Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Ca khúc trước 1975 - cần ứng xử đúng đắn
Thứ hai: 18:24 ngày 17/04/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Gần một tháng trời, tâm trạng xã hội bị khuấy động cả theo chiều hoang mang lẫn bực tức.

Hoang mang, vì xuyên qua những thông tin chính thức mà cộng đồng được biết có 5, 10 ca khúc trước năm 1975 (Con đường xưa em đi...) đã được cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa cấp phép phổ biến và thực tế đã trở nên quen thuộc vì được hát, được nghe rền trời, nay lại bị tạm dừng với lý do một vài ca từ không đúng với nhạc bản gốc.

Tiếp theo, đến như ca khúc Nối vòng tay lớn của Trịnh Công Sơn vang vang mấy chục năm nay trên các đài phát thanh, truyền hình mà cũng bị Cục Nghệ thuật biểu diễn đặt vấn đề “xem xét cấp phép rồi mới được biểu diễn ở Huế ngày 21-4-2017”!

Không hoang mang sao được khi những chuyện phép tắc nghiêm túc như thế đang bị “xét lại” và có nguy cơ “bị xóa bỏ”, trong bối cảnh cơ quan quản lý nhà nước vẫn là một.

Sau, hay là cùng lúc với hoang mang là bực tức. Bực tức là phải. Vì làm sao có thể hiểu nổi cách hành xử của những người chịu trách nhiệm thẩm định và cấp phép các bài hát trước năm 1975.

Nếu chỉ là “không khớp ca từ so với bản gốc” thì cách thông báo chỉ cần là “cơ quan quản lý sẽ công bố bản gốc và yêu cầu các đơn vị, cá nhân điều chỉnh ca từ theo bản gốc khi trình diễn trên sân khấu hoặc đĩa ghi âm, ghi hình”, thay vì là tạm dừng phổ biến!

Còn đối với Nối vòng tay lớn, chỉ cần nhận thức rằng “một bài hát đã được phổ biến rộng rãi, lâu dài và chính thức đến như thế trên hệ thống phát thanh, truyền hình, sân khấu lễ hội các cấp từ quốc gia đến tỉnh, thành thì xem như đã đủ điều kiện phổ biến”, thay vì đòi phải xem xét cấp phép!

Tất nhiên hoang mang, bực tức chỉ là trạng thái cảm xúc nhất thời của cộng đồng. Thứ cảm xúc ấy bùng phát, dù mạnh mẽ đến mấy, rồi cũng sẽ qua đi.

Điều cần nhất, sâu sắc hơn, lâu dài hơn khi ứng xử với các ca khúc trước năm 1975 - cái khái niệm do lịch sử sinh ra và không có mấy giá trị, góp phần hàn gắn những vết thương tinh thần trong cộng đồng dân tộc - chính là cần suy nghĩ thật nghiêm túc, thật khách quan, thật bao dung để đưa ra nguyên tắc quản lý các ca khúc trước 1975 một cách thấu tình nhất.

Những ca khúc nào cổ vũ sự chia rẽ hận thù, chống phá sự kết nối cộng đồng dân tộc... thì bỏ đi, mạnh dạn mà bỏ đi một cách thẳng thắn, chính thức.

Còn những ca khúc khác, cho dù là tình ca có sự bàng bạc của dấu vết chính trị nhất thời, thì cũng xem như có thể phổ biến bình thường vì đó là nhu cầu âm nhạc, thói quen thưởng thức đã hình thành từ lâu trong công chúng, thậm chí góp phần hình thành tình cảm, nhân cách của người ta, không việc gì phải bỏ đi.

Âm nhạc tự thân nó là một phương cách để người ta nhớ nhung quá khứ của mình, cho dù quá khứ ấy không phải lúc nào cũng êm đềm; để người ta sống với hiện tại mà có thể nghĩ tới tương lai vì mang tới cho người ta sự yên bình tốt đẹp trong từng giai điệu, ca từ.

Người ta có thể hát để thấy mình tốt đẹp hơn, yêu đời, yêu nhau hơn - đó là cái lâu dài. Còn những bài hát khiến người ta căm thù thì chỉ có thể, chỉ nên tồn tại một lúc nào đó trong cuộc đời, càng ngắn càng tốt.

Mong cho cách nghĩ ấy được chia sẻ trong những người làm quản lý và cả những đối tượng của quản lý. Như một phép ứng xử đúng đắn cần thiết cho các ca khúc trước 1975 - một khái niệm nên được xóa đi, càng nhanh càng tốt.

Nguồn TTO

Tin cùng chuyên mục