Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Màu sắc đỏ tươi đẹp đến nao lòng. Chị trưởng đoàn cúi xuống coi kỹ: - Em chỉ thấy màu tím nhạt, trinh nữ vốn màu ấy mà. Có cái gì như níu kéo tôi ở lại chỗ này. Tôi khẩn khoản xin chị cho tôi nghỉ lại bót gác rừng đêm nay.
Mới bốn giờ sáng, bà vợ tôi đã lịch kịch trong bếp. Đoán chừng bà ấy đang kiểm lại trong chiếc ba lô con cóc, đã bỏ mấy thứ thuốc men, bộ quần áo dự phòng với tấm võng, cái mùng màu chàm- hai kỷ vật còn lại từ thời chiến tranh tôi vẫn bảo quản rất cẩn thận để dùng trong mỗi dịp đi xa. Nghe bước chân lẹp xẹp, tôi ngồi dậy, làm vệ sinh cá nhân rồi súc ấm pha trà.
Hai chúng tôi cùng có thói quen ngồi rì rầm trò chuyện, cùng nhâm nhi với nhau vài tách trà nóng vào mỗi sớm mai yên tĩnh. Tôi kể lịch trình hai ngày cùng đoàn văn nghệ sĩ tổ chức đi thực tế tại Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát.
Sau một giờ ngồi xuồng máy chạy ngược sông Vàm Cỏ, ghé cột mốc 132 xác định ranh giới nước ta và nước bạn Campuchia, cả đoàn sẽ kéo nhau đi bộ men bờ con suối Đa Ha chảy len lỏi dưới tán rừng Lò Gò, thăm vài chỗ đóng quân của vài cơ quan Trung ương Cục thời chống Mỹ.
Nghe vậy, vợ tôi buông một tiếng thở dài: - Nghe nói hồi Tết Mậu Thân, con Huệ hy sinh ở khu vực suối Đa Ha. Nửa đêm, một trái bom rơi trúng lán trú quân, xương thịt gần chục trinh nữ văn công xinh đẹp bay đi sạch sẽ.
Bây giờ chả biết cái hố bom tai ác ấy ở chỗ nào. Không mắc chứng xưng khớp gối thì tôi đã theo ông đi dọc con suối. Tin chắc ở đấy mình sẽ nhận ra một chút gì đó của nó còn phảng phất. Cây cỏ còn có tánh linh, huống hồ một con người tinh anh tài hoa nhường ấy.
Tôi đã gói sẵn bó nhang trầm xứ Bắc, ông cứ đốt lên rải rác cắm vào từng khóm cây, bụi cỏ dọc đường. May ra linh hồn phiêu bạt của nó nhận được chút tình anh em ruột thịt, tình quê hương chứa chan trong từng sợi khói, hoạ may bớt chút lạnh lùng.
Nhà em Huệ và nhà tôi cách nhau một cái ao. Anh trai Huệ với tôi cùng lứa tuổi. Chúng tôi đã là sinh viên năm thứ hai, thì cô Hà, người sau này là vợ tôi và Huệ đang học lớp mười. Hai người thân thiết với nhau con chí cắn đôi.
Những năm đó, máy bay Mỹ đã bắt đầu leo thang bắn phá ra miền Bắc. Một năm mấy lần tuyển quân. Trai tráng rần rần kéo nhau đi B. Gặp dịp nhà trường thông báo sẽ cấp bằng tốt nghiệp trước cho những học sinh chỉ còn thiếu vài tháng học trình cuối cấp, nếu có nguyện vọng nhập ngũ, Huệ là người con gái đầu tiên của làng tôi đăng ký gia nhập thanh niên xung phong hoả tuyến.
Sau này chúng tôi cưới nhau rồi, vợ tôi mới cho tôi biết lý do em ấy bỏ học là vì thương thằng Quân, cậu em trai út ít sức vóc, trói gà không nổi, nhà chưa có ai tham gia quân đội, vài năm nữa tới tuổi nghĩa vụ quân sự, sợ nó không chịu nổi gian lao chiến trận, đào ngũ thì nhục nhã cho gia đình.
Tôi nghĩ với tính cách em Huệ, xung phong phục vụ chiến trường đâu phải chỉ một lý do riêng tư ấy. Ngày đó, tinh thần chống Mỹ cao lắm, chả cứ thanh niên mà những người đã có vợ con rồi cũng nôn nao vác súng lên đường. Cả trường cấp ba của Huệ có năm lớp mười, sau đợt tuyển quân, còn lại vỏn vẹn hai lớp vơi vơi.
Trong lứa học sinh hăng hái tòng quân đợt ấy, có nhiều cặp đôi lâu nay giấu giếm yêu nhau, bấy giờ mới công khai nắm tay nhau phơi phới lên đường. Thằng Tùng và em Huệ là một cặp xinh đẹp tươi tắn được nhiều thầy cô, bạn bè ngưỡng mộ.
Tôi biết thằng Tùng. Nó ngồi cùng lớp với tôi từ đầu cấp hai. Nó hơn bọn chúng tôi mỗi cái tướng tá phương phi, da thịt trắng trẻo hồng hào và mỗi tuần thay đổi mấy bộ đồ tây láng coóng.
Còn sự học thì nó đùn nhất lớp. Thầy gọi lên bảng, hỏi gì cũng đứng đực như ngỗng ỉa, mặt đỏ rần. Năm nay đúp, sang năm đúp, đúp mãi. Đúp đến độ chúng tôi phải đặt cho nó cái tên Tùng Đùn Đụt. Tôi đã là sinh viên năm thứ ba, nó còn lẹt đẹt ngồi học chung lớp với em Huệ và bà vợ tôi bây giờ.
Nếu không có cái sự ưu tiên đi chiến trường, mười phần nó không lấy được tấm bằng tốt nghiệp. Có thể nó đần độn học không vào. Có thể nó ỷ vào bố nó, chẳng cần học vấn vẫn xin được biên chế vào cơ quan nhà nước, thoát cảnh chân lấm tay bùn.
Ông bố nó lúc ấy là sĩ quan trợ lý cho một vị tướng tư lệnh quân khu. Tướng mạo cao ráo, cắp cặp theo sau vị tướng, bộ dạng ông ta còn oai hơn ông tướng. Mười mấy năm liền, ông ta mấy lần đeo quân hàm đại uý, tụt xuống trung uý, thêm sao rồi lại rớt sao xoành xoạch, chỉ vì mỗi tội con rơi con rớt.
Thời ấy, tội hủ hoá xấu lắm. Chả hiểu sao ông ấy vẫn cứ được đi theo ông tướng mãi. Trai làng nhiều anh ngấp nghé em Huệ, không thành, biết chuyện Tùng với Huệ, chưng hửng thất vọng, nói xấu em mê con nhà giàu, mê đồng hồ poljot Liên Xô. Đến tôi cũng chả hiểu, em nổi tiếng hoa khôi khắp mấy trường trong tỉnh, hát hay được bạn bè suy tôn em gái ca sĩ Thương Huyền, lại say đắm cái thằng Tùng Đùn Đụp ấy.
Tôi viết văn, viết báo vào loại xoàng xoàng. Tuổi tác già nua, tài mọn, chả hy vọng làm nên tích sự gì. Lần này đi thực tế với anh em lấy vui là chính. Buổi sáng hênh hênh nắng. Ngồi xuồng máy chạy ngược giữa dòng sông Vàm Cỏ, đôi bờ trùng trùng cây rừng xanh om, cao vút.
Cúi nhìn sóng nước lăn tăn, lòng sông trong vắt, dưới đáy hiện lên rực rỡ bầu trời biếc xanh thăm thẳm, mây trắng lờ đờ trôi, cứ ngờ ngợ xiêm y những nàng tiên cá thướt tha bơi lội. Cách vài chục sải tay đã là bờ biên nước bạn. Quang cảnh thật thanh bình yên ả.
Vậy mà một thời chưa xa, bao nhiêu bom đạn đã dội xuống nơi đây. Chẳng thể nào biết được chính xác còn bao nhiêu hài cốt liệt sĩ đang nằm yên nghỉ dưới đáy dòng sông thơ mộng này. Từ cột mốc 132, chúng tôi đi luồn dưới tán rừng rậm rạp.
Theo lối mòn năm xưa những binh đoàn giải phóng hành quân, cỏ gai giờ đã lấp đầy. Nếu không có vài cây cầu sắt bắc qua, tôi nghĩ con suối Đa Ha chẳng có gì thay đổi. Dòng nước trong xanh lững lờ hôm nay đâu khác dòng nước trinh nguyên hàng vạn năm trước len lỏi chảy trong bóng tối âm u huyền bí những tàng cổ thụ khép tán che khuất mặt trời.
Có đoạn uốn éo trườn bên sườn mấy tảng đá ong nổi lên như tấm lưng voi rong rêu nhơn nhớt. Có đoạn lười biếng mềm mại phơi mình lồ lộ giữa đôi bờ cỏ hoa kín đáo khoe sắc rung rinh.
Tôi thầm nghĩ từ nguyên thuỷ con suối này đã mang trong mình dạt dào âm tính. Vậy mà đau đớn thay, thời chiến tranh, nó đã phải đau đớn ôm vào lòng biết bao xương máu con người. Dưới bước chân chúng tôi hôm nay, hơn bốn chục năm rồi vẫn còn rải rác những hố bom sâu hoắm. Hố bom nào đã đưa em Huệ lặn hồn vào cỏ cây, sông suối đại ngàn này.
Thụt lùi xuống cuối đoàn, tay cầm nắm nhang cháy đỏ, tôi lẳng lặng cúi đầu trầm tư, bước đi như kẻ mộng du. Qua mỗi đoạn ngắn, tôi lại cúi xuống cắm một nén nhang, lâm râm khấn nguyện: Huệ ơi, em đang ở chỗ nào.
Anh thay mặt con bạn thân con chí cắn đôi của em, đi tìm dấu vết em đây. Nén hương nào cũng lập loè sáng bừng đốm đỏ. Qua vai tôi dường như có ai đó nhẹ nhàng đổ bóng xuống cỏ gai. Lạ kỳ, ngoảnh lại chỉ thấy những thân dây leo đu đưa, đu đưa, văng vẳng giữa thinh không mấy tiếng chim gù xa vắng.
Ái ngại tôi tuổi gia sức yếu, chị trưởng đoàn dừng chân bên miệng hố bom ngập nước, vài bông súng tím sẫm nhô lên đón nắng. Kề bên bờ suối, một căn nhà gỗ, áng chừng bốt gác của tổ coi rừng.
Trước mặt chúng tôi, xuất hiện một bụi trinh nữ rực rỡ nhiều đoá hoa đỏ thắm lấp ló lẫn trong xoắn xuýt những cọng thân gai khẳng khiu thanh mảnh. Tôi cảm thấy nắng gió lúc này khang khác, phiêu phiêu như trên cõi trời nào. Linh tính mách bảo, còn đúng ba nén nhang, tôi ngồi xuống thận trọng cắm chụm vào mô đất từa tựa chiếc lư hương.
Lạ kỳ cả ba đầu nhang loé sáng rồi cùng bốc cháy đùng đùng. Trong mắt tôi, những đốm hoa trinh nữ bỗng nhiên lập loè phập phồng những giọt máu tươi ròng. Tai tôi nghe tiếng mình nói với chị trưởng đoàn, tưởng tiếng ai tự xa xôi vọng lại: - Đây đích thị một loài trinh nữ chưa ai phát hiện chị ạ.
Màu sắc đỏ tươi đẹp đến nao lòng. Chị trưởng đoàn cúi xuống coi kỹ: - Em chỉ thấy màu tím nhạt, trinh nữ vốn màu ấy mà. Có cái gì như níu kéo tôi ở lại chỗ này. Tôi khẩn khoản xin chị cho tôi nghỉ lại bót gác rừng đêm nay. Chị miễn cưỡng đồng ý, sau khi đã gửi gắm tôi cho anh nhân viên bảo vệ đang phiên trực.
Đêm ấy, giữa rừng già, bờ suối Đa Ha, tôi không thôi cảm giác bồn chồn khó tả lúc ban chiều. Đêm cuối tháng tối đen như mực. Chán trò chuyện không đầu không đuôi với anh bảo vệ cỡ tuổi cháu mình, lại ra bờ suối bồi hồi ngồi với bụi hoa trinh nữ lập loè đốm đỏ.
Nửa đêm bỗng nghe mồn một âm thanh vỗ nước rào rào của nhiều người đang tắm suối đùa giỡn với nhau, lẫn vào nhiều giọng con gái nói cười lảnh lót. Tôi mở cửa bước ra, dội vào mắt tôi, một vừng trăng bừng sáng giữa đỉnh trời.
Bát ngát những dòng trăng đặc sệt, vàng óng chảy từ ngọn cây, từ kẽ lá ào ạt đổ xuống lòng con suối Đa Ha. Trước mắt tôi, mặt suối dường như mở ra vô tận. Phía xa, rờn rợn khói sương chỗ dày, chỗ mỏng bảng lảng u buồn.
Thấp thoáng bờ suối bên kia, mấy cô lính Giải phóng dàn hàng ngang đang mềm mại khom khom những tấm lưng áo xanh ướt sũng. Một dàn lấp loá những cánh tay trắng muốt vung vẩy xoay tròn những mớ tóc đen dài óng ánh. Nước từ những đuôi tóc loả toả bắn ra như mưa rào, vẩy ướt cả đầu tóc, quần áo tôi. Từ đám trinh nữ xinh tươi ấy, toả vào không gian tràn ngập mùi hương nhu dìu dịu, mùi bồ kết thơm nồng.
Tôi mơ hồ nghe bên tai tiếng ai cười khúc khích: - Huệ, mày có ông anh lặn lôi đến thăm kìa, sướng nhé. Thoáng nghĩ bà vợ tôi đã linh cảm đúng. Vậy là tôi đã tìm thấy chỗ em Huệ đóng quân rồi. Vui mừng khôn xiết, tôi quýnh quáng chạy bổ ra bờ suối.
Ngay tức khắc, đoàn trinh nữ ấy biến thành làn khói bay là là rồi tan hoà vào lòng suối. Bên bờ thấm đẫm ánh trăng, chỉ còn lại một mình em Huệ. Mấy chục năm rồi, em Huệ của vợ chồng tôi vẫn phơi phới tuổi đôi mươi, mười tám, trẻ trung tươi tắn hoa khôi thời nữ sinh trường huyện. Vẫn đôi môi thanh tú phớt hồng.
Vẫn đôi mắt với đôi đồng tử đen nhóng nháy ấm áp ánh nhìn tinh nghịch, hồn nhiên, thân thiện thuở nào. Tôi hỏi em: - Sao lâu nay không xin nghỉ phép về thăm nhà. Giọng em chùng xuống: - Chưa tới phiên đổi gác, mà em cũng chả hiểu sao đơn vị lâu nay chẳng truyền đạt mệnh lệnh gì.
Ở vùng biên giới này bỏ gác một giờ cũng không được anh à. Lại hỏi: - Có nhận được tin tức gia đình không? Năm ngoái mẹ em đã đến đây. Còn mang cho chúng em một bao bồ kết và một bó hương nhu vườn nhà. Em hỏi tin anh Tùng, mẹ lắc đầu không nói. Em hỏi thăm thằng Quân, mẹ em chỉ khóc. Em chả biết sự tình ra sao.
Tôi tung mền ngồi dậy. Hình như trời sắp sáng. Chú gác rừng đã ngồi im lặng bên bàn nước, bàn tay chống cằm nhìn ra bìa suối tự lúc nào. Chú bảo: - Ông nói chuyện với ai lâu quá, giọng nghe nghèn nghẹn.
Cháu sợ người già đêm hôm có bề gì. Tôi xoa tay lên đầu tóc, lên tấm áo len vừa mặc thêm tối qua, tất cả đều âm ẩm như vừa đi dưới mưa phùn. Tôi khịt mũi, mùi hương bồ kết, hương nhu còn thoang thoảng. Chú bảo vệ tinh ý nói ngay: - Thỉnh thoảng làn hương thơm này gió đưa về sực nức đầy nhà. Cháu sục sạo mọi góc rừng quanh đây, chả thấy cây bồ kết, cây hương nhu nào, lạ lắm.
Tôi hỏi: - Thế còn thấy gì lạ nữa không? Đêm qua cháu lại nghe ngoài suối rào rào như có người té nước, có tiếng con gái khúc khúc khích nói cười. Tháng nào cũng một đôi lần như vậy. Nhưng chẳng bắt gặp ma quỷ bao giờ. Bác thấy bàn thờ thiêng ngoài kia không, được điều động về đây, mấy năm trước cháu đã thấy rồi. Để thờ các vong linh liệt sĩ đấy.
Bây giờ thằng Tùng nghỉ hưu rồi. Hơn mười năm trước, thỉnh thoảng thấy nó liến thoắng trên ti vi, bà vợ tôi liền tắt phụt, rồi xẵng giọng: - Nghe thằng đáng khinh này lải nhải mắc ói. Được đọc hết mười mấy lá thư em Huệ gửi cho bà ấy, tôi mới hiểu ra cái lý do bà khinh bỉ cái thằng Tùng Đùn Đụt kia.
Một đoạn trong lá thư thứ ba của Huệ: “Hà ơi! Được đeo lá nguỵ trang ra trận cùng với đoàn quân toàn những thanh niên ưu tú, tao thấy tự hào, sung sướng vô cùng mày ạ. Niềm hạnh phúc ấy được nhân đôi bởi kề bên vai tao có anh Tùng. Chúng mày cứ chê tao sao lại đi yêu cái thằng giẻ cùi tốt mã ấy, tao lẳng lặng chịu đựng.
Nhưng mà anh ấy đã đồng hành cùng tao, đồng hành cùng dân tộc bước vào cuộc chiến đấu vĩ đại này. Chúng mày phải nhận đã đánh giá sai lầm phẩm chất của anh ấy đi. Tao thấy tao đã lựa chọn đúng. Mỗi bước chúng tao cùng nâng đỡ nhau trên những nẻo đường rừng âm u muỗi vắt, leo qua những quèn đá tai mèo, gian khổ đấy mà lòng tao hân hoan lắm.
Biết vì sao không, vì trong tay tao luôn có bàn tay anh Tùng ấp ủ”. Lá thư liền sau đấy: Bọn tao hành quân gần hết địa phận Quảng Bình thì Tùng nhận được lệnh điều động hoả tốc đi nhận nhiệm vụ đặc biệt. Buổi tối chúng tao tạm biệt nhau, nước mắt tao chả biết lấy gì đong cho hết. Chiến tranh mà, tình riêng chưa bằng con muỗi phải không?
Biết vậy mà sao lòng tao vẫn đớn đau vô hạn. Đêm ấy suýt tí nữa tao đã trao cho anh ấy cái nghìn vàng. Đắm đuối vậy mà tao còn tỉnh táo gìn giữ được”. Ơn trời. Những lá thư sau Huệ cứ đều đều ấm ức than phiền không nhận được thư Tùng.
Bà vợ tôi bảo cũng ơn trời từ ngày ấy nó không nhận được tí tin tức gì về cái thằng xấu xa đáng khinh bỉ ấy. Chuyện thằng Tùng, tôi biết rành rọt lắm. Ngày ấy bố nó biết, nếu để thi cử đằng thằng thì con ông ta đạp vỏ chuối.
Lợi dụng chủ trương cấp trước bằng tốt nghiệp cho học sinh xung phong thi hành nghĩa vụ quân sự, ông ta cho con đi chiến trường lấy lệ, tới gần giới tuyến, làm một lệnh rút về cho đi học nước ngoài, vừa đúng thủ tục, vừa êm ru, chả ai phê phán được gì.
Thằng Tùng học Khoa khai khoáng bên Rumania cùng với con gái ông Vụ trưởng Vụ Tổ chức Bộ Công nghiệp nặng. Hai đứa yêu nhau. Hè năm thứ hai chúng về nước tổ chức đám cưới ngoài Hà Nội.
Khi ấy, nơi hoả tuyến, em Huệ cứ thổn thức nhớ nhung, cứ ấm ức không nhận được thư thằng Tùng. Sau ngày Bắc Nam thống nhất, ông Vụ trưởng điều nó về khu mỏ Quảng Ninh. Chả biết tài cán nó có được như hồi phổ thông không, cứ giám đốc mỏ nhỏ rồi mỏ lớn, thăng tiến vù vù.
Mấy ngày sau chuyến đi rừng, tôi ngơ ngẩn chẳng xác định được mình đã gặp em Huệ bên bờ suối Đa Ha là thực hay là mộng. Chỉ nghe bà vợ tôi an ủi: - Ông còn khôn ngoan đấy. Không nói cho Huệ nó biết chuyện thằng Tùng. Biết sự thật, linh hồn nó sẽ tổn thương thêm, u uất thêm, tội tình thêm ông ạ.
Tiếp bước người chị đi chiến trường vừa được hai năm, nhận tấm bằng tốt nghiệp phổ thông cất vào trong tủ, thằng Quân xung phong nhập ngũ. Nó bảo thân trai lúc này mà ngồi giảng đường đại học không thể yên lòng.
Rất may mắn, tới ngày chiến thắng nó trở về lành lặn, lại đi học tiếp, ra trường, lấy vợ. Nhưng quái ác thay, hai đứa con nó bị tật nguyền bởi di chứng chất độc da cam. Vợ nó đã mất cách nay mấy năm.
Bây giờ nó thân hình một dúm da, một nắm xương. Bố tiều tuỵ chăm hai đứa con không bao giờ được làm người lớn. Tôi mấy lần về quê, vô cùng ái ngại tình cảnh nó. Đã hỏi: - Ông anh cả ở ngoài Hà Nội giàu lắm, có giúp đỡ em trai nhiều không. Nó bảo: - Lúc bác ấy còn khoẻ, vẫn cho chác đều đều.
Mấy năm nay ngồi xe lăn, ăn uống phải thuê người phục vụ. Chả nhận ra người quen, hỏi gì cũng chỉ lắc lắc đầu. Thương lắm. Lại hỏi: - Thế hai con ông ấy nghe nói thành đạt lắm, có liên lạc gì không? Đáp: - Chúng nó vọt sang Tây Đức ngay từ lúc bức tường Béc-lanh sụp đổ. Bây giờ định cư ở đấy. Em chả gặp chúng lần nào.
Tình cảnh thằng Quân hiện thời khó khăn nhiều bề, dẫu rằng tiền trợ cấp của nhà nước ba bố con nó cứ cho là tàm tạm đủ. Tôi đang nung nấu ý định tổ chức một chuyến đi, đưa thằng Quân về suối Đa Ha, nơi linh hồn chị nó gần năm chục năm nay còn lẩn khuất giữa cây rừng, sông suối. Nhưng có cách nào để thằng Quân đừng kể lể chuyện nhà, chuyện xã hội với chị nó. Biết thêm, em Huệ phải nhận thêm đau đớn của cõi đời này. Ích lợi gì đâu.
Nhưng mà bọn người trần mắt thịt chúng ta làm sao giấu giếm được mọi sự đời trước những linh hồn từng là những con người đáng kính, từng mang những tuổi tên cao quý vừa mới đây thôi, sạch sẽ vụt bay khỏi thế gian này.
V.T.K