Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Mới qua những ngày “mùng” sau tết. Bạn rủ:- Cà phê không?- Ừ, sao không, giữa lúc mùa xuân đang độ nồng nàn hương sắc. Mà nghĩ thêm, lại thấy Tây Ninh quê mình thật đáng gọi là có “bản sắc cà phê”.
Không bản sắc mà sao mới thứ bảy tuần đầu tiên đi làm, đã thấy đông chật người ở cà phê Gió- Nước. Nhìn sang Thanh Trà 1 kề bên, cũng khá đông rồi. Cả hai quán đều có không gian đẹp đẽ với cây xanh, hồ nước, chưa kể tới đồng lúa xanh mát mắt phía sau… nhưng Gió- Nước đông hơn là nhờ có nhiều thiết bị đồ chơi cho trẻ em.
Cà phê Góc thư giãn.
Lại nữa, bên này còn có một kiến trúc rất đậm đà bản sắc. Đấy là ngôi nhà lớn làm toàn bằng tre, trúc. Chính là kiểu các cây tầm vông bó lại thành cột cong cong như những cặp ngà voi. Bên trên là tấm mái dừa nước được sơn quét véc- ni óng ánh màu nâu đỏ.
Ở khu vực này, thuộc xã Hiệp Tân còn có cả quán có cái tên rất nên thơ là Sông Trăng nữa. Chỉ tiếc sông chạy trước quán lại là con kênh nước đen, nhận nước thải từ đô thị Hòa Thành nên không khí có kém phần lãng mạn cần có ở những quán cà phê.
Cà phê Gió- Nước
Có điều khá lạ ở Tây Ninh đây! Là rất nhiều quán cà phê. Mà quán nào mới khai trương cũng đều “hút khách”. Mà lại toàn cà phê sinh thái sang chảnh. Nên những quán từng khá nổi tiếng như Nhà xưa, Nhạc xưa, Bằng Lăng… cũng đã trở thành… xưa. Để cho những không gian sinh thái lên ngôi như Sen Đá, Góc Thư giãn hay Chim cảnh Việt.
Đến Sen Đá quả nhiên thấy sen trắng nở trong ao nước quây từ đá núi. Kiến trúc nửa cổ nửa kim nên vừa lạ, vừa quen. Thú vị nhất là cái cây sanh cổ thụ sùm xòa soi bóng nước, chính là cái cây sanh hoang vu ngày trước, được chủ nhân tỉa tót lại mà thành. Nên không gian tuy nhỏ nhưng vẫn nên thơ và gợi mở.
Ở Chim cảnh Việt cũng thế, là những chiếc hồ con quây bằng đá tảng lớn cỡ một con trâu. Hồ nước mà muốn gợi nhớ tới Hạ Long- di sản thiên nhiên thế giới. Đấy là nhờ hai hòn Trống, Mái đắp ở giữa hồ, bên chiếc cầu cong.
Cà phê Tầm Quên.
Thế nhưng, các quán sinh thái ở ngay trong thành phố như vừa kể cũng chưa là gì so với quán Góc thư giãn. Dù quán ấy, tuy cũng ở trên trục đại lộ 30.4 nhưng ở đoạn đầu đường, xa với trung tâm. Bì sao được, bởi quán này rinh cả “quê nội, quê ngoại” về đây. Lại còn vô số những không gian đặc thù đáp ứng sở thích của từng nhóm nhỏ. Như góc tưởng niệm Trịnh Công Sơn, nhà dành cho đờn ca tài tử, rồi đảo dưa hấu Mai An Tiêm, bát ngát những hồ sen…
Ông chủ quán có thể mất lòng, nhưng vẫn xin nói thật. Rằng đến nay đã thấy, dường như là ông “đam mê” quá. Cứ cái gì hay, lạ, đẹp thì ông đều đã đem về. Nào các loại gốm, sứ cổ kim, hình nhân, con giống… cho đến các loại chim cảnh và thú hiếm. Đến loại sen nia khó trồng thế mà cũng xòe lá to như cái mâm ở giữa ao của ông. Thành ra đến nay, khi đến Góc Thư giãn, có cảm giác dày rậm và hơi lộn xộn, hơi khó tìm ra những thứ mình ưa thích buổi ban đầu.
Cà phê Tình Trăm năm.
Ở Tây Ninh, còn có một loại quán cà phê thiên về ký ức. Như vài quán mang tên bài hát Trịnh Công Sơn. Đến đây thế nào ta cũng gặp lại những món đồ xưa, một thời đất nước còn chiến tranh, với xe cổ, cùng với những mũ sắt, bi-đông… loảng xoảng. Điển hình nhất cho loại này là quán Tầm Quên. Ai đã từng quên thì đến đây thế nào cũng gặp lại những cái mình còn nhớ. Như các loại xe Vespa, mô- bi- lét từng chạy veo veo trong phim cũ lấy bối cảnh Sài Gòn.
Người già mới nhớ được cái trục gỗ múi khế kia là của ông bà ta đi bừa thời mở đất. Tuổi trung niên sẽ nhớ đến cái đài, cái xe mình từng mơ ước lúc thanh niên. Và cả những cái cân ta to đùng để cân thóc, cân mì thời bao cấp. Nhiều món đồ gia dụng thuộc đủ các thời kỳ từ trên trăm năm trở lại cũng đều có mặt.
Một góc Cà phê Sen Đá.
Ấy thế mà, trong thời tranh đua của cà phê sinh thái thì những quán xưa vẫn có khách của mình. Như một quán rất cũ là Hương Xưa trên đường Nguyễn Thái Học. Tôi quen một anh bạn đã có thâm niên ít ra là 20 năm uống cà phê quán ấy. Mỗi lần bạn rủ tới, vẫn là cảnh cũ người xưa và thời gian như ngưng đọng lại.
Chợt nghĩ, cà phê Tây Ninh cũng giống như muối ớt Tây Ninh vậy! Chẳng có nguyên liệu nào là của mình, mà qua tay người Tây Ninh lại trở thành bản sắc rất… Tây Ninh.
Trần Vũ