Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Theo những hình ảnh mới nhất chụp từ vệ tinh, ngọn núi bên trên nơi Triều Tiên thử bom nhiệt hạch ngày 3-9 đã biến dạng, bị 'lùn' đi.
Ảnh GIF sự thay đổi của đỉnh Mantap do Jeffrey Lewis đăng lên Twitter.
Cuộc thử bom nhiệt hạch này gây ra trận động đất mạnh 6,3 độ richter. Ban đầu các nhà khoa học ước tính độ mạnh quả bom vào khoảng 100 kiloton nhưng các dữ liệu mới cho thấy quả bom mạnh đến 250 kiloton, tức gấp 17 lần sức mạnh quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima.
Địa điểm thử hạt nhân của Triều Tiên tại Punggye-ri là đường hầm bên dưới đỉnh Mantap.
Jeffrey Lewis, người đứng đầu Chương trình Đông Á tại Trung tâm James Martin nghiên cứu phi hạt nhân tại California, cho biết hình ảnh chụp đỉnh núi Mantap - cao 2.205m - trước và sau ngày 3-9 có nhiều thay đổi.
Hình ảnh từ vệ tinh cho thấy diện tích 34ha trên đỉnh Mantap đã bị san phẳng.
Lewis viết trên website của Chính sách quản lý vũ khí: "Có thể thấy rõ đỉnh núi đã bị dịch chuyển, và hình ảnh này cho thấy hai điều: đó là sức mạnh của quả bom cũng như quả bom được thử ở cùng đường hầm so với các lần thử bom hạt nhân trước".
Tờ Washington Post dẫn lời Melissa Hanham, nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm phi hạt nhân: "Điều này củng cố cho giả thuyết rằng Triều Tiên dùng hệ thống đường hầm có sẵn bởi vì hệ thống này dẫn đến nơi quả núi có sức nặng nhất. Nếu phần núi bên trên đường hầm không đủ nặng, trái bom sẽ thổi tung quả núi".
Hai tấm ảnh chụp đỉnh Mantap ngày 26-8 và 3-9 được Airbus, công ty kỹ thuật không gian sản xuất vệ tinh quan sát trái đất, dùng vệ tinh TerraSAR-X chụp và gửi về Trung tâm James Martin.
Nguồn TTO