Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Bông trang trắng
Thứ sáu: 12:58 ngày 07/02/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Sáng nay ra đường gặp ai? Gặp đoá súng hồng

(Chế Lan Viên)

- Còn chuyến xuất hành đầu năm của tôi?

- Gặp bông trang trắng.

Vâng. Đó là sớm mùng 1 tết, tôi đưa một người bạn lên chùa Vĩnh Xuân bên phường 1, TP. Tây Ninh cho anh viếng Bà, thay vì lên núi Bà Đen. Trong lúc chờ anh dâng hương cúng Bà, cúng Phật thì tôi thơ thẩn trước sân chùa.

Chùa Vĩnh Xuân, còn có tên chữ là Phước Lâm, ở ngay trước bờ rạch Tây Ninh trên đường Phan Châu Trinh thì nhiều người dân TP. Tây Ninh đã biết. Từ cầu Quan đã thấy rồi, những mái chùa ở tiền sảnh nhô lên tươi đỏ, những bức tường vàng lấp ló sau cây. Những bậc cao niên từng kể, thời chiến tranh núi Bà trở thành vùng giao tranh ác liệt. Không lên núi viếng Bà được thì có thể tới đây, vì Vĩnh Xuân cũng được coi như một trong những chùa của hệ thống chùa chiền trên núi.

Nơi đây lại còn lưu giữ được pho tượng Bà rất cổ bằng đồng của chùa trên núi. Một thời quân Pháp đã cướp đi, song chẳng rõ lý do gì mà chúng không thể mang đi khỏi Tây Ninh. Sau đấy, biết nơi lưu giữ nên chùa đến chuộc về. Từ đấy, tượng được ở lại Vĩnh Xuân cho đến ngày nay… Tiếc cho Vĩnh Xuân nay đã là một kiểng chùa vắng vẻ, không còn cảnh thời xưa “trên bến dưới thuyền”.

Tha thẩn trước sân chùa, tôi ngắm những cây bông sứ già nua cổ thụ. Cây còng queo, bò ngang ngửa, rêu mốc và địa y xanh xám bạc thân cành. Sư trụ trì bảo, đấy là những cây sứ của các vị thầy tổ trồng. Nghe nói có 4 cây trồng từ lúc lập chùa. Vậy ư! Chùa Vĩnh Xuân được khánh thành năm 1871.

Vậy có thể những cây sứ này đã có tuổi đời gần một thế kỷ rưỡi. 150 năm! Cây cũng trở nên lụ khụ, như cụ già bị còng lưng. Sư trụ trì phải sắm cho các "cụ" những cây cột chống để giữ cho cái lưng còng đừng gãy gục. Vậy mà hoa vẫn nở trên lá cành tươi thắm, chỉ hai màu đỏ và vàng giữa những chùm lá dày mướt xanh. Không chỉ sứ, chùa còn vài loại cây có tuổi đời rất cao, như một cây nguyệt quế um tùm, vài cây mai tứ quý cao tới 3 mét còn chúm chím bông vàng bông đỏ.

Còn nữa! Sư trụ trì dẫn tôi ra mảnh sân nhỏ bên trái hông chùa. Nơi ấy có vài ngôi tháp mộ. Sau tháp là những rặng cây cao ngất nghểu. Cây hơi xơ xác giữa mùa khô, nhưng thấp thoáng trên cao là những chùm bông trắng. Tôi cố với lấy cho được một chùm, thì ra đấy là bông trang. Thứ bông mà hồi trẻ con, chúng tôi thường ngắt một chùm, rồi dứt ra từng cọng hoa nhỏ như cái tăm đưa lên miệng mút. Một vị ngọt loang ra trên lưỡi. Ôi chà! Bài học từ loài ong hút mật. Biết bao nhiêu là bông trang mới có được giọt mật ngọt cho người?

Chỉ một điều khác lạ duy nhất là bông trang trong ký ức của tôi chỉ có màu đỏ hoặc vàng. Còn bông trang sân chùa Vĩnh Xuân lại trắng. Trắng như một nắm bông gòn. Giữa chùm lá thon dài như ngón tay xanh màu lá mạ, bỗng trổ ra một cái cọng dài, nâng đỡ một chùm bông. Chùm kết lại từ vô số những bông hoa nhỏ xíu, cọng dài như cái tăm. Hút thử để tìm lại vị ngọt ngày xưa, mà không thấy. Hay là lưỡi mình đã chai sạn rồi, sau mấy mươi năm? Nhưng kìa, bông trang dịu dàng lan toả một làn hương nhẹ bỗng. Một làn hương thanh khiết đến vô cùng...

Sư trụ trì kể, bông trang trắng cũng do một vị thầy tổ trồng, nhưng mới gần đây thôi, khoảng năm 1974. Thầy còn là lương y nên đi đâu gặp cây thuốc cũng đem về trồng. Bông trang trắng cũng là một vị thuốc nam. Vào mùa mưa hoa còn đẹp hơn, tươi tắn và trắng muốt. Đến mùa khô, hoa vẫn còn nhưng thấy hơi xơ xác. Vậy mà chùm bông trên tay tôi vẫn còn muôn muốt trắng, lặng lẽ toả mùi hương.

Bài thuốc thì đã thất truyền, do thầy đã mất mà không ai nối nghiệp. Những lời kinh Phật thì có khi quên, nhưng bông trang trắng vẫn sống, bền bỉ và lặng lẽ dâng hiến cho chùa một cảnh sắc và hương thơm man mác. Dù nhiều khi khách đến viếng chùa chỉ biết đến những loài cây như sứ, như mai hay nguyệt quế thơm nồng.

Thế mới hiểu thêm chút ít về những gì người xưa đã viết. Như một câu đã thành châm ngôn của dân tộc ta, ai cũng đã biết rồi… Đấy là lời Bác dạy: “Mùa xuân là tết trồng cây/ Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”. Học theo lời Người, tôi xin sư trụ trì một cây con về. Biết đâu mùa xuân sau có bông trang trắng nở trong vườn?

NGUYỄN

Tin liên quan