Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Từ ngày 11-16.11, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Trường Đại học Lao động – Xã hội cơ sở II (TP. Hồ Chí Minh) tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ giám sát, kỹ năng lập kế hoạch, điều hành thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững năm 2024 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
Thạc sĩ Tào Quang Tiến- Giảng viên trường Đại học Lao động – Xã hội cơ sở II.
Lớp bồi dưỡng dành cho lãnh đạo và chuyên viên Phòng LĐ-TB&XH các huyện, thị xã, thành phố phụ trách công tác giảm nghèo; lãnh đạo UBND cấp xã; công chức phụ trách công tác LĐ-TB&XH; Trưởng ấp, khu phố.
Tại đây, các học viên được tiếp cận các vấn đề giảm nghèo; chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025; đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; Đối thoại chính sách giảm nghèo; giám sát, đánh giá thực hiện chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025.
Tại Tây Ninh, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1664/QĐ-UBND ngày 5.8.2022 về ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh với mục tiêu hướng đến năm 2025 phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1%; thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững; hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Các học viên tham gia lớp bồi dưỡng.
Chương trình giảm nghèo được Thủ tướng Chính phủ triển khai thực hiện qua 6 giai đoạn. Trong đó, qua các giai đoạn năm 1998 – 2000 (MTQG xoá đói giảm nghèo); 2001-2005 (MTQG xoá đói giảm nghèo và việc làm); 2006-2010 (MTQG giảm nghèo) và 2012 – 2015 (MTQG giảm nghèo bền vững), Việt Nam áp dụng chuẩn nghèo đơn chiều.
Khám bệnh miễn phí cho người dân khó khăn ở xã Trường Tây, thị xã Hoà Thành. Ảnh minh hoạ
Từ giai đoạn 2016-2020 và 2021-2025, Việt Nam triển khai chương trình MTQG giảm nghèo bền vững với chuẩn nghèo đa chiều. Nếu trước đây, việc tiếp cận nghèo đơn chiều chỉ tập trung vào vấn đề thu nhập, thì hiện nay, chuẩn nghèo đa chiều hướng đến xem xét nhiều khía cạnh khác nhau của đời sống để đánh giá tình trạng nghèo đói như thu nhập, giáo dục, y tế, tình trạng nhà ở, điều kiện vệ sinh, tiếp cận các dịch vụ cơ bản… Việc tiếp cận nghèo đa chiều giúp Chính phủ có những hỗ trợ tốt hơn các nhu cầu cơ bản của người nghèo, đặc biệt tại vùng sâu, vùng xa và các vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Khải Tường