Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Cá chạch lấu ơi!
Chủ nhật: 09:26 ngày 02/12/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Quê tôi ở một vùng nông thôn xa. Bao năm tuổi thơ, tôi gắn bó với mái nhà tranh vách đất, với cánh đồng lúa thơm đòng, với những luỹ tre xanh, với con suối mát chảy quanh năm và những buổi chiều cùng lũ bạn đi chăn trâu, cắm câu tát cá, tắm suối…

Mười mấy năm rồi tôi mới có dịp về thăm lại quê xưa vì cuộc sống tất bật lo toan mưu sinh nơi phố thị. Tôi tưởng chừng như đã lãng quên đi những âm thanh cuộc sống thôn quê, mà chìm đắm trong ồn ào đô thị.

Về quê, tôi được ngắm nhìn lại những hình ảnh, được lắng nghe những âm thanh cuộc sống đã từng gắn bó một thời ấu thơ, nào là tiếng gió rít qua hàng cây trước ngõ, nào là tiếng gà gáy sáng trưa, tiếng trẻ thơ vui đùa, tiếng trâu bò gọi nhau trên đồng cỏ, tiếng côn trùng kêu vang lúc trời đêm buông xuống… Chao ôi, nhớ làm sao!

Hồi ấy, lúc mười tuổi, tôi có thằng bạn chơi thân trong xóm nghèo, tên nó là Tý “đen”. Chỉ cái tên thôi, các bạn cũng đủ hình dung về nó rồi. Tôi là con út, được cha mẹ cho đi học đàng hoàng. Còn nó là anh hai trong một gia đình có ba anh em. Nó hơn tôi một tuổi, chỉ được đi học lớp một rồi nghỉ ở nhà phụ giúp gia đình. Cha mẹ nó cũng vất vả sớm chiều đi làm thuê, làm mướn.

Có ngày, nó ở nhà trông em, khi thì đi coi trâu mướn cho người ta, lúc đi cắm câu, tát cá. Gia đình tôi so với gia đình nó thì khá hơn một chút. Ngẫm lại rằng, khi con người ta trải nghiệm cuộc đời sớm thì kỹ năng, sức sống hơn hẳn người khác! Tôi là trẻ được cha mẹ nuông chiều, chỉ biết ăn rồi học nhưng cũng hay ốm đau, cảm mạo. Còn nó, suốt quanh năm ở ngoài đồng ngoài sá, đầu trần chân đất đội nắng, tắm mưa, áo không đủ mặc nhưng chưa bao giờ tôi thấy nó bệnh cả.

Ngày đó, vào những buổi chiều không đi học, tôi hay đi theo nó chơi lắm. Nhờ vậy, tôi cũng được nếm trải những mùi vị của cuộc sống mà những trẻ quê ai cũng biết. Nó đi chăn trâu, tôi đi theo. Nó chỉ cho tôi cách trèo lên lưng trâu, cách dắt trâu, tắm trâu và bắt chước tiếng con nghé kêu. Những buổi chiều lùa trâu ra bến suối tắm, chúng tôi cũng xuống bơi. Lúc đầu, tôi chưa biết bơi, nó chỉ cho tôi. Sau mấy lần bị uống nước suối rồi tôi cũng bơi được. Tôi đã có thể bơi qua lại con suối nhỏ ở cuối xóm.

Tôi còn nhớ con suối nhỏ ở cuối xóm dài uốn lượn như con rắn, nước trong vắt, chảy quanh năm. Dưới lòng suối là lớp cát mịn màng. Dọc hai bên bờ là những bụi dứa nước, bụi cây săng đá, cây cà na và những khoảnh rau chạy mọc um tùm. Hai bên triền suối là đồng cỏ chạy dài, nơi lý tưởng thả trâu, bò.

 Con suối tuy nhỏ, rộng chừng bảy tám mét nhưng có rất nhiều cá, nào là cá trê, cá rô, cá lóc, cá chạch, cá lăng… nhiều nhất phải kể đến là cá chạch lấu. Chỉ cần hai cần câu và vài con giun đất, xuống suối móc mồi thả câu rồi đợi một lúc sau sẽ có vài con cá chạch lấu vàng ươm chạng nửa cùm tay. Khi xưa, nếu bữa ăn gia đình nào có được một ít thịt heo thì rất quý, thường là gia đình khá giả. Còn những gia đình nghèo hơn, bữa cơm ngày nào cũng có món cá suối kho quẹt, chiên, nướng hoặc nấu canh chua.

Cá chạch lấu, là loài cá nước ngọt, thân hình trụ dài, đuôi dẹp, trên mình có hoa văn đẹp. Cá thường có màu vàng của màu nước suối cát vàng, vì nó sống ở môi trường suối nước sạch, chảy xiết nên thịt rất chắc, dai, thơm, chế biến được rất nhiều món, mà món nào cũng ngon.

Cá chạch lấu nấu cháo môn là món mẹ tôi thường hay nấu cho cả nhà ăn, nhất là vào những chiều mưa hoặc se se lạnh. Mẹ nói, món này giúp làm tăng sức đề kháng của cơ thể. Cá chạch lấu mới câu về được mẹ chọn những con lớn, lùi vô tro bếp để vuột hết nhớt, mổ bụng, rửa sạch cắt đôi, để ráo. Những tàu môn nước dưới mương sau nhà mẹ rửa sạch, cắt thành từng khúc.

Khi gạo nấu đã nhừ, nước cháo sôi thì bỏ cá chạch vào trước, áng chừng ba phút thì bỏ thêm tàu môn vào, phải bỏ vào khi nước sôi để cá không còn vị tanh, tàu môn không còn ngứa, đợi thêm mười phút nữa là tất cả đã chín, nêm thêm muối, bột ngọt, một ít đường. Mẹ múc ra cho mỗi người một tô, rắc lên trên hành lá xắt nhuyễn và một ít tiêu xay. Thế là cả gia đình đã có một bữa ăn thịnh soạn! Ôi, lại nhớ làm sao, hạnh phúc làm sao! Nhớ khung cảnh cả gia đình vừa trò chuyện vừa xì xụp húp tô cháo nóng…

Dịp này về, tôi dự định là ghé thăm thằng bạn thân năm nào, nghe nói nó vẫn ở chỗ nhà cũ như xưa. Tôi nghĩ trong lòng sẽ rủ nó ra con suối trước đây câu cá chạch, ngồi bên bờ suối vừa nhâm nhi ly rượu đế vừa ôn lại kỷ niệm ngày xưa.

Gặp lại thằng Tý “đen”, vóc dáng vẫn như xưa, người vẫn thấp, đen sạm, chỉ khác là người nó có lớn hơn theo tuổi tác và gương mặt già đi theo năm tháng. Nhưng, con suối có còn như xưa đâu, nay thành sông rồi và làm gì còn cá chạch mà câu. Tý kể, bị người ta hút cát, bờ suối sạt lở rộng hơn nhiều, cá thì gần như không còn, nước bị ô nhiễm đục ngầu, bởi nước thải của các cơ sở sản xuất ở khu vực đầu nguồn thải ra, một phần người ta dùng máy chích điện bắt cá nên cá cạn kiệt. Thậm chí, người ta còn không dám cho trâu bò xuống uống nước suối vì sợ bệnh. Lũ trẻ trong xóm cũng ít đứa biết bơi vì không còn được tắm suối… Nghe sao quá chạnh lòng! Con suối trong tôi năm nào trong xanh hiền hoà nhiều cá tôm nay còn đâu! Con cá chạch lấu năm nào còn đâu!

Nguyễn Hữu Dư

Tin cùng chuyên mục