Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Bốn tháng đầu năm, kinh tế - xã hội có nhiều cải thiện
Thứ hai: 20:12 ngày 22/05/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
“Tình hình kinh tế-xã hội bốn tháng đầu năm 2017 đã có nhiều cải thiện. Kinh tế diễn biến theo chiều hướng tích cực, kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát; các cân đối lớn về tài chính, tiền tệ, tín dụng cơ bản được bảo đảm; tín dụng tăng cao; lãi suất ngân hàng được giữ ổn định”.

Đánh giá lại tình hình thực hiện cả năm 2016 so với số ước tính đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết, có bảy chỉ tiêu đạt cao hơn; hai chỉ tiêu đạt thấp hơn so với số đã báo cáo Quốc hội:

- Tốc độ tăng chỉ số .giá CPI tháng 12/2016 so với tháng 12/2015 là 4,74% (số ước tính đã báo cáo là 4%), nhưng vẫn đạt chỉ tiêu là thấp hơn mục tiêu 5% đã được Quốc hội thông qua.

- Tốc độ tăng trưởng GDP là 6,21%, (số ước tính đã báo cáo là 6,3% - 6,5%); 04 chỉ tiêu còn lại không đổi so với số đã báo cáo Quốc hội.

Kinh tế tiếp tục tăng trưởng, quý sau đạt cao hơn quý trước. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm.

Tín dụng bốn tháng tăng cao

Báo cáo của Chính phủ đánh giá, tăng trưởng các ngành kinh tế tiếp tục phục hồi, nhất là sản xuất công nghiệp đã có dấu hiệu tăng nhẹ so với quý I-2017; dịch vụ tiếp tục đà tăng trưởng tích cực; du lịch có khởi động tốt cho những tháng cao điểm.

Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng khá cao; môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo người có công và các đối tượng chính sách được quan tâm, đẩy mạnh thực hiện; công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm được tăng cường. Công tác đối ngoại đạt nhiều kết quả tích cực. An ninh chính trị và trật tự xã hội ổn định.

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân bốn tháng đầu năm 2017 tiếp tục được kiểm soát và bình quân tăng 4,8% so với bình quân cùng kỳ năm 2016. Lạm phát cơ bản bình quân 4 tháng đầu năm 2017 tăng 1,62% so với bình quân cùng kỳ năm 2016.

Tín dụng đối với nền kinh tế tăng 4,86% so với tháng 12 năm 2016. Huy động vốn và tín dụng tiếp tục đà tăng trưởng tốt từ những tháng đầu năm. Mặt bằng lãi suất thị trường trong thời gian qua cơ bản được giữ ổn định.

Thị trường chứng khoán diễn biến tích cực. Chỉ số VN-Index tiếp cận mốc 730 điểm. Số lượng nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường chứng khoán tiếp tục tăng.

Tổng thu ngân sách nhà nước lũy kế bốn tháng đầu năm 2017 ước đạt gần 396,47 nghìn tỷ đồng, bằng 32,7% dự toán, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2016. Chi ngân sách nhà nước ước đạt 393,38 nghìn tỷ đồng, bằng 28,3% dự toán, trong đó: chi đầu tư phát triển bằng 19,2% dự toán, chi thường xuyên bằng 32,1% dự toán.

Bên cạnh những kết quả đạt được, tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình: “Trong bốn tháng đầu năm 2017 đã xuất hiện không ít khó khăn cần được quan tâm, chỉ đạo, điều hành trong các tháng cuối năm.

Sản xuất nông nghiệp vừa mới phục hồi nhưng tình hình sâu bệnh đang bắt đầu có diễn biến phức tạp trên diện rộng; cúm gia cầm có nguy cơ bùng phát; ngành chăn nuôi lợn đang rơi vào tình trạng “khủng hoảng thừa” do mất cân đối nghiêm trọng giữa nguồn cung và thị trường, giá bán giảm mạnh”.

Cùng với đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng chậm, trong khi chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn ở mức cao. Xuất khẩu tăng mạnh nhưng nhập siêu lại có xu hướng gia tăng. Tiến độ giải ngân các nguồn vốn đầu tư phát triển, nhất là nguồn vốn tư nhân và FDI còn chậm, chưa tương xứng với tốc độ gia tăng vốn cam kết.

Giải ngân vốn đầu tư phát triển ước thanh toán đến ngày 30-4-2017 là 68,56 nghìn tỷ đồng, đạt 19,2% kế hoạch đầu tư ngân sách nhà nước được Quốc hội thông qua (357,15 nghìn tỷ đồng, bao gồm vốn trái phiếu Chính phủ 50 nghìn tỷ đồng).

Tổng vốn đầy tư trực tiêp nước ngoài đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần là 10,58 tỷ USD, tăng 40,5% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, ước thực hiện giải ngân các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài chỉ đạt 4,8 tỷ USD, tăng 3,2% so với cùng kỳ.

Trong tháng bốn tháng, có 13.102 doanh nghiệp được đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký là 98.397 tỷ đồng (tăng 19,6% về số doanh nghiệp và tăng 58,1% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ). Cả nước có thêm 39.580 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 369,6 nghìn tỷ đồng.

Không điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng GDP 6,7%

Thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, tại kỳ họp thứ hai, trên cơ sở kết quả thực hiện chín tháng, Chính phủ đã báo cáo ước thực hiện cả năm 2016.

Đến nay, kết quả đánh giá lại cho thấy không có sự thay đổi nhiều so với số liệu Chính phủ đã báo cáo. Trong số 13 chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội có 11 chỉ tiêu đạt và vượt, có hai chỉ tiêu quan trọng không đạt kế hoạch là tốc độ tăng trưởng GDP và tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu.

Tán thành với đánh giá kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát trong giới hạn cho phép, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm, một số ngành, lĩnh vực tiếp tục đà phục hồi và phát triển.

Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế đánh giá kinh tế-xã hội vẫn đang gặp không ít khó khăn, thách thức lớn, doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể còn cao, đời sống người dân còn khó khăn, ô nhiễm môi trường xảy ra ở nhiều nơi nhưng khắc phục và cải thiện còn chậm, mất an toàn thực phẩm còn phổ biến gây bức xúc xã hội; trật tự an toàn xã hội trên một số lĩnh vực, địa bàn diễn biến phức tạp. Đồng thời Ủy ban Kinh tế đề nghị báo cáo của Chính phủ cần phân tích, đánh giá cụ thể hơn.

Đối với tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017, Ủy ban Kinh tế cơ bản tán thành với kết quả đạt được trong bốn tháng đầu năm 2017 trên các lĩnh vực như báo cáo của Chính phủ đã nêu.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Ủy ban Kinh tế cũng lưu ý về kinh tế-xã hội vẫn bộc lộ một số khó khăn và thách thức, do đó việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017 tiếp tục với những biến động có thể ảnh hưởng đến đầu tư, thương mại, tỷ giá, lạm phát, nợ công...

Cùng với các giải pháp đã nêu trong Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017, Ủy ban Kinh tế cơ bản đồng tình với các nhóm giải pháp nêu trong báo cáo Chính phủ. Theo đó, thống nhất không điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng GDP 6,7%.

Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô để tạo lập niềm tin đối với các nhà đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp; thực hiện có hiệu quả các giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, “đồng hành cùng doanh nghiệp”, xây dựng và ban hành Chương trình hành động triển khai các Nghị quyết của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, tạo lập thị trường cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.

Nguồn Báo Nhân dân

Tin cùng chuyên mục