Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Gần một năm trở lại đây, tại khu vực biên giới tỉnh Đồng Tháp, tình trạng buôn lậu thuốc lá ngoại có dấu hiệu hoạt động mạnh trở lại. Hình thức vận chuyển vừa tinh vi, vừa manh động khi các đối tượng chủ yếu dùng phương thức “kiến tha lâu đầy tổ”, đồng thời khi vận chuyển hàng lậu đã di chuyển với tốc độ rất nhanh...
Các lực lượng chức năng tỉnh Đồng Tháp bắt giữ thuốc lá lậu.
Đồng Tháp là tỉnh chung đường biên giới dài hơn 50 km với Cam-pu-chia, với nhiều sông, kênh rạch, thuận lợi đi lại theo ngõ ngang, lối tắt gây rất nhiều khó khăn cho các lực lượng chức năng trong công tác quản lý tại biên giới.
Cục Hải quan tỉnh Đồng Tháp gồm bốn chi cục hải quan biên giới với quân số mỏng, thậm chí có chi cục chỉ có vài công chức nhưng vẫn phải bảo đảm thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra giám sát hàng hóa xuất, nhập khẩu, phương tiện xuất, nhập cảnh và cùng lúc thực hiện nhiệm vụ đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới tại những địa bàn trọng điểm là: khu vực ấp 1, xã Thường Thới Hậu B và cánh gà cửa khẩu Thường Phước thuộc huyện Hồng Ngự; khu vực biên giới xã Bình Phú, Tân Hộ Cơ thuộc huyện Tân Hồng; trên sông Tiền vào ban đêm hoạt động buôn lậu cũng diễn ra rất phức tạp...
Khu vực thị xã Hồng Ngự là nơi trung chuyển hàng lậu theo đường bộ, đường sông, rồi từ đây chuyển về TP Cao Lãnh và các tỉnh lân cận.
Hàng hóa nhập lậu chủ yếu là thuốc lá ngoại bởi lợi nhuận cao nhưng trị giá thấp cho nên ít rủi ro, dễ đối phó với cơ quan chức năng. Đối tượng buôn lậu thường phân tán nhỏ lẻ hàng hóa, canh dò đường và giám sát chặt các lực lượng chức năng khi vận chuyển hàng lậu qua biên giới, vào nội địa.
Họ sử dụng xe gắn máy để chở hàng và tổ chức cản trở khi bị lực lượng chức năng truy đuổi, bắt giữ.
Tại cửa khẩu quốc tế đường sông Thường Phước (xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự) nằm bên sông Tiền, giáp cửa khẩu Vĩnh Sương (An Giang) và xã Kô-rô-ca (tỉnh Prây-veng, Cam-pu-chia), các đối tượng dùng nhiều thủ đoạn và không theo quy luật nhất định, không tập kết nhiều hàng lậu tại một điểm để vận chuyển nhỏ lẻ, nhiều lượt chuyến hàng lậu qua biên giới.
Chi cục trưởng Hải quan cửa khẩu Thường Phước Nguyễn Văn Thanh Bình cho biết, việc tổ chức vận chuyển thuốc lá ngoại từ biên giới vào trong nước được thực hiện rất nhanh bởi mặt hàng này trọng lượng nhẹ, chỉ cần dùng xe gắn máy để vận chuyển với tốc độ cao, khả năng bị bắt rất thấp.
Hơn nữa, các lực lượng cũng e ngại khi tổ chức chặn, dừng phương tiện để bắt giữ đối tượng dễ xảy ra tai nạn cho người tham gia giao thông. Đối tượng buôn lậu chuyên nghiệp rất liều lĩnh, bất chấp an toàn giao thông, sử dụng xe gắn máy không có giấy tờ hợp lệ, khi bị phát hiện, bắt giữ thì sẵn sàng bỏ phương tiện để thoát thân.
Các cán bộ hải quan ở đây cho biết: Chung quanh trụ sở Chi cục hải quan, luôn có "tai mắt" của các đầu nậu thường xuyên túc trực. Mọi động thái của lực lượng chống buôn lậu đều được các đối tượng này phát hiện, thông báo cho đồng bọn. Đây cũng là một trong những khó khăn không nhỏ đối với lực lượng chống buôn lậu thuốc lá tại khu vực cửa khẩu Thường Phước.
Lợi nhuận từ thuốc lá lậu khá cao, vận chuyển từ biên giới về đến thị xã Hồng Ngự kiếm lời từ 1.200 đến 2.500 đồng/bao tùy vào nhãn hiệu thuốc nhập lậu và thời điểm nhập lậu. Thuốc lá lậu được chuyển từ biên giới về thường theo đặt hàng; thời gian gần đây hoạt động buôn lậu thuốc lá tăng mạnh trở lại.
Tuy nhiên, việc xử lý hình sự các đối tượng đầu nậu và đối tượng vận chuyển trái phép rất khó khăn, bởi Bộ luật Hình sự năm 2015 thay đổi cách xác định tội danh và khung hình phạt đối với hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép thuốc lá.
Phó Cục trưởng Hải quan tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thanh Toàn cho biết: Tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trên địa bàn Đồng Tháp trước đây không có biến động lớn.
Hoạt động buôn lậu tăng, giảm tùy theo mức chênh lệch giá và tình hình kiểm soát, chốt chặn của các lực lượng chức năng. Mặt khác, từ ngày 5-1-2016 (Nghị định 124/2015/NĐ-CP có hiệu lực thi hành) đến khoảng tháng 5-2016 thì các đối tượng e dè trước chế tài xử lý hình sự của nghị định này cho nên thuốc lá ngoại nhập lậu giảm về số lượng, tần suất và đối tượng tham gia, nhất là đối tượng cơ hội giảm hẳn.
Tuy nhiên, từ tháng 6-2016 đến nay, hoạt động buôn lậu thuốc lá ngoại đã tăng trở lại do Điều 190 (Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm), Điều 191 (Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm) của Bộ luật Hình sự năm 2015 đều bỏ quy định về số lượng lớn (1.500 bao), số lượng rất lớn (4.500 bao) và số lượng đặc biệt lớn (13.500 bao) khi xác định tội danh và khung hình phạt tại Bộ luật Hình sự năm 1999, mà chỉ xử lý hình sự đối với hành vi vận chuyển, buôn bán hàng cấm trị giá 50 triệu đồng có yếu tố qua biên giới và 100 triệu đồng trong nội địa.
Vì vậy, cơ quan chức năng không thể xử lý hình sự đối với hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép 500 bao thuốc lá ngoại trở lên theo khoản 2, Điều 25, Nghị định 124.
Thậm chí, ngay cả khi đối tượng buôn lậu với số lượng lớn, rất lớn và đặc biệt lớn cũng không xử lý được vì trị giá tang vật chưa đến mức bị xử lý hình sự. Thí dụ, đối tượng vận chuyển trái phép qua biên giới tới 3.000 bao thuốc lá Hero nhưng trị giá cũng chỉ khoảng 45 triệu đồng, chưa đến mức bị xử lý hình sự như theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 là 50 triệu đồng.
Đó là chưa nói trên thực tế, rất khó bắt quả tang hoặc chứng minh được hành vi buôn bán, vận chuyển trái phép qua biên giới. Sự bất cập này dẫn đến tình trạng buôn lậu thuốc lá tăng lên nhưng việc bắt giữ, truy tố, xét xử đều giảm. Năm 2016, các lực lượng chức năng cả nước bắt giữ 6,8 triệu bao thuốc nhập lậu nhưng số vụ xử lý hình sự giảm 58%, đối tượng bị xử lý hình sự giảm 53,5%.
Phó Cục trưởng Hải quan Đồng Tháp Nguyễn Thanh Toàn kiến nghị, các cơ quan chức năng cần thống nhất nhận thức, quan điểm để sửa đổi các quy định hiện hành phù hợp thực tiễn. Nếu không có quy định xử lý riêng đối với thuốc lá ngoại nhập lậu mà chỉ thực hiện theo Điều 190, Điều 191 Bộ luật Hình sự năm 2015, thì chắc chắn buôn lậu thuốc lá ngoại tiếp tục tăng trong thời gian tới. Việc tăng mức xử phạt tiền thì cũng không khả thi, vì những đối tượng vận chuyển phần lớn có hoàn cảnh nghèo, không có khả năng chấp hành quyết định xử phạt.
Nguồn Báo Nhân dân