Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Bùng nổ xét tuyển thẳng vào đại học
Thứ hai: 14:01 ngày 15/07/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Chưa bao giờ số trường đại học (ĐH) áp dụng xét tuyển thẳng (học sinh THPT ở các trường chuyên và các trường THPT có điểm thi THPT quốc gia dẫn đầu cả nước) lại bùng nổ số lượng thí sinh trúng tuyển vào ĐH nhiều đến vậy. Đây là tín hiệu tích cực hay là điều cần phải cảnh báo (vì có nhiều cơ sở lạm dụng phương thức tuyển thẳng này)?

Thí sinh trúng tuyển làm thủ tục nhập học tại Trường Đại học Kinh tế TPHCM.

Chỉ tiêu xét tuyển thẳng lớn

Sau nhiều năm đề xuất, đến năm 2015 (chính thức áp dụng thi THPT quốc gia với 2 mục tiêu xét tốt nghiệp và dùng kết quả xét tuyển vào ĐH, cao đẳng), ĐH Quốc gia TPHCM mới triển khai thí điểm ưu tiên xét tuyển thẳng học sinh 5 trường THPT đứng đầu cả nước về điểm thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2014 (căn cứ trên thống kê điểm thi trung bình của thí sinh cả nước) với chỉ tiêu tối đa 5%.

Sau đó, năm 2016 là tuyển từ 10 trường THPT và đến nay là áp dụng tối đa 15% chỉ tiêu, khoảng 2.400 thí sinh (tổng chỉ tiêu năm 2019 là 16.000 chỉ tiêu) cho ưu tiên xét tuyển thẳng đối với học sinh trường chuyên, năng khiếu và tốp 100 trường THPT có điểm thi cao của cả nước. 

Sau khi ĐH Quốc gia TPHCM tiên phong áp dụng, đến nay cả nước hầu như trường nào cũng áp dụng phương án này. Trường ĐH Kinh tế TPHCM năm 2019 vừa công bố hơn 2.000 thí sinh trúng tuyển theo diện tuyển thẳng ĐH chính quy năm 2019, chiếm 30% tổng chỉ tiêu năm 2019.

Tương tự, Trường ĐH Tài chính Marketing TPHCM dành 30% để tuyển thẳng (trên tổng chỉ tiêu 5.000) theo quy chế của Bộ GD-ĐT và học sinh các trường chuyên, học sinh giỏi của các trường THPT.

Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM có tổng chỉ tiêu tuyển sinh là 6.965 chỉ tiêu. Theo đề án tuyển sinh của trường, sử dụng tối đa 10% chỉ tiêu để ưu tiên xét tuyển thẳng thí sinh tốt nghiệp THPT năm 2019 tại các trường chuyên, năng khiếu (tỉnh, quốc gia, ĐH) có điểm trung bình trong 5 học kỳ (không tính học kỳ 2 lớp 12) của từng môn theo tổ hợp môn xét tuyển từ 7,0 trở lên đối với các ngành đào tạo hệ đại trà và từ 6,5 trở lên đối với hệ đào tạo chất lượng cao (CLC); sử dụng tối đa 10% chỉ tiêu để ưu tiên xét tuyển thẳng tất cả ngành của hệ đại trà và CLC cho các thí sinh tốt nghiệp THPT năm 2019 đạt điểm IELTS quốc tế từ 5.0 trở lên hoặc tương đương (TOEFL, TOEFL iBT, TOEIC...) và có điểm trung bình trong 5 học kỳ (không tính học kỳ 2 lớp 12) của từng môn theo tổ hợp từ 6,0 trở lên; tối đa 5% chỉ tiêu để ưu tiên xét tuyển thẳng thí sinh tốt nghiệp THPT năm 2019 tại 200 trường tốp đầu trong cả nước và các trường THPT có ký kết hợp tác về hướng nghiệp, tuyển sinh - đào tạo và nghiên cứu khoa học, có thư giới thiệu của hiệu trưởng và có điểm trung bình trong 5 học kỳ (không tính học kỳ 2 lớp 12) của từng môn theo tổ hợp từ 7,5 trở lên đối với các ngành đào tạo hệ đại trà và từ 7,0 trở lên đối với hệ CLC; sử dụng tối đa 5% chỉ tiêu để ưu tiên xét tuyển thẳng thí sinh tốt nghiệp THPT năm 2019 đạt điểm SAT quốc tế từ 800 trở lên...

Lạm dụng để tuyển sinh?

Theo TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT), việc nhiều trường áp dụng ưu tiên xét tuyển thẳng vào ĐH theo đề án tuyển sinh khiến dư luận lo lắng vì trong tư duy từ mấy chục năm nay là phải chuẩn đầu vào phải thông qua thi. Nhưng, đầu vào qua thi cử chưa phải là yếu tố quyết định đến chất lượng, vì còn cả một quá trình mấy năm học tập ở ĐH.

Vào được ĐH, nhưng học được và tốt nghiệp được lại là câu chuyện khác. Điều quan trọng là việc đánh giá kết quả học tập ở THPT có chuẩn, có tin cậy hay không? Nếu khâu đánh giá ở THPT không tốt, các em được nâng điểm tùy tiện để vào ĐH bằng được là sẽ làm khổ các em trong tương lai; hệ lụy kéo theo là chất lượng giáo dục phổ thông sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực, đồng thời gây ra hiệu quả thấp trong đào tạo nhân lực do mất cân đối trình độ đào tạo và khối giáo dục nghề nghiệp khó khăn trong tuyển sinh.

“Một nguyên nhân khác cũng đang làm dấy lên phòng trào ưu tiên xét tuyển thẳng chính là đang “khát” tài chính do cơ chế tự chủ, trong khi trách nhiệm giải trình có phần hạn chế”, TS Hoàng Ngọc Vinh lý giải.

Theo PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, việc nhiều trường áp dụng ưu tiên xét tuyển thẳng để tuyển chọn thí sinh giỏi ở các trường chuyên, tốp 100 hay tốp 200 trường THPT trên toàn quốc là việc làm tốt, có lợi cho trường lẫn thí sinh. Một mặt tạo điều kiện cho thí sinh giỏi, mặt khác các trường có được đầu vào tốt để thuận lợi trong quá trình đào tạo.
Hơn nữa, chất lượng của thí sinh cũng đảm bảo, vì thực tế trong tốp 100 hay 200 thì trước đó thi vào lớp 10 đã sàng lọc được bước đầu. Tuy nhiên, việc nhiều trường lạm dụng và tăng quá nhiều chỉ tiêu cho phương thức này là ảnh hưởng đến các phương thức tuyển sinh khác.

Th.S Hứa Minh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính Marketing TPHCM, thừa nhận chỉ tiêu ưu tiên xét tuyển thẳng mà các trường đưa ra hiện rất nhiều. Tuy nhiên, cần nhìn thực tế là lượng thí sinh ảo cực kỳ lớn vì thí sinh nộp hồ sơ vào rất nhiều trường, nhiều ngành.

Ví dụ như tại Trường ĐH Tài chính Marketing TPHCM dành 30% của tổng chỉ tiêu và gọi đúng 30% (1.500 chỉ tiêu), nhưng nhập học chỉ khoảng 500 chỉ tiêu. Do đó, nhìn thực tế từ danh sách công bố trúng tuyển của các trường dễ thấy rằng xét tuyển thẳng của các trường ĐH đang bị lạm dụng.

Theo lịch tuyển sinh của Bộ GD-ĐT, các trường ĐH, CĐ sư phạm, trung cấp sư phạm tổ chức xét tuyển thẳng thí sinh cập nhật danh sách trúng tuyển vào cơ sở dữ liệu của Cổng thông tin tuyển sinh Bộ GD-ĐT và gửi kết quả xét tuyển cho các sở GD-ĐT, để thông báo cho thí sinh trước 17 giờ ngày 18-7. Trước ngày 23-7, thí sinh trúng tuyển phải đăng ký và xác nhận nhập học tại các trường. Sau đó, trước 17 giờ ngày 24-7, các trường cập nhật danh sách thí sinh trúng tuyển nhập học về Bộ GD-ĐT

Nguồn SGGPO

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục