Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Bức phù điêu ở Gò Tháp, Bến Cầu
Thứ tư: 16:20 ngày 05/07/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Cũng xin nói ngay, Bến Cầu đây là tên ấp thuộc xã Biên Giới, huyện Châu Thành. Ðây chính là nơi mà báo Tây Ninh ngày 20.3.2017 đã đề cập trong bài viết của tác giả Ðại Dương: “Ði tìm Gò Tháp”.

Hai mảnh phù điêu ghép lại. Một phần cột còn sót lại của đền thiêng.

Từ bài báo này mà ngay sau đó, Bảo tàng tỉnh đã đến tận nơi cùng chính quyền xã làm thủ tục đưa về kho của Bảo tàng hai tảng đá. Chúng được phóng viên Ðại Dương mô tả là đá xanh nhưng thực ra là đá sa thạch, một loại đá mềm hơn thường được dùng để tạc tượng hoặc đục đẽo những chi tiết kiến trúc quan trọng trên các ngôi đền tháp từng có ở Tây Ninh, như tháp Bình Thạnh và Chót Mạt (đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích quốc gia).

Thật thú vị làm sao khi chúng được đưa về kho, xếp cạnh chiếc bông sen đá tìm được ở làng cổ Tiên Thuận. Thì chất đá tương tự nhau, cùng là loại sa thạch trắng xám, ửng lên màu hồng nhạt. Bông sen đá ấy đang được Bảo tàng làm hồ sơ trình lên Bộ, đề nghị công nhận là bảo vật.

Thú vị hơn nữa là khi đem hai tảng đá ấy về, xoay trở để ghép lại với nhau, thì là hai mảnh vỡ của một chiếc lanh tô (còn gọi là mi cửa). Mi cửa này thường được bố trí ngay trên cửa chính và thường là duy nhất của các ngôi tháp cổ.

Nhìn tổng thể chiếc mi cửa khi đã ghép lại mà xem! Quả là một tác phẩm điêu khắc tuyệt vời. Có vẻ nó không kém phần sắc sảo là bao so với những điêu khắc ở Angkor Wat- kỳ quan nổi tiếng trên toàn thế giới.

Nếu tôi nhớ không nhầm, thì loại phù điêu như thế này chưa từng có ở Bảo tàng Tây Ninh, dù Bảo tàng đã sưu tầm và lưu giữ được khá nhiều hiện vật đá của các thời kỳ lịch sử, từ Ðá mới đến Óc- eo và hậu Angkor…

 Xã Biên Giới ngày nay, thời chính quyền Sài Gòn từng có tên là Phước Lộc thuộc quận Châu Thành từ năm 1958. Ngược lại ngọn nguồn thêm nữa thì đây chính là làng Ðây Xoài thuộc tổng Khăn Xuyên, hạt tham biện Tây Ninh kể từ 16.8.1877 (theo Từ điển Ðịa danh hành chính Nam Bộ, Nxb Chính Trị Quốc Gia 2008).

Chính là tại làng Ðây Xoài, nhà khảo cổ người Pháp Henri Parmentier đã đến tận nơi xem xét từ những năm đầu thế kỷ XX. Trong bài in trên tạp chí của Trường Nghiên cứu Viễn Ðông thuộc Pháp, số 9 năm 1909 ông đã ghi chép lại như sau: “Vết tích của một công trình xây dựng ở địa điểm gọi là Prey Prosat (hay Basat): ở xóm leach-veng, làng Ðây Xoài, tổng Khăn Nguyên (có lẽ chép nhầm từ Khăn Xuyên). Vĩ độ 12G.6, kinh độ 115G.7. Prey Prosat chắc là biến dạng của tên gọi Campuchia Prah Prasat- “đền thiêng”. Ngôi tháp có tên gọi tự hào như trên, bị khuất trong rừng, cách bến đò Bến Cầu khoảng 1 giờ, trên bờ trái của rạch Nàng Ginh; đó là một công trình xây dựng nhỏ bằng gạch (h.40). Cho tới giờ chỉ còn lại mặt tường Bắc và một phần tường Tây. Hướng Ðông lệch Bắc 10 độ. Tường không có gờ giật nhô ra, không có cửa giả, chỉ được trang trí bằng những cột trụ mỏng có bình đồ kép. Từ mặt nhìn nghiêng của mái đua hầu như không còn gì… Tổng thể là một sự giống kỳ lạ với những mặt nhìn nghiêng của những cái cổ điển nhất của nghệ thuật Java nguyên thuỷ. Chắc chắn sẽ không thận trọng nếu cho đó là chứng cớ về tình trạng cổ xưa vì gạch ở đây có kích thước nhỏ hơn gạch cổ (30x15x6 cm). Ở đằng trước tìm thấy những thành phần của một cửa trong; lỗ cửa thấp 1m64…” (bản dịch của TS Nguyễn Hồng Kiên).

Như vậy là vào năm 1909, ngôi đền thiêng này vẫn còn đứng trên mặt đất. Nó cũng chỉ còn hai mặt tường phía Bắc và Tây, tương tự như tháp Chót Mạt ở Tân Biên trước khi được tôn tạo trùng tu năm 2010. Hình vẽ 40 kèm theo cho thấy tháp có mặt bằng vuông giống như các ngôi tháp cổ khác, với cạnh thông thuỷ bên trong là 4m52.

Có điều khác biệt với tháp Bình Thạnh chính là tấm mi cửa được điêu khắc đá như một phù điêu này, ở Bình Thạnh chỉ là hoạ tiết dây hoa lá, trong khi tấm mi cửa ở Bến Cầu, xã Biên Giới lại là hình các vị thần linh và cá sấu- linh vật của một số nước Ðông Nam Á.

Tấm phù điêu ghép lại từ hai mảnh đá có kích thước 1,5 x 0,46 x 0,23m. Dù tấm bên trái đã vỡ mất một mảnh góc, nhưng do tính đối xứng hoàn hảo của nó, mà ta vẫn có thể hình dung toàn bộ các khối hình trên nó. Từ ngoài vào, lần lượt là cá sấu với một người cưỡi ở trên, có thể là thần Siva theo tín ngưỡng Bà-la-môn hoặc hiện thân của thần là vị vua đang cai trị.

Tiếp theo là hình một thiếu nữ rất mảnh mai xinh xắn. Trong cùng, cũng là chính giữa còn một tượng người nữa, giống như một nữ thần Ap-sa-ra đang múa. 5 khối hình người này được đặt trên một nền phù điêu cực kỳ tinh xảo, mô tả dây hoa lá, sóng nước, các chuỗi dây và hạt. Tất cả hài hoà gắn quyện vào nhau trong một bố cục và hình khối thật hoàn hảo.

Ðối chiếu với văn hoá một số nước có chung tín ngưỡng Bà-la-môn trước thế kỷ X, có thể thấy cả Ấn Ðộ lẫn Campuchia, Java, Malaysia - Ða Ðảo đều có linh vật thờ là cá sấu. Sách Tìm hiểu lịch sử văn hoá Campuchia (Nxb KHXH, 1985) có đoạn: “Người Khmer cổ, trước thời Ăng co, đồng nhất tính chất của Naga = thần nước nhưng trong quan niệm hình tượng thì vẫn có sự phân biệt, coi Naga là cá sấu chứ không phải rắn. Chẳng hạn trên phù điêu ở Pra Ba rây Ba Chây, có niên đại sớm hơn các di tích thời Ăngco, cảnh Vixnu nằm trên rắn Ananta (Na ga) trong thần thoại Ấn Ðộ thể hiện là Vixnu nằm trên cá sấu…Chỉ từ thời Ăngco trở đi, Na ga mới thành rắn, như đầu rắn bạnh mang đồ sộ ở các dãy lan can đá trong Ăngco- Vat…”.

Như vậy, có thể thấy “đền thiêng với tấm phù điêu đặc sắc kể trên đã sinh ra trước thời đại Angkor (thế kỷ IX- XI), bởi ở phù điêu này có hình tượng thần Vixnu (Siva) ngồi trên lưng cá sấu. Tiến sĩ khảo cổ học Bùi Chí Hoàng, thuộc Viện Nghiên cứu phát triển bền vững vùng Nam bộ cho biết: “Loại phù điêu này phát hiện nhiều trong các di tích tiền Ăngco ở tỉnh Kompongthom, niên đại Pre- Ăngco khoảng thế kỷ 8-9”.

Vậy tại sao ngôi đền thiêng này lại có sự “giống kỳ lạ với những cái cổ điển nhất của nghệ thuật Java nguyên thuỷ” như H.Parmentier ghi chép năm 1909? Ðiều giải thích có thể là đây: trong tác phẩm Lược sử vùng đất Nam Bộ, do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam xuất bản năm 2006, có đoạn: “Vào nửa sau thế kỷ VIII, quân đội nước Srivijaya của người Java liên tục tiến công vào các quốc gia trên bán đảo Ðông Dương. Kết cục là Thuỷ Chân Lạp bị quân Java chiếm… mãi đến năm 802 mới kết thúc. Trong vòng gần một thế kỷ, vùng đất Nam bộ lại nằm dưới quyền kiểm soát của Java…”.

Chính xác là mới có khoảng 60 đến 70 năm mà người Java vừa chiếm đất, sinh sống làm ăn, lại vừa kịp để lại những dấu tích về nền văn hoá của mình chăng?

Nếu đúng vậy, thì “đền thiêng” ở ấp Bến Cầu, xã Biên Giới với di vật điêu khắc đá đã nằm trong Bảo tàng Tây Ninh có thể là vật chứng duy nhất về sự hiện diện của người Java trên miền đất này, sau khi vương quốc Phù Nam (thế kỷ I- VI) tan rã.

TRẦN VŨ

Tin cùng chuyên mục