Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Bộ Y tế: Có hiện tượng thu tiền để được tiêm vắc xin COVID-19
Thứ ba: 09:14 ngày 12/10/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Hiện nay, theo quy định tại nhiều địa phương, người từ vùng dịch đến phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 do cơ sở y tế, bệnh viện cấp. Lợi dụng điều này một số đối tượng đã cố tình làm giả các giấy tờ để bán cho những người có nhu cầu. Liên quan đến dịch COVID-19, Bộ Y tế cho biết tại một số cơ sở tiêm chủng có hiện tượng thu tiền để được tiêm vắc xin COVID-19.

Giấy xét nghiệm COVID-19 giả thu được từ văn phòng Công ty TNHH thiết kế in ấn quảng cáo Thiên Nhân (Bắc Ninh)

Làm giả giấy xét nghiệm âm tính rao bán

Thời gian qua cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện các đối tượng làm giả, bán giấy xét nghiệm khống. Các đối tượng thường sưu tầm các phiếu xét nghiệm thật của các bệnh viện uy tín rồi scan và lưu lại trên máy tính.

Sau đó rao bán trên mạng giấy xét nghiệm âm tính COVID-19 với giá rẻ. Khi khách hàng có nhu cầu, các đối tượng sẽ căn cứ nội dung thông tin cung cấp để chỉnh sửa, in mầu và tự kí vào mục kĩ thuật viên, lãnh đạo bệnh viện...

Bộ Y tế nghiêm cấm thu tiền tiêm vắc xin phòng COVID-19

Mới đây, ngày 4/10, Công an huyện Tứ Kỳ (tỉnh Hải Dương) khởi tố 2 bị can về hành vi làm và sử dụng giấy xét nghiệm COVID-19 giả. Theo đó, Trương Sỹ Tuấn (sinh năm 1965, quê xã Lương Ngoại, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa) sử dụng giấy xét nghiệm COVID-19 giả của Bệnh viện Nhi Thái Bình để qua chốt kiểm soát Quý Cao (huyện Tứ Kỳ) vào địa bàn tỉnh Hải Dương thì bị lực lượng chức năng phát hiện.

Quá trình điều tra, cơ quan công an xác định, phiếu xét nghiệm trên là do Mai Văn Tĩnh (sinh năm 1983, trú tại xã Bình Định, huyện Kiến Xương, Thái Bình) thuê Hoàng Hữu Phong (sinh năm 1989, ở xã Bình Thanh, huyện Kiến Xương, Thái Bình) làm giả. Sau khi nhận phiếu từ Phong, Tĩnh điền bổ sung những thông tin còn thiếu trong phiếu, giả chữ kí của Trưởng khoa Xét nghiệm rồi đưa cho Tuấn sử dụng.

Trước đó, ngày 12/9, Công an huyện Bàu Bàng (Bình Dương) đã khởi tố vụ án “Làm giả, sử dụng tài liệu của cơ quan, tổ chức” xảy ra tại xã Lai Hưng, huyện Bàu Bàng, do hai đối tượng Huỳnh Ngọc Quỳnh sinh năm 1986 (thị xã Bến Cát) và Nguyễn Văn Tý, sinh năm 1987 (huyện Bàu Bàng) thực hiện. Theo điều tra, ngày 5/9, anh T.M.T. (sinh năm 1984, hộ khẩu thường trú TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương), liên hệ với Tý để mua 4 phiếu kết quả xét nghiệm COVID-19 khống với giá 300.000đồng/phiếu.

Tại chốt kiểm soát dịch bệnh trên cầu Bạch Đằng, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh cũng phát hiện một xe cứu thương chở 5 người vào địa bàn tỉnh. Thay vì khai báo y tế, những người trên xe đưa ra giấy xét nghiệm mua của Nguyễn Tùng Lâm, cán bộ Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hải Dương. Lâm đã lấy mẫu và cấp giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 cho gần 40 trường hợp, sau đó giả chữ kí của lãnh đạo để thu lời bất chính gần 10 triệu đồng.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, hành vi mua bán, sử dụng hay làm giả giấy xét nghiệm có thể tiềm ẩn nguy cơ làm lây lan dịch bệnh. Những người sản xuất, buôn bán giấy xét nghiệm giả đang trục lợi từ sức khỏe, sự an toàn của người khác cần bị xử lý nghiêm và nhanh để tạo tính răn đe.

Nghiêm cấm thu tiền tiêm vắc xin phòng COVID-19

Bộ Y tế cho biết tại một số cơ sở tiêm chủng có hiện tượng thu tiền để được tiêm chủng vắc xin COVID-19 trong khi đó theo quy định, chiến dịch tiêm vắc xin hoàn toàn miễn phí, không thu tiền, không nhận “bồi dưỡng”.

Báo chí thời gian qua phản ánh hiện tượng người dân muốn tiêm vắc xin mất tiền cho “cò” để được tiêm vắc xin phòng COVID-19. Tại phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình (Hà Nội) cơ quan chức năng đã xử lí một đối tượng thu tiền của người dân để được tiêm vắc xin. Theo đó, người dân đóng khoản tiền từ 800.000 đến 1 triệu đồng cho một người phụ nữ. Sau khi nhận tiền, người này sẽ sắp xếp giấy hẹn và lịch tiêm nhanh chóng. Để hợp thức hóa những người này, người phụ nữ trên sẽ xếp họ vào danh sách các công ty, đơn vị kinh doanh trên địa bàn.

Lợi dụng tính nhân văn của chiến lược tiêm vắc xin phòng bệnh, nhiều thông tin giả mạo trên mạng hình thành các nhóm cò cam kết lo công việc này tạo cơ sở cho nhiều người trục lợi bằng cách thu tiền của người dân có nhu cầu tiêm vắc xin phòng COVID-19. Để ngăn chặn hiện tượng này, thời gian qua Bộ Y tế liên tiếp ban hành các văn bản để chấn chỉnh, yêu cầu cơ sở y tế, tiêm chủng không được phép thu tiền, nhận tiền bồi dưỡng từ các tổ chức, đơn vị, cá nhân đến tiêm vắc xin COVID-19.

Trong công điện gửi sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và các trường đại học do Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên ký nêu rõ: “Ngày 31/7, Bộ Y tế có công điện về việc tổ chức tiêm vắc xin COVID-19 cho các đối tượng theo Nghị quyết số 21 của Chính phủ và Quyết định số 3355 của Bộ Y tế trong đó nêu rõ chiến dịch tiêm vắc xin COVID-19 giai đoạn 2021-2022 hoàn toàn miễn phí; không thu tiền, không nhận “bồi dưỡng” từ các tổ chức, đơn vị, cá nhân đến tiêm chủng và đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng đảm bảo an toàn, hiệu quả.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh tinh thần chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ về tiêm vắc xin COVID-19. Trong đó, vắc xin COVID-19 ở Việt Nam được tiêm miễn phí, kể cả các tổ chức, cá nhân tự nguyện ủng hộ thì các đơn vị tổ chức tiêm vắc xin cũng không được tiếp nhận. Thủ tướng cũng chỉ đạo không trông chờ, lựa chọn vắc xin COVID-19 mà vắc xin về đợt nào thì triển khai tiêm đợt đó.

“Gần đây nhất tại các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng nhấn mạnh, việc tổ chức tiêm chủng vắc xin không để phát sinh cơ chế xin - cho, nghiêm cấm tiêu cực trong tổ chức tiêm. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, chính quyền các cấp phải chịu trách nhiệm chính về công tác phòng chống dịch, trong đó có tiêm vắc xin COVID-19”, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nói. Vậy nên tất cả những thông tin tổ chức dịch vụ tiêm vắc xin thu tiền đều là giả mạo.

Nguồn TPO

Tin liên quan