Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh:
Các cơ quan báo Đảng cần mạnh dạn đổi mới, có lối đi riêng
Thứ ba: 15:26 ngày 20/06/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Thực tế, trong thời gian qua, nhiều cơ quan báo đã học theo cách làm của báo Nhân Dân - trong cách trình bày giao diện, tổ chức các tuyến bài mang tính chuyên sâu về hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các địa phương để tạo ra sự khác biệt.

Trong thời đại bùng nổ thông tin, cùng với mạng xã hội, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo đã mang đến cả cơ hội và thách thức cho các cơ quan báo Đảng. Làm thế nào để các tờ báo Đảng vừa làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền về đường lối, chủ trương của Đảng một cách nhanh chóng, kịp thời vừa tăng tính hấp dẫn để các chủ trương, đường lối, chính sách đi vào cuộc sống, tiếp cận nhiều đối tượng độc giả? Đó là bài toán không đơn giản. Nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với Báo Hànộimới về vấn đề này.

Mạnh dạn thử nghiệm cái mới thay vì thái độ… “chờ xem”

- Xin ông đánh giá về những nỗ lực của các cơ quan báo Đảng địa phương trong những năm qua trong việc tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là trong vấn đề bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch?

- Chúng ta có 850 cơ quan báo chí có vai trò, ảnh hưởng lớn đối với xã hội, trong đó, 64 tờ báo Đảng là một trụ cột rất quan trọng trong hoạt động thông tin ở cấp quốc gia và các địa phương. Lâu nay, các cơ quan báo Đảng đã phát huy tốt thế mạnh của mình trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Sự nỗ lực này trước đây nằm ở tự thân các tờ báo, và gần đây, các cơ quan báo Đảng có sự kết nối chặt chẽ với nhau để phối hợp, chia sẻ thông tin.

Khởi nguồn của việc này là trong những năm đất nước chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Báo Nhân Dân đã lập nhóm tuyên truyền gồm các cơ quan báo Đảng địa phương để đưa tin về dịch một cách nhanh chóng và chuẩn xác. Khi thấy việc trao đổi thông tin như vậy mang lại hiệu quả cao, thông tin nhanh chóng và thông suốt từ cấp trung ương đến các địa phương, chúng tôi đã duy trì cách thức phối hợp thông tin như vậy cho đến bây giờ.

- Trong thời đại công nghệ số, báo chí phải đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình tiếp cận với “bạn đọc số”. Theo ông, các báo Đảng địa phương đã bắt kịp với dòng chảy này chưa?

- Sự phát triển của báo chí nói chung và công nghệ làm báo nói riêng đang diễn ra với tốc độ rất nhanh. Báo chí thế giới cũng như Việt Nam đều chật vật để tồn tại và phát triển. Sau thời gian xoay xở, nhiều cơ quan báo chí thế giới đã tìm ra con đường phù hợp, thích ứng với tình hình. Nhiều mô hình thành công trở thành hình mẫu để những cơ quan khác noi theo.

Tại Việt Nam, việc thúc đẩy nội dung trên nền tảng số đã được đề cập nhiều nhưng không phải cơ quan nào cũng mạnh dạn áp dụng. Phải thẳng thắn thừa nhận rằng, trong khi có những cơ quan báo chí chủ động thực hiện chuyển đổi số và có thành công bước đầu thì không ít nơi vẫn giữ thái độ “chờ xem”. Đến giờ này, vẫn có đại diện của nhiều cơ quan báo chí hỏi chúng tôi: Chuyển đổi số bắt đầu từ đâu, có mất nhiều tiền không, thực hiện như thế nào?

Chiến lược chuyển đổi số của Bộ Thông tin và Truyền thông trình Chính phủ đã đặt ra những mục tiêu cụ thể phải đạt được trong năm 2025 và xa hơn nữa. Nhiều mục tiêu không phải là quá khó, nhưng nếu các cơ quan báo chí tiếp tục băn khoăn, chờ đợi thì đến dấu mốc 2025 sẽ không kịp làm gì. Nhìn chung, tôi cho rằng, bức tranh chuyển đổi số có nhiều điểm sáng nhưng cũng có những vấn đề đáng lo ngại vì nhiều đơn vị vẫn “giậm chân tại chỗ”, chưa có bước chuyển biến rõ rệt.

- Gần đây, với sự hiện diện của ChatGPT, công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo), nhiều người cho rằng, công nghệ dần có thể thay thế nhà báo tác nghiệp và đây sẽ là áp lực lớn với các cơ quan báo Đảng. Ông suy nghĩ gì về nhận định này?

- Những nghiên cứu đầu tiên về AI có từ thập niên 1950 - 1960, nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, AI đã được áp dụng rộng rãi trong nhiều cơ quan báo chí trên thế giới. Nhiều người nghĩ rằng AI chỉ là máy viết tin thay cho con người, nhưng thực tế không phải như vậy.

Từ lâu, AI đã được các tòa soạn dùng để theo dõi hành vi đọc báo của bạn đọc cũng như để tương tác với độc giả thông qua các chatbot. Hiện nay, AI cao cấp còn giúp đẩy các nội dung cá nhân hóa tới người dùng chính xác hơn, phát hiện, tìm kiếm tin tức nhanh hơn. Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters, trong số các cơ quan báo chí tham gia khảo sát, có khoảng 1/4 thường xuyên áp dụng AI và khoảng 5% áp dụng ở cấp độ cao.

Tuy nhiên, ChatGPT ra đời đã tạo “cơn sốt” với 2 xu hướng tiếp cận: Một bên rất hào hứng, phấn khích và một bên lo sợ, e ngại. Theo tôi, cả hai thái cực này đều không nên. Báo chí cần nhanh chóng, mạnh dạn tìm hiểu, nắm bắt xu hướng mới nhưng cũng không nên vội vàng áp dụng AI vào các công đoạn sản xuất tin bài, quy trình của tòa soạn.

Mặc dù ChatGPT có rất nhiều lợi thế, mang đến nhiều trải nghiệm mới mẻ nhưng chúng tôi vẫn khuyến cáo hãy thận trọng khi sử dụng nó vào việc sáng tạo nội dung. Thực tế cho thấy, dùng ChatGPT để tổng hợp thông tin sẽ rất nguy hiểm vì nhiều nguồn tin chưa được kiểm chứng, độ chính xác không cao.

Cần kiên định con đường riêng

- Trước làn sóng công nghệ đang phát triển như vũ bão, Hội Nhà báo Việt Nam có định hướng như thế nào để các cơ quan báo Đảng hiểu đúng và áp dụng linh hoạt AI vào hoạt động nghiệp vụ?

- Khi cơn sốt ChatGPT nổi lên, đã có nhiều hội nghị, hội thảo do các cơ quan tổ chức, trong đó có nhiều cuộc do Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với các tỉnh, thành phố. Ngay trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức một cuộc tọa đàm, mời các chuyên gia đến trao đổi về vấn đề này. Đây là bước đi đầu tiên nhằm nâng cao nhận thức của mọi người về ChatGPT, về robot viết tin. Chúng tôi nêu rõ quan điểm rằng, các cơ quan báo chí nên mạnh dạn và tỉnh táo lựa chọn những công nghệ phù hợp với tiềm lực, nhu cầu thông tin của độc giả để thử nghiệm, ứng dụng. Không nên mua những ứng dụng công nghệ thời thượng chỉ để biểu diễn vài lần hoặc không có tác dụng gì trong việc thu hút bạn đọc, như thế thì rất lãng phí.

- Trên cương vị Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, xin ông cho biết về sự đổi mới trong ứng dụng công nghệ của Báo Nhân Dân với vai trò “đầu tàu” để các cơ quan báo Đảng địa phương có thể học tập?

- Quan điểm của chúng tôi là thấy điều gì có ích cho độc giả của mình và phục vụ tốt mục tiêu tuyên truyền về đường lối, chính sách thì thử nghiệm. Trong quá trình thử nghiệm thì phải chấp nhận rủi ro, không phải thử nghiệm nào cũng thành công, và nếu không hiệu quả thì phải nhanh chóng từ bỏ và chuyển sang thử nghiệm khác.

Đáng mừng là những thử nghiệm của Báo Nhân Dân trong thời gian qua mang lại hiệu quả rất tốt. Hiện nay, báo điện tử của chúng tôi có số lượng bạn đọc trẻ dưới 30 tuổi khá cao, chiếm tới hơn 70%. Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với các cơ quan báo Đảng địa phương về những công cụ trực tuyến phục vụ hiệu quả cho việc sản xuất tin, bài.

Thực tế, trong thời gian qua, nhiều cơ quan báo đã học theo cách làm của báo Nhân Dân - trong cách trình bày giao diện, tổ chức các tuyến bài mang tính chuyên sâu về hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các địa phương để tạo ra sự khác biệt.

- Cách tiếp cận thông tin của công chúng ngày một khác. Theo ông, để chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đi vào đời sống, tạo hiệu quả thực tế, các cơ quan báo Đảng địa phương cần phải thay đổi như thế nào?

- Sự phát triển của video ngắn trên các nền tảng mạng xã hội khiến cho bạn đọc mất đi thói quen đọc sâu. Người dùng hiện nay có thói quen đọc lướt rất nhanh, nếu trong vòng 8 giây mà không có gì đáng chú ý là họ bỏ qua. Đây là thực tế, là thách thức rất lớn cho các cơ quan báo Đảng. Chính vì thế, chúng ta cần phải thay đổi cách thức thể hiện, tạo ra những sản phẩm đặc thù cho những đối tượng độc giả trung thành. Có thể đa số người đọc thích đọc nhanh, đọc lướt nhưng cũng có nhiều người thích nghiên cứu sâu về vấn đề nào đó và họ cần tìm thông tin chuẩn mực. Trong bối cảnh có nhiều sản phẩm báo chí mang tính “đồng phục”, việc tạo ra những bài viết chuyên sâu, rõ nét riêng sẽ là con đường đi riêng để thu hút độc giả trung thành.

- Theo ông, có sự mâu thuẫn không khi các cơ quan báo Đảng vừa nỗ lực xây dựng các nội dung hấp dẫn bạn đọc bằng nhiều hình thức nhưng vẫn phải bảo đảm tính chuẩn mực?

- Trước kia, những tác phẩm báo chí hấp dẫn mang đậm dấu ấn cá nhân của tác giả, chẳng hạn như các bài bình luận, các bài phóng sự điều tra sâu sắc, thì bây giờ, lượng truy cập nhiều hay ít lại phụ thuộc vào thuật toán của các "ông lớn" về công nghệ, phụ thuộc vào việc nội dung thông tin có “bắt trend” hay không. Nói như thế không có nghĩa tính chuẩn mực không được coi trọng. Điều quan trọng ở đây là cách thức truyền tải thông tin làm sao để hấp dẫn được bạn đọc. Ngoài ra, các cơ quan báo Đảng địa phương cần nhận rõ phân khúc độc giả của mình, tìm cách đáp ứng tốt nhu cầu của nhóm độc giả trung thành.

- Vậy, những người làm báo Đảng cần phải trau dồi thêm những kỹ năng, phẩm chất gì để đáp ứng được yêu cầu của báo chí hiện đại?

- Người làm báo Đảng thời đại nào cũng thế, cần coi việc tuyên truyền về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước là quan trọng nhất, bên cạnh việc thông tin trung thực về mọi mặt của đời sống. Những người làm báo Đảng phải luôn nâng cao nhận thức chính trị - tư tưởng, chủ động tham gia đào tạo và tự đào tạo về nghiệp vụ, nhanh chóng tiếp cận công nghệ mới để sáng tạo những tác phẩm báo chí chuẩn mực về nội dung, chuyên nghiệp và hấp dẫn trong cách thức thể hiện.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn hanoimoi

Tin cùng chuyên mục