Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Ca mắc sốt xuất huyết tăng cao, nguy cơ bùng dịch có thể xảy ra
Thứ sáu: 22:46 ngày 01/07/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 4.245 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 2,25 lần so với cùng kỳ năm 2021. Hiện có 5 ca tử vong do sốt xuất huyết, ghi nhận tại huyện Gò Dầu, Tân Châu, Bến Cầu và thành phố Tây Ninh.

Phun hoá chất diệt muỗi tại gia đình ở xã Thạnh Bình, huyện Tân Biên.

Nguy cơ bùng dịch có thể xảy ra

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Tây Ninh, chỉ trong một tuần gần nhất, toàn tỉnh đã có 503 ca mắc sốt xuất huyết, đa số xuất hiện ở người lớn. Trong đó, địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất là thành phố Tây Ninh (115 ca), thị xã Trảng Bàng (74) và huyện Tân Châu (66 ca) và huyện Dương Minh Châu (61 ca). Đây là các địa phương có khu công nghiệp, tập trung nhiều nhà trọ, mật độ dân cư đông, thuận lợi cho dịch bệnh phát triển. 

So sánh 3 tuần gần nhất, mặc dù số ca giảm 20,66 % so với tuần 25 (634 ca); giảm 4,55% so với tuần 24 (527); tăng 17,79% so với tuần 23 (427), nhưng so với cùng kỳ năm 2021, số ca mắc sốt xuất huyết tăng 3,88 lần (103 ca). Nhiều ca nặng phải chuyển viện, hiện chưa ghi nhận thêm ca tử vong do sốt xuất huyết.

Theo nhận định của CDC Tây Ninh, dù số ca mắc sốt xuất huyết trong tuần này giảm, nhưng so với cùng kỳ năm 2021 tăng cao. Do đó, nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết có thể xảy ra. Dự báo trong thời gian tới, số ca mắc bệnh sẽ có xu hướng gia tăng do bắt đầu vào thời điểm mùa dịch, thời tiết mùa hè nóng ẩm tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết sinh sản, phát triển.

Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết đang điều trị tại Trung tâm Y tế thị xã Hoà Thành.

Ý thức người dân chưa cao

Sau khi thực hiện đợt 1 của Chiến dịch ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết, số ca mắc có giảm so với trước, nhưng ngành Y tế tiếp tục tăng cường tuyên truyền nhận thức người dân tự vệ sinh diệt lăng quăng phòng sốt xuất huyết. Đồng thời giám sát dịch tễ và xử lý các ổ dịch phát hiện trên địa bàn, giám sát chỉ số muỗi và lăng quăng, phun hoá chất chủ động tại các địa phương có nguy cơ cao.

Theo ông Tô Thanh Tài- Phó Giám đốc CDC Tây Ninh, hiện vẫn còn không ít người cho rằng sốt xuất huyết là bệnh thường xảy ra nên có tâm lý chủ quan, khi có triệu chứng sốt thường tự điều trị tại nhà mà không đến cơ sở y tế khám bệnh. Mặt khác, sự nhận thức và ý thức của người dân chưa cao trong việc vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng phòng sốt xuất huyết, đặc biệt tại khu vực nhà ở, nơi làm việc, sinh sống...

Thị xã Trảng Bàng là địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất từ đầu năm đến nay (792 ca, trong đó phường An Hoà có số ca mắc đứng đầu, do địa bàn rộng, dân cư đông, nhiều nhà trọ, đa phần người tạm trú chủ yếu là công nhân, còn lơ là trong công tác phòng dịch. Trung tâm Y tế Trảng Bàng đã điều trị 198 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 2 lần so với cùng kỳ, trong đó có 198 ca điều trị nội trú, 3 ca nặng phải chuyển viện.

Một khó khăn khác, các thiết bị phun khử khuẩn xử lý môi trường do được trang bị đã lâu, hiện đã bị hư hỏng. Ngành Y tế cũng gặp khó khăn trong vấn đề áp dụng Nghị định 98/2021/NĐ-CP về việc mua sắm trang thiết bị (máy phun đeo vai) và hoá chất diệt muỗi. Định mức chi cho các hoạt động đặc thù của giám sát, phòng chống sốt xuất huyết chưa có cơ sở thực hiện. Ngành cũng đề nghị hỗ trợ 20 máy phun STIHL đeo vai và 2.000 lít hoá chất diệt muỗi để phục vụ công tác phòng, chống sốt xuất huyết.

Người dân không nên chủ quan với bệnh sốt xuất huyết hiện nay.

Sốt xuất huyết đang là vấn đề y tế đáng quan tâm hiện nay và được WHO xếp vào 1 trong 10 bệnh do muỗi truyền gây ra tác động đối với sức khoẻ cộng đồng trên toàn cầu, trong khi bệnh chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu. Vì vậy, biện pháp phòng, chống muỗi là cách hiệu quả nhất để tránh bị nhiễm sốt xuất huyết. Theo ông Tô Thanh Tài, nước ta hiện lưu hành 4 tuýp virus sốt xuất huyết, bệnh không có miễn dịch chéo nên một người có thể mắc nhiều tuýp. Miễn dịch của bệnh không bền vững suốt đời nên người mắc bệnh trước đó, năm nay vẫn có thể mắc lại. Người bệnh cũng trở thành nguồn lây nếu vô tình để muỗi đốt từ mình sang người khoẻ mạnh. Do đó, người dân không nên chủ quan với bệnh sốt xuất huyết hiện nay.

Ngày 6.5.2022, UBND tỉnh ban hành Công văn số 1491 về tăng cường phòng, chống sốt xuất huyết, huy động chính quyền các cấp, các ban ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội, các tầng lớp nhân dân phối hợp triển khai, tích cực tham gia nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết.

Trong thời gian cao điểm, tất cả các huyện, thị xã, thành phố tổ chức đợt truyền thông phòng, chống sốt xuất huyết Dengue trong cộng đồng, đồng thời thực hiện tổng vệ sinh, thu gom phế thải, súc rửa các dụng cụ chứa nước nhằm loại trừ các ổ chứa lăng quăng, bọ gậy, giảm nhanh véc tơ truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue.

Tâm Giang

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh