Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Một vấn đề cần đặc biệt lưu tâm là các vị lãnh đạo cấp cao hoặc những người có vị trí nhất định trong xã hội không nên giới thiệu (thậm chí còn ép cấp dưới) các đối tác là người thân, người nhà tham gia dự thầu.
Dự án BOT, BT trong nhiều năm qua luôn được nhà nước ta xem như một chủ trương đúng và cần thiết để đầu tư xây dựng cơ bản trong ngành giao thông trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, góp phần đáng kể thay đổi “bộ mặt” hạ tầng giao thông, hoàn chỉnh diện mạo khang trang và hiện đại của đất nước.
Các dự án này khi đưa vào khai thác đã giúp các phương tiện tiết kiệm đáng kể thời gian lưu thông, tiết giảm chi phí tiêu hao nhiên liệu, khấu hao phương tiện,... so với khi công trình chưa được đầu tư xây dựng.
Tuy nhiên, lâu nay, dư luận cũng râm ran nhiều xung quanh chuyện các dự án thu phí đường bộ dạng BOT có những khuất tất. Nào là địa điểm đặt trạm thu bất hợp lý hoặc thậm chí đặt người dân vào thế không thể có lựa chọn thay thế; ấn định phí cao, vô lối; tình trạng một số nơi nhà đầu tư hưởng lợi nhiều, đầu tư ít; chuyện chỉ định thầu...
Nhưng quả thật, tôi vẫn không khỏi giật mình khi biết trong số 7 dự án mà Chính phủ vừa yêu cầu Thanh tra Chính phủ (TTCP) vào cuộc thì cả 7/7 đều do chỉ định thầu. Một điều vô cùng khó hiểu, tới mức vị tư lệnh ngành giao thông cũng khó biện minh.
Thật khó để tin rằng các dự án đầu tư dạng BOT về giao thông để được nhận quyền thu phí lại "vắng tanh" các nhà thầu như thế. Cũng không phải dự án nào cũng là khẩn cấp, không còn thời gian tổ chức mở thầu và cũng không phải đây là các dự án liên quan gì đến an ninh, quốc phòng mà cần phải bí mật.
Tài xế sử dụng tiền lẻ mua vé ở trạm thu phí Cai Lậy để thể hiện sự phản đối. Ảnh: Thanh niên
Từ khi triển khai đầu tư theo hình thức hợp đồng BT, BOT trong lĩnh vực giao thông đến nay, với gần 80 dự án đã thực hiện tại phía Bắc mà tại sao vẫn duy trì "nếp làm ăn không giống ai", tức là không lựa chọn được nhà đầu tư nào theo hình thức đấu thầu công khai.
Hầu hết 100% vẫn là chỉ định thầu với lý do "chỉ có 1 nhà đầu tư tham gia”, trong đó có những nhà đầu tư được lựa chọn nhưng chưa đảm bảo năng lực, chưa có kinh nghiệm. Nghe nói còn có cả dạng tuy đăng ký nhưng rồi họ lại "sang tay" cho nhau, kiếm chác gọn lẹ.
Bộ trưởng bộ GTVT qua các thời kỳ sẽ giải thích thế nào đây? Liệu vai trò của bộ GTVT đến đâu và liệu có ai tác động để lãnh đạo bộ này nể nang làm theo, chiều ý cấp trên? Điều này cũng cần được làm rõ và trả lời trước Quốc hội vào kỳ họp tới đây, để minh bạch trước những bàn tán của dư luận về những vấn đề như vì sao có dự án được chỉ định cho người thân của lãnh đạo, không có kinh nghiệm xây dựng đường giao thông, không có nguồn lực gì và thậm chí đang có nguy cơ vỡ nợ.
Theo thông tin trên báo Tuổi trẻ, một số nhà đầu tư được lựa chọn có năng lực hạn chế, không đáp ứng yêu cầu của dự án. Kết quả kiểm tra tổng mức đầu tư có nhiều sai lệch nên vốn đầu tư xác định cho hợp đồng dự án không chính xác. Tại 7 dự án được thanh tra, TTCP phát hiện các nhà đầu tư phê duyệt sai tăng về đơn giá định mức, chế độ tiền lương, phụ cấp không đúng thực tế với số tiền hơn 316 tỉ đồng.
Cũng theo báo Tuổi trẻ, các dự án BT, BOT hầu hết cho nhà đầu tư thực hiện ở những khu vực giao thông trọng yếu, có mật độ người, phương tiện tham gia giao thông lớn, đặt một số trạm thu phí có khoảng cách gần nhau bất hợp lý, giá phí cao, tăng nhanh, khiến người tham gia giao thông không còn sự lựa chọn nào khác (điển hình là tại Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên và Hòa Bình…).
Từ đó đã phát sinh tình trạng người dân và phương tiện né trạm thu phí, đi vào đường ngang ngõ tắt gây hư hại nhanh hệ thống giao thông địa phương và nguy cơ mất an toàn cũng cao hơn.
Mặt khác, việc xác định doanh thu theo phương án tài chính một số dự án thiếu chuẩn mực, doanh thu thực tế của một số dự án chênh lệch cao so với phương án tài chính đã gây ra gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp tham gia giao thông vì thời gian thu phí kéo dài.
Sự phản ứng bằng cách dùng tiền lẻ chống lại phí đường và vị trí đặt BOT của các tài xế tại Cai Lậy, Tiền Giang không phải là lần đầu tiên. Tại trạm thu phí Bến Thuỷ, Hà Tĩnh cách đây 8 tháng, chúng ta cũng chứng kiến chuyện tương tự.
Điều này vẫn có nguy cơ tái diễn nếu không có giải pháp “trị tận gốc”. Đó là phải xây dựng luận chứng kinh tế kỹ thuật thật khoa học, phải chặt chẽ hơn nhiều so với hiện nay; phải tổ chức đấu thầu công khai; phải có cam kết, giám sát chặt chẽ và kiểm toán rõ ràng, minh bạch; phải tương thích giữa đồng vốn thực bỏ với thời gian nhà đầu tư bỏ vốn được phép khai thác, tránh lợi ích nhóm và phải tách bạch, không thể có kiểu sau khi làm đường BOT xong thì mọi người dân sẽ "hết cửa", buộc phải đi mà không còn sự lựa chọn.
Còn có một vấn đề cần đặc biệt lưu tâm, các vị lãnh đạo cấp cao hoặc những người có vị trí nhất định trong xã hội không nên giới thiệu (thậm chí còn ép cấp dưới) các đối tác là người thân, người nhà tham gia dự thầu, vô hình trung sẽ làm khó cho cấp dưới khi họ (bộ, ngành, địa phương) được giao tổ chức đấu thầu.
Bộ GTVT cũng không có lý gì cứ chỉ định thầu mãi. Đây là một việc hết sức vô lý trong kinh tế thị trường. Từ đó, nhà nước sẽ bị thất thoát một nguồn thu quan trọng, trong khi tư nhân hưởng lợi quá mức. Không có lý gì, khi nhà đầu tư thu hồi vốn xong thì cũng là lúc đường xá, cầu cống của nhà nước cũng đã tàn tạ, “nát bươm” và phải làm lại từ đầu.
Nguồn vietnamnet