Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Đội tuyển Việt Nam có chiến thắng lịch sử khi đánh bại Thái Lan tại King’s Cup. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bóng đá Việt Nam đã vượt trội so với kình địch cùng khu vực.
Chiến thắng của tuyển Việt Nam trước Thái Lan tại King’s Cup làm người hâm mộ nức lòng, là thắng lợi đầu tiên của đội tuyển áo đỏ trước đối thủ hùng mạnh sau hơn 10 năm. Tuy nhiên, đó chỉ là chiến thắng trong 90 phút. Chiến công tại Chang Arena không có nghĩa bóng đá Việt Nam vượt trội so với Thái Lan.
Nhìn tổng thể, bóng đá Thái Lan vẫn còn nhiều điều mà Việt Nam phải học hỏi.
Đội tuyển Việt Nam thắng Thái Lan, nhưng bóng đá Việt Nam thì chưa vượt đại kình địch. Ảnh: Minh Chiến.
Chu kỳ thống trị dài hạn
Các đội tuyển Việt Nam hiện tại có thể mạnh hơn Thái Lan. Tuy nhiên, thành công của bóng đá Việt Nam mới trải qua một năm rưỡi tính từ vòng loại U23 châu Á 2018 tới nay. Trước mắt, HLV Park Hang-seo vẫn còn nhiều thử thách. Một trong số đó là chinh phục SEA Games 2019 - giải đấu mà Việt Nam chưa từng vô địch, nơi mà chúng ta gần như chắc chắn sẽ gặp lại U23 Thái Lan mạnh mẽ nhất.
Chiến thắng tại SEA Games, bóng đá Việt Nam mới hoàn tất được bộ sưu tập khu vực, đồng thời cho thấy khả năng duy trì sự ổn định dài hạn trên đỉnh cao.
Đây là điều mà người Thái làm tốt nhiều lần trong lịch sử. Mỗi chu kỳ thống trị của bóng đá Thái Lan thường rất dài, xuyên suốt nhiều giải đấu, cả ở cấp độ khu vực và châu lục. Lần gần nhất trong giai đoạn 2013-2017, người Thái đã vô địch cả 3 kỳ SEA Games, 2 kỳ AFF Cup, vào tới bán kết ASIAD 2014, có mặt tại vòng loại cuối World Cup 2018.
Nếu bóng đá Việt Nam muốn bước tới đẳng cấp mới, chúng ta phải duy trì được sự ổn định ấy, nghĩa là phải thống trị khu vực thêm 2-3 năm nữa.
Bóng đá Thái Lan ở cấp độ CLB đã xây dựng được hệ thống sâu rộng với các đội bóng hùng mạnh cấp độ châu lục. Ảnh: Buriram.
Hệ thống giải quốc nội mạnh mẽ
Tuyển Việt Nam có thể đánh bại Thái Lan, nhưng hệ thống giải quốc nội Việt Nam lại hoàn toàn thua kém so với đối thủ.
Sau thời gian dài phát triển, V.League mới ổn định số đội tham dự trong vài năm trở lại đây và dừng ở con số 14. Mùa 2019, giải hạng Nhất có 12 đội, hạng Nhì có 13 đội, trong khi hạng Ba còn 8 đội. Càng xuống dưới, giải quốc nội Việt Nam càng ít đội tham dự. Cấu trúc tháp ngược này phản khoa học, không phải mô hình lý tưởng cho sự phát triển sâu rộng của nền bóng đá.
Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã nỗ lực trong nhiều năm qua, nhưng chưa cải thiện được tình hình.
Ở chiều ngược lại, Thai League 1 có 16 đội tham dự. Trong khi, Thai League 2, Thai League 3 lần lượt có 18 và 14 đội góp mặt. Riêng Thai League 4 cực kỳ tầm cỡ với 64 CLB chia thành 8 vùng địa lý, trải dài trên toàn bộ lãnh thổ Thái Lan. Mùa 2018, FA Cup Thái Lan có 98 đội tham dự, ngang với những cúp quốc gia lâu đời nhất thế giới.
Ngược với Việt Nam, bóng đá Thái là cấu trúc hình nón với chân đế cực kỳ vững chắc. Bởi thế, cuộc cạnh tranh tại Thai League 1 luôn khốc liệt. Các CLB tốp đầu phải làm mới mình, phải liên tục tăng cường sức mạnh để không tụt lại so với cuộc đua.
Chân đế vững chắc ấy không chỉ giúp giải quốc nội phát triển. Nó còn tạo điều kiện cho cầu thủ trẻ có thêm nhiều cơ hội thi đấu. Đấy là lý do giúp bóng đá Thái Lan liên tiếp sản sinh các thế hệ tài năng qua từng thời kỳ.
Xuân Trường (giữa) nhận lương cao gấp nhiều lần khi chuyển sang Buriram chơi bóng. Ảnh: Buriram.
Sức mạnh tài chính
Năm ngoái, tập đoàn xe hơi của Nhật Bản chấm dứt tài trợ V.League sau thời gian gắn bó. Hợp đồng cũ với V.League trị giá khoảng 2 triệu USD mỗi mùa. Ở chiều ngược lại, tập đoàn này gia hạn tài trợ Thai League tới năm 2020, hợp đồng mới trị giá gần 5 triệu USDmỗi mùa.
Từng ấy là đủ để thấy V.League kém xa Thai League ở năng lực thu hút thương mại.
Không như nhiều CLB Việt Nam phải vất vả tìm kiếm tài trợ, các đội bóng Thai League luôn có nhiều đối tác thương mại. Chonburi, CLB vừa đưa về huyền thoại Datsakorn Thonglao, sở hữu gần 20 nhà tài trợ. Các đội bóng Thái Lan cũng kiếm rất nhiều tiền nhờ hệ thống bán vé hiện đại, các khu mua sắm đồ lưu niệm hoành tráng, năng lực tương tác cực tốt với người hâm mộ thông qua nhiều kênh truyền thông khác nhau.
“Mạnh vì gạo, bạo vì tiền”, các đội bóng Thái Lan đủ sức trả lương cao và đưa về nhiều ngoại binh giỏi. Theo nguồn tin của Zing.vn, Lương Xuân Trường, Đặng Văn Lâm đều hưởng lương xấp xỉ 10.000 USD mỗi tháng ở Buriram và Muangthong. Những ngoại binh tốt hơn thậm chí được trả rất cao. Bên kia chiến tuyến, những cầu thủ Việt Nam hay nhất nhận được hơn 2.000 USD mỗi tháng, còn ngoại binh nhận khoảng 5.000 USD mỗi tháng.
Các CLB Thái Lan hoàn toàn chủ động tài chính. Họ phần lớn có sân riêng, hệ thống đào tạo trẻ tự thân và có thể sống tốt mà không cần dựa vào cảm hứng nhất thời từ những ông bầu.
Thành Lương (phải) trong một trận đấu của CLB Hà Nội ở AFC Cup - đấu trường hạng hai của châu Á. Ảnh: Minh Chiến.
Sức mạnh ở châu Á
Trong khi V.League không có vé tham dự vòng bảng AFC Champions League, người Thái đã sớm vô địch giải đấu này từ thế kỷ trước. Thai Farmers Bank thậm chí nằm trong nhóm “tinh hoa” của lịch sử Champions League châu Á với 2 lần vô địch vào các mùa 1994 và 1995.
Ngày nay, Thái Lan vẫn có một vé rưỡi tham dự AFC Champions League. Những đội hàng đầu Thái Lan như Muangthong, Buriram United đủ sức cạnh tranh và chơi sòng phẳng với các đại gia Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Việc được cọ xát với các ông lớn châu Á không chỉ giúp cầu thủ Thái Lan nâng cao trình độ, nó còn là màn quảng cáo của họ trước các giải đấu hàng đầu.
Chanathip Songkrasin là ví dụ. Sau màn trình diễn đỉnh cao cùng Muangthong ở AFC Champions League 2017, anh được Consadole chiêu mộ và giờ đang là một trong những ngôi sao hàng đầu J.League.
Ở chiều ngược lại, CLB Bình Dương hay CLB Hà Nội mùa này phải hài lòng với giải “hạng hai” AFC Cup. Do thể thức đặc biệt phức tạp của giải đấu, họ chỉ có dịp chạm trán những đối thủ hàng đầu nếu vào được chung kết.
Đội phó tuyển Thái Lan Theerathon Bunmathan đang chơi bóng tại Nhật Bản và là một trong những cầu thủ Thái Lan hay nhất trận hôm 5/6. Ảnh: Minh Chiến.
Khả năng xuất khẩu cầu thủ
Hệ thống giải quốc nội kém phát triển, các CLB không có nhiều cơ hội ở châu Á khiến cầu thủ Việt Nam gặp khó khăn trong quá trình xuất ngoại. Đa số chỉ có cơ hội thể hiện mình dưới màu áo tuyển quốc gia. Những hệ thống dữ liệu lớn như Soccerway hay Transfermarkt thậm chí không quan tâm tới kết quả thi đấu của Quang Hải, Duy Mạnh, Tiến Dũng ở V.League. Cho tới trước Asian Cup 2019, Quang Hải còn không được định giá.
Ở chiều ngược lại, cầu thủ Thái Lan có điều kiện chứng tỏ mình và xuất ngoại liên tục. Năm ngoái, Thái Lan có 3 cái tên chơi tại J.League 1, và thủ môn Kawin Thamsatchanan đá tại hạng hai Bỉ.
Ở King’s Cup 2019 này, Theerathon Bunmathan và Thitiphan Puangchan là 2 cầu thủ Thái Lan trở về từ Nhật Bản. Chính họ có nhiều tình huống va chạm và gây hàng loạt khó khăn cho hàng thủ áo đỏ.
Đặc biệt là người Thái xuất khẩu cầu thủ rất bài bản, có điểm đến chiến lược. Cầu thủ Thái ra nước ngoài phần lớn đá chính ở hạng đấu cao nhất, trong khi cầu thủ Việt chỉ ngồi dự bị. Người Thái xuất ngoại nâng cao được trình độ, còn cầu thủ Việt có nguy cơ thụt lùi vì ngồi dự bị quá nhiều.
Rõ ràng bóng đá Việt Nam còn thua kém Thái Lan khá nhiều ở hầu hết hạng mục quan trọng. Khoảng cách giữa đôi bên vì thế chưa thể thu hẹp nhiều chỉ sau một chiến thắng ở King’s Cup.
Nguồn Zing