Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Việc thầy trò Park Hang-seo dừng bước từ vòng bảng U23 châu Á 2020 phản ánh đúng việc bóng đá Việt Nam nằm ngoài top 15 châu Á.
Hàn Quốc lần đầu tiên vô địch, cùng với Saudi Arabia, Australia và chủ nhà Nhật Bản là các đại diện của châu Á tại Olympic 2020. Đây là bốn đội nằm trong sáu nền bóng đá mạnh nhất châu Á. Họ cũng từng có mặt ở World Cup 2018.
Giống trong một trận đấu đỉnh cao, khi đội bóng có đẳng cấp cao hơn tăng tốc, họ có thể tìm được ngay bàn thắng. Còn đội bóng yếu hơn sẽ phải vận dụng rất nhiều kỹ năng, phẩm chất và cần nhiều thời gian mới làm được. Ngay lần đầu tiên mà giải U23 châu Á đảm nhiệm luôn vòng loại Olympic, trật tự được thiết lập lại khi các nền bóng đá hàng đầu nghiêm túc thực thi nhiệm vụ của họ.
Với bóng đá Việt Nam cũng thế. Nhưng nếu ngôi á quân năm 2018 được gọi là kỳ tích, thì việc bị loại ngay từ vòng bảng là câu trả lời xác đáng cho vị trí nằm ngoài top 15 châu Á hiện nay. Đó cũng không phải là điều bất ngờ đến mức thất vọng.
Quang Hải và đồng đội ôm mặt thất vọng khi rời sân sau trận thua Triều Tiên 1-2, dẫn tới việc Việt Nam sớm dừng bước từ vòng bảng giải U23 châu Á 2020. Ảnh: Đức Đồng.
Nhưng thất bại năm 2020 không có nghĩa là thành tích của hai năm trước là may mắn. Những kết quả tốt ở Asian Cup 2019 và vòng loại World Cup 2022 là minh chứng cụ thể. Hơn nữa, có sự khác biệt rất rõ. Năm 2018, HLV Park Hang-seo giới thiệu tài năng của ông cùng một loạt ngôi sao mới của bóng đá Việt Nam. Tiêu biểu như Phan Văn Đức, cầu thủ được chọn phút cuối từ giải U21 quốc tế Báo Thanh Niên 2017, hay bộ đôi trung vệ Duy Mạnh và Đình Trọng.
Còn ở giải U23 châu Á 2020, số cầu thủ còn sót lại từ hai năm trước rơi vào tình trạng mỏi mệt, trong khi HLV Park Hang-seo không thể hiện được sự xuất sắc về chiến thuật do trong tay không có con người phù hợp.
Bị loại ngay từ vòng bảng không phải là thất vọng, nhưng thất bại lớn nhất chính là U23 Việt Nam không giới thiệu được bất kỳ nhân tố mới nào. Trước đó một tháng cũng vậy, SEA Games 30 thực ra là cuộc trình diễn của các cựu binh. Nghĩa là trong vòng hai năm, bóng đá Việt Nam không có thêm tài năng trẻ nào, dù tuổi U23, theo chuẩn quốc tế, cũng không còn trẻ nữa.
Sự bất cập về mặt nhân sự đã được báo động trong năm 2019. Mười đợt tập trung trong suốt năm, hơn 60 cầu thủ được triệu tập, đá tổng cộng 10 trận chính thức (vòng loại U23 châu Á và SEA Games), cộng với chín trận giao hữu trước nhiều quân xanh chất lượng cao như Trung Quốc, UAE, Bahrain... Đội bóng trẻ do HLV Park Hang-seo giữ được thành tích đáng kinh ngạc là không để thua trận nào, nhưng chỉ cần thất bại trước Triều Tiên, là bị loại.
Xét về mặt kết quả, cú ngã trước Triều Tiên chỉ như một tai nạn. Nhưng nếu xét cả một quá trình, Việt Nam đã để thua ở một trận đấu bắt buộc phải thắng, và đó mới là điều đáng nói. Chúng ta có sự ổn định nhưng lại không đủ chất lượng để tạo nên một điều khác biệt sau khi đã chạm đến đẳng cấp châu Á. Nếu cần củng cố thêm nhận định này, cứ lấy các trận đấu vòng loại World Cup 2022 làm cơ sở. Chiến thắng trước Malaysia, UAE hay hòa với Thái Lan đều có cùng điểm chung: Kết quả tốt nhưng thế trận thì không có nhiều ưu thế, kể cả khi đá trên sân nhà.
Không thể đòi hỏi mỗi hai năm, các lò đào tạo phải trình làng một lứa cầu thủ trẻ mới. Các chu kỳ xuất hiện tài năng thông thường phải mất 8-10 năm, với điều kiện phải liên tục tuyển sinh, sàng lọc mới có thể tìm được một lứa trẻ em có tài năng thiên bẩm. Thế nên, ở đâu cũng vậy, điều duy nhất để giữ sự ổn định và thay đổi được chất lượng thi đấu, đó chính là hệ thống thi đấu nội địa. Mà cụ thể, là V-League. Nhìn sang bóng đá Thái Lan, kể cả khi họ khủng khoảng lớn trong giai đoạn 2008-2012 thì nền tảng Thai-League vẫn giúp cho họ không tuột dốc đến mức "phá đi-làm lại" như ở Việt Nam.
Thật không may, nền bóng đá Việt Nam đang vận hành theo mô hình "xây nhà từ nóc". Một cầu thủ quan trọng như Quang Hải có số trận đấu trong màu áo các đội tuyển gần ngang với số trận đấu tại V-League. Thủ môn Bùi Tiến Dũng là ví dụ khác, anh chỉ ra sân cho Hà Nội 5 trận, tức là bằng một phần ba so với đội U23. Hậu quả đã rõ ràng: sai sót của Tiến Dũng đều thuộc về lỗi kỹ thuật, một phần của việc ít chơi bóng thực tế.
Ở góc độ khác là trường hợp của Hà Đức Chinh. Nhiều người phê phán HLV Lê Huỳnh Đức cố tình "trù dập", vì hay chê Chinh "Đen". Nhưng nếu không phải là đội U23, trình độ của tiền đạo người Phú Thọ chưa chắc có chỗ đứng ở các CLB hàng đầu Việt Nam.
Rất nhiều cầu thủ mới của đội U23 hiện nay có thời gian ăn tập trên tuyển nhiều hơn CLB. Đây là quy trình đi ngược với sự tiến bộ. Lấy đội hình 2018 làm ví dụ. 15 trong 23 cầu thủ của HLV Park Hang-seo ngày đó đã đá chính tại CLB từ ít nhất một năm trước đó. Dàn cầu thủ HAGL thậm chí còn đá từ năm 2015. Dù V-League giai đoạn đó rất kém về chất lượng, tràn lan bạo lực và vấn nạn trọng tài. Các cầu thủ không có chọn lựa nào khác, ngoài việc phải thích ứng, rèn luyện, trưởng thành từ môi trường đó. Thích hay không thích thì đó vẫn là gốc rễ của nền bóng đá.
Nếu thời gian thi đấu của một giải vô địch quốc gia vẫn kém hơn thời gian tập trung các đội tuyển, chắc chắn nền bóng đá đó vẫn còn ở tình trạng ăn đong, và tầm nhìn hạn hẹp. Sẽ không thể có một vị trí trong top 10 châu lục hay chiếc vé dự World Cup cho bóng đá Việt Nam nếu V-League không được đầu tư đúng mức để các CLB Việt Nam có suất cố định tham dự AFC Champions League. Đẳng cấp của chúng ta phải được cân đo bằng các con số ấy chứ không phải một vài kết quả xuất thần ở đội tuyển quốc gia.
U23 Việt Nam thất bại khi không giới thiệu được nhân tố mới, đó chắc chắn là lỗi của V-League. Nhưng phê phán, quay lưng với nó, lại càng không phải là điều hay ho gì như cái cách người hâm mộ, các nhà tài trợ đang làm với giải đấu số một của bóng đá Việt Nam.
Nguồn VNE