Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Bất chấp việc dành 3 ngày ngồi cùng lãnh đạo các nước thành viên G7 tại Biarritz, Pháp để thảo luận về vấn đề tự do thương mại, Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn không hề lơ là cuộc thương chiến với Trung Quốc.
Vừa ra đòn đáp trả mạnh mẽ, vừa gửi đi những lời cảnh báo sắc lạnh, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho thấy sẽ rất khó đoán định “đường đi nước bước” tiếp theo của ông, và điều đó càng khiến thế giới bất an bởi không ai dám chắc mình sẽ được loại trừ trước các đòn thuế quan của Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị G20 tại Nhật Bản hồi tháng 6 năm nay. Ảnh: Getty
KHI TRUMP BỊ “CHỌC GIẬN”
“Tôi luôn có phương án 2”, “Tôi cũng chưa chắc chắn mình sẽ tiến hành bước đi nào tiếp theo” - những tuyên bố kiểu như vậy của Tổng thống Mỹ Donald Trump cho thấy việc dự đoán những diễn biến tiếp theo trong cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc là một thách thức lớn với bất cứ ai, kể cả những chuyên gia phân tích giàu kinh nghiệm nhất.
Mỹ áp thêm 5% thuế với toàn bộ 550 tỷ hàng nhập khẩu của Trung Quốc. Ảnh: New York Times
Mới chỉ đầu tuần trước, khi ông Donald Trump tuyên bố sẽ xem xét lại các mức thuế áp bổ sung với hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc, những đồn đoán đã nhanh chóng lan rộng về khả năng chính nền kinh tế Mỹ phải chịu “phản đòn” từ việc áp thuế với đối thủ, và rằng chính quyền Mỹ đã nhận thấy tác động không mong muốn khi “đấu sát ván” với Trung Quốc. Điều này thúc đẩy nhận định về khả năng Mỹ sẽ có những bước đi hạ nhiệt căng thẳng.
Vậy mà chỉ một tuần sau, ông Donald Trump đã khiến thế giới “té ngửa” khi ngay trước khi lên đường đi Pháp, ông tuyên bố sẽ tăng mức thuế với 250 tỷ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc từ 25% lên 30% kể từ ngày 1/10; 300 tỷ USD hàng hóa khác cũng bị tăng mức thuế từ 10% lên 15%.
Tuyên bố của ông Donald Trump rõ ràng là để đáp trả quyết định của Trung Quốc về việc áp thuế bổ sung đối với 75 tỷ USD hàng hóa của Mỹ, trong đó có các sản phẩm nông sản, dầu thô, máy bay cỡ nhỏ, ô tô và phụ tùng nhập khẩu… từ Mỹ.
Nhưng “cơn giận” của Tổng thống Mỹ còn theo chân ông sang tận Pháp khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7, nơi ông có thể đối mặt với sự phản đối của lãnh đạo các thành viên trong nhóm về việc gây căng thẳng cho nền thương mại toàn cầu.
Trong khi dư luận vẫn còn băn khoăn với ý tưởng liệu Hội nghị thượng đỉnh G7 có thể đưa ra những lời kêu gọi để hạ nhiệt thương chiến Mỹ - Trung, thì ông Donald Trump lại cảnh báo sử dụng một biện pháp quyết liệt hơn mà ông chưa từng nhắc tới trước đây, đó là ông có thể tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để có thẩm quyền lớn hơn trong việc đưa ra các bước đi tiếp theo trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.
Ông Donald Trump tiếp tục gửi cảnh báo tới Trung Quốc khi đang dự Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Pháp. Ảnh: Getty
Với thẩm quyền này, ông thậm chí có thể yêu cầu các doanh nghiệp Mỹ rút hoạt động khỏi Trung Quốc. Ông bảo vệ những quyết định của mình khi nói rằng Mỹ đang có mối quan hệ thương mại “khủng khiếp nhất” với Trung Quốc, và ông sẽ không quan tâm tới phản ứng của thị trường khi đưa ra quyết định tăng thuế được xem là “chiến đấu tới cùng” với Trung Quốc.
Quan điểm của Tổng thống Mỹ được Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin củng cố khi khẳng định bên lề Hội nghị thượng đỉnh G7 rằng Trung Quốc đang có hành vi thương mại không công bằng với Mỹ, và nếu Trung Quốc đồng ý thiết lập một mối quan hệ công bằng và cân bằng, Mỹ sẽ ký thỏa thuận với Trung Quốc “trong vòng một giây”!
TRUMP KHIẾN CẢ THẾ GIỚI LO LẮNG
Những gì đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc đã phủ bóng lên Hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra tại Biarritz của Pháp. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã cảnh báo thương mại tác động tiêu cực tới tất cả các bên và kêu gọi hợp tác “vì sự phục hồi thực sự” cho nền kinh tế toàn cầu.
Ông Donald Trump không ngại gây sức ép lên lãnh đạo các thành viên G7. Ảnh: South China Morning Post
Với lãnh đạo của những nền kinh tế hàng đầu thế giới, nỗi lo lắng được thể hiện tại G7 là đại diện rõ ràng nhất cho sự bất an của toàn thế giới trước cuộc chiến thương mại chưa biết đâu là hồi kết giữa Mỹ và Trung Quốc. Cả Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay từ 2,6% đến 3,2%, và những người ủng hộ thuế quan được cho là phải chịu trách nhiệm lớn trước nguy cơ suy thoái này.
Vấn đề là “người ủng hộ thuế quan” nhất là ông Donald Trump lại không hề có ý định từ bỏ công cụ yêu thích của mình, và không ai có thể khẳng định được rằng mình sẽ được nằm trong danh sách miễn trừ của Mỹ.
Thực tế cho thấy, bên cạnh Trung Quốc, ông Donald Trump còn đe dọa áp thuế với rất nhiều đồng minh khác. Ngay trước Hội nghị thượng đỉnh năm nay là lời đe dọa gửi tới Pháp về việc áp mức thuế mới với sản phẩm rượu vang của Pháp để trả đũa cho kế hoạch của Pháp đánh thuế các công ty công nghệ có thu nhập cao như Google, Facebook.
Bức ảnh ấn tượng nhất tại Hội nghị G7 năm 2018 tại Canada.
Dư luận vẫn chưa quên hình ảnh đã rất nổi tiếng từ Hội nghị thượng đỉnh G7 năm ngoái tại Canada, khi Tổng thống Donald Trump khoanh tay một mình ngồi đối diện với các nhà lãnh đạo G7 ở Canada, bức ảnh khiến giới phân tích chính sách ngoại giao ví là "G6+1" – xuất phát từ những mâu thuẫn lớn trong vấn đề thương mại.
Với những bước đi, những tuyên bố trước và trong thời gian diễn ra hội nghị năm nay, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho thấy ông vẫn sẵn sàng diễn lại hình ảnh “G6+1” một lần nữa. Chỉ có điều, dường như sức ép với Tổng thống Mỹ năm nay đã không còn lớn như năm trước khi ông Donald Trump tự tin cho biết ông không nhận được các ý kiến chỉ trích của lãnh đạo các nước về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Giới phân tích cho rằng, tất cả các nước đều quan tâm tới cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, lo ngại công cụ thuế quan mà Mỹ nhắm vào Trung Quốc có thể nhắm vào hàng hóa của quốc gia mình. Nhưng những nỗ lực ngăn cản Tổng thống Trump trong suốt hai năm qua liên quan đến vấn đề tự do hay bảo hộ thương mại đều tỏ ra có rất ít tác dụng, và Tổng thống Trump đã cho thấy tinh thần sẵn sàng đối đầu trong cả hai kỳ hội nghị thượng đỉnh G7 mà ông tham dự sau khi đắc cử Tổng thống.
Vì thế, một số quốc gia có thể tiếp cận vấn đề theo cách khả thi hơn, đó là đàm phán các thỏa thuận thương mại song phương với Mỹ thay vì lấy danh nghĩa “thương mại toàn cầu” để gây sức ép với ông Donald Trump. Thỏa thuận thương mại Mỹ - Nhật đạt được bên lề Hội nghị thượng đỉnh G7, thỏa thuận thương mại Anh – Mỹ cũng có triển vọng đạt được sau khi Anh rời khỏi EU là những minh chứng cho sự thành công của cách tiếp cận này.
Vì thế, dù G7, hay cả thế giới đều rất bất an với cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, nhưng việc giải quyết cuộc chiến này sẽ chỉ là vấn đề của những người trong cuộc. Theo tuyên bố của ông Donald Trump, phía Trung Quốc đã liên lạc với Mỹ ngay trong đêm ông đang ở Biarritz, Pháp để đề xuất hai bên quay trở lại bàn đàm phán. Một lần nữa, cả thế giới lại hồi hộp chờ đợi liệu cuộc thương chiến Mỹ - Trung sẽ hạ nhiệt hay tiếp tục thiết lập “đỉnh” căng thẳng mới.
Nguồn BNA