Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Cả gia đình ở Sài Gòn 24 năm tranh chấp căn nhà thờ tự
Chủ nhật: 08:40 ngày 28/05/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Tòa đang giải quyết yêu cầu của cụ Đào, đòi căn nhà đã cho con trai, thì cả hai qua đời nên con cháu họ phải tiếp tục theo đuổi vụ kiện suốt hàng chục năm.

Theo nội dung vụ án vừa được TAND TP HCM xét xử, vợ chồng cụ Đào (quá cố 101 tuổi) có 6 con và tạo lập căn nhà trên đường 26/3, quận Gò Vấp. Năm 1975, cụ cho xây lại toàn bộ căn nhà, giao cho con trai cả là Văn đứng ra trông coi và nhận tiền đưa cho thợ.

Năm 1988, vợ chồng cụ nhờ cháu gái viết di chúc với nội dung giao căn nhà cho ông Văn quản lý, sử dụng làm nơi thờ cúng sum họp ngày lễ tết. Sau khi vợ mất, năm 1990, cụ Đào phát hiện con trai cả đánh tráo di chúc.

Bản di chúc mang đi chứng thực không đúng với ý nguyện của vợ chồng ông mà có nội dung "để lại căn nhà cho 3 bố con ông Văn được quyền sở hữu". Cụ Đào khởi kiện con trai, yêu cầu trả lại toàn bộ căn nhà. TAND quận Gò vấp thụ lý vụ việc.

Trình bày với tòa, ông Văn và các con phủ nhận thay đổi di chúc. Ông xác nhận căn nhà là của bố mẹ nhưng tiền xây dựng do mình bỏ ra. Còn cụ Đào khẳng định chi toàn bộ chi phí, chỉ nhờ con trai đứng ra trông coi.

Cụ Đào không đưa ra được chứng cứ cho thấy con trai đánh tráo di chúc. Do vợ ông lão đã chết, phần di sản của cụ bà để lại cho con trai có giá trị pháp lý, tương đương một nửa căn nhà. Từ đó, HĐXX tuyên giao toàn bộ căn nhà cho ông Văn. Người con có nghĩa vụ trả cho cụ Đào một nửa giá trị căn nhà tương đương hơn 27 lượng vàng. Chi phí xây dựng, sửa chữa căn nhà 53 triệu đồng chia mỗi người một nửa.

Không đồng ý, cụ Đào kháng cáo, đồng thời lập di chúc mới để căn nhà cho cả 6 người con, giao ông Văn quản lý để thờ cúng tổ tiên.

Năm 1994, TAND TP HCM xử phúc thẩm giữ nguyên bản án nhưng ghi nhận sự tự nguyện của cha con ông Văn giao, căn nhà cho cụ Đào sử dụng cho đến khi không có nhu cầu.

Bản án này sau đó bị tòa cấp cao hơn hủy do có khiếu nại của cụ Đào. Thời gian này, ông Văn qua đời, ủy quyền cho 2 con gái tiếp tục vụ kiện. Do một số người liên quan trong gia đình cụ Đào đã đi nước ngoài, vụ án được giao cho cấp thành phố xét xử lại từ đầu.  

Đến năm 2000, cụ Đào lập bản di chúc mới để lại căn nhà cho hai con gái là Thi và Thơm thờ cúng ông bà cha mẹ. Một năm sau cụ qua đời, hai con gái thay cha theo đuổi vụ kiện.

Sau 18 năm kéo dài để bổ sung giấy tờ, TAND TP HCM mở phiên xử. Đã bước sang tuổi 80, chị em bà Thi dò dẫm đến dự tòa. Vẻ bức xúc, họ cho rằng hai cháu gái (con ông Văn) đã được cha để lại căn nhà khác lớn hơn nhưng vẫn chiếm dụng căn nhà nhỏ của ông bà để lại, khiến họ không có chỗ sum họp ngày giỗ cha mẹ.

"Chúng tôi rất mệt mỏi vì khiếu kiện kéo dài nhiều năm. Ý nguyện của cha tôi lúc lâm chung là phải lấy lại căn nhà làm nơi thờ tự nên chúng tôi phải theo đuổi vụ kiện đến cùng", cụ bà nói.

Trình bày với tòa, hai người cháu phân trần, họ và ông Văn không đối xử tệ với ông nội như các cô nghĩ. Căn nhà này là nơi họ và gia đình đã sinh sống nhiều năm nên muốn giữ lại. Hơn nữa, di chúc khi bà ngoại lúc còn sống là để lại căn nhà cho 3 cha con họ.

Phiên xử diễn ra căng thẳng khiến nhiều lần chủ tọa phải ngắt lời và nhắc nhở các bên không xúc phạm nhau.

Sau khi nghị án, HĐXX đã tuyên phát mãi căn nhà, chia đôi mỗi bên một nửa. Căn nhà được định giá khoảng 800 triệu đồng. Phía nguyên đơn phải trả cho bị đơn 100 triệu đồng chi phí giữ gìn bảo quản căn nhà từ trước đến nay.

Phiên tòa kết thúc, các bên đều bày tỏ quan điểm không đồng ý với phán quyết này và sẽ kháng cáo. 

Như vậy, sau 24 năm vướng vào vòng tố tụng, vụ án vẫn chưa thể kết thúc. Tình thân của họ cũng mất đi từ ngày xảy ra tranh chấp căn nhà.

Nguồn VNExpress 

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục