ, ngành Tư pháp đều tăng so với cùng kỳ năm 2023. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế được các Bộ, ngành quan tâm, chú trọng triển khai quyết liệt, đạt được nhiều kết quả tích cực và từng bước có nhiều đổi mới.

Trong năm, Bộ Tư pháp đã chủ trì, xây dựng, trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua 3 luật, 1 nghị quyết tại các kỳ họp Quốc hội khoá XV. Bên cạnh đó, các bộ, ngành đã xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 832 văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL). Các địa phương đã ban hành 4.832 VBQPPL cấp tỉnh, 2.144 VBQPPL cấp huyện và 2.629 VBQPPL cấp xã.

Công tác kiểm tra, rà soát VBQPPL được thực hiện kịp thời, góp phần bảo đảm tính thống nhất, công khai, minh bạch, khả thi của hệ thống pháp luật. Năm 2024, Bộ Tư pháp, các bộ, ngành đã tiếp nhận, phân loại, kiểm tra 6.099 VBQPPL; các địa phương đã kiểm tra theo thẩm quyền 5.195 VBQPPL.

Cán bộ, chiến sĩ nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật.

Bộ Tư pháp cùng các bộ, ngành hoàn thành và công bố Bộ pháp điển Việt Nam, góp phần xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, giúp cho người dân, doanh nghiệp, tổ chức dễ dàng hơn trong tiếp cận, áp dụng các quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, các hoạt động truyền thông, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) được thực hiện với nhiều mô hình hay, cách làm mới, sáng tạo, ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin, nhiều cuộc thi tìm hiểu về pháp luật đã thu hút được đông đảo người dân tham gia…

Năm 2024, các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức 566.479 cuộc tuyên truyền pháp luật cho hơn 55 triệu lượt người; tổ chức 10.239 cuộc thi cho hơn 14 triệu lượt người dự thi; phát hơn 46 triệu tài liệu tuyên truyền, PBGDPL; các hoạt động hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam được triển khai đa dạng, phong phú.

Đặc biệt, công tác thi hành án dân sự (THADS) đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay, nhất là thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Các cơ quan THADS đã thi hành xong 620.657 việc, tăng 45.838 việc, đạt tỉ lệ 83,88% (tăng 0,62% so với cùng kỳ năm 2023). Về tiền, đã thi hành xong hơn 116.530 tỷ đồng, tăng hơn 27.119 tỷ đồng, đạt tỉ lệ 51,84% (tăng 5,06% so với cùng kỳ năm 2023).

Ngoài ra, thể chế trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp được hoàn thiện đáp ứng yêu cầu phòng chống tham nhũng, tiêu cực và quản lý Nhà nước. Bộ Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với Liên đoàn Luật sư Việt Nam hướng dẫn nghiệp vụ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai Luật Luật sư và các văn bản hướng dẫn thi hành. Năm 2024, Bộ Tư pháp đã cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề luật sư cho 1.121 trường hợp và thu hồi chứng chỉ hành nghề đối với hơn 500 trường hợp.

Cán bộ Sở Tư pháp tuyên truyền pháp luật cho lực lượng dân quân thường trực.

Công tác quản lý Nhà nước về hoạt động công chứng, thừa phát lại được tăng cường nhằm kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong hoạt động này. Năm 2024, các tổ chức hành nghề công chứng đã công chứng được hơn 8,3 triệu hợp đồng, giao dịch, bản dịch và các loại việc khác, đóng góp cho ngân sách hơn 452 tỷ đồng.

Công tác quản lý hoạt động đấu giá tài sản, trọng tài, hòa giải thương mại, quản tài viên tiếp tục được quan tâm, chú trọng triển khai thực hiện, bám sát các quy định của pháp luật. Tính đến nay cả nước có 1.168 đấu giá viên, có 1.307 trọng tài viên đang hành nghề; các đấu giá viên đã thực hiện 50.837 cuộc bán đấu giá trong năm 2024.

Ngành Tư pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong chỉ đạo, điều hành, giải quyết công việc cho người dân. Nổi bật là hoàn thành việc kết nối chính thức và triển khai thí điểm cấp phiếu LLTP trên ứng dụng VNeID trên toàn quốc; hoạt động liên thông điện tử 2 nhóm TTHC “Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp Thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi; Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng phí” được kết nối thông suốt, ổn định, với số lượng hồ sơ tăng cao.

Hiện nay, có 1.265.439 hồ sơ yêu cầu thực hiện liên thông TTHC liên quan đến đăng ký khai sinh, 296.413 hồ sơ yêu cầu thực hiện liên thông TTHC liên quan đến đăng ký khai tử; hoàn thành liên thông nhóm TTHC cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân và đăng ký kết hôn.

Tại hội nghị, các đại biểu được nghe quán triệt Kết luận của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp ngày 7.11.2024; đồng thời, trao đổi, thảo luận một số vấn đề liên quan đến việc phối hợp trong công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện Luật Ban hành VBQPPL, số hoá dữ liệu, giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế, cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID, khó khăn, hạn chế và nguyên nhân trong thực hiện nhiệm vụ năm 2024…

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đề nghị, năm 2025, ngành Tư pháp cần kịp thời quán triệt, tham mưu thể chế hoá đầy đủ, triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, văn bản chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị… liên quan đến các lĩnh vực công tác, đặc biệt là công tác xây dựng, thi hành pháp luật; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện pháp luật mang tính khả thi cao; sửa đổi, bổ sung pháp luật gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; quan tâm, đẩy mạnh chuyển đổi số gắn với triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Đề án 06; chủ động tham mưu công tác phòng ngừa, giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế…

Thiên Di

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục