Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Các đảng bộ địa phương tích cực xây dựng nông thôn mới
Chủ nhật: 23:01 ngày 23/02/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tính đến cuối năm 2019, Tây Ninh có 42 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), đạt 52,5% tổng số xã trên địa bàn tỉnh, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X đề ra. Để được công nhận NTM là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, người dân toàn tỉnh.

Đường Nguyễn Văn Linh ở xã Trường Hoà được thị xã Hoà Thành đầu tư nâng cấp mở rộng và lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu giao thông, thuận lợi cho người dân đi lại.

Xã Phước Chỉ: Bảo hiểm y tế đạt gần 96%

Chuyện xây dựng NTM ở xã Phước Chỉ (thị xã Trảng Bàng) là một ví dụ. Nhiều năm qua, ở xã biên giới này, tiêu chí vận động người dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) tự nguyện luôn đạt tỷ lệ rất cao. Trong khi theo quy định của Thủ tướng Chính phủ về bộ tiêu chí xây dựng NTM, chỉ cần có 85% dân số tham gia BHYT là đạt tiêu chí số 15 về y tế, nhưng tính đến cuối tháng 11.2019, xã Phước Chỉ có 96% dân số tham gia BHYT. “Đây là tỷ lệ cao nhất thị xã Trảng Bàng nhiều năm liền và có khả năng cao nhất tỉnh hiện nay”, ông Nguyễn Phước Nhiên- Chủ tịch UBND xã Phước Chỉ cho biết.

Vì sao một xã nông thôn biên giới như Phước Chỉ đạt và vượt chỉ tiêu khá cao về tiêu chí này? Ông Nhiên chia sẻ, có hai nguyên nhân cơ bản dẫn đến kết quả nêu trên. Thứ nhất, trước đây, 100% người dân các xã biên giới đều được Chính phủ tặng BHYT. Đến năm 2009, chương trình này bị cắt, nhưng người dân đã hiểu rõ về lợi ích của việc tham gia BHYT nên bà con tiếp tục mua BHYT. Thứ hai, UBND xã giao cho cán bộ các đoàn thể và Văn phòng UBND xã trực tiếp bán BHYT và được hưởng 100% tiền hoa hồng. Từ đó kích thích các nhân viên thi đua với nhau. Nhân viên có thể vừa làm việc tại cơ quan, vừa bán BHYT cho người dân.

Bên cạnh chỉ tiêu về BHYT, thời gian qua, xã Phước Chỉ đã kêu gọi sự hỗ trợ của các mạnh thường quân trong và ngoài địa phương, cùng sự đóng góp vật chất, ngày công lao động để xoá cầu khỉ, cầu ván của nhân dân ở 5 ấp ven sông. Tính đến nay, toàn xã đã xây mới 27 cây cầu giao thông nông thôn với tổng số tiền trên 3,5 tỷ đồng, góp phần từng bước hoàn thành tiêu chí số 2 về giao thông.

Toàn bộ những cây cầu này đều được làm bằng bê tông xi măng, tải trọng 5 tấn, chiều rộng từ 3,5m trở lên. Nhờ đó, đã kết nối các tuyến đường giao thông nội đồng trong các ấp ven sông và tạo điều kiện thuận lợi việc vận chuyển hàng hoá, vật tư nông sản, góp phần đáng kể vào việc giảm giá thành sản xuất cho người dân. Với những nỗ lực nêu trên, dự kiến, đến cuối năm 2020, xã Phước Chỉ sẽ đạt các tiêu chí về NTM.

Xã Trường Hoà: Quyết tâm đạt 19 tiêu chí

Trường Hoà và Hiệp Tân là hai xã cuối cùng của thị xã Hoà Thành chưa được công nhận đạt chuẩn NTM. Nếu hai xã này “về đích”, Hoà Thành sẽ là thị xã đầu tiên của tỉnh đạt 100% xã NTM.

Lãnh đạo UBND xã Trường Hoà chia sẻ, Trường Hoà là xã nông thôn, người dân chủ yếu làm nông nghiệp nên thu nhập bấp bênh theo mùa vụ. Từ đó làm ảnh hưởng đến công tác vận động người dân đóng góp để thực hiện các công trình có vốn đối ứng của xã, như các công trình làm đường giao thông nông thôn. Mặc dù vậy, khi được chính quyền địa phương vận động đóng góp sức người, sức của, người dân luôn đồng tình ủng hộ. Nhờ vậy, đến nay trong xã đã nâng cấp được 9 tuyến đường trải nhựa và 4 tuyến đường trải đá.

Về việc vận động người dân tham gia BHYT, Đảng uỷ, UBND xã đã lãnh đạo, phân công cho các uỷ viên Ban Chấp hành, uỷ viên Ban Thường vụ Đảng uỷ và các đoàn thể phối hợp chặt chẽ với UBND đến tận các cụm tổ dân cư tự quản để tuyên truyền cho người dân hiểu về tầm quan trọng của việc tham gia BHYT tự nguyện. Đặc biệt, công tác tuyên truyền được đổi mới theo hình thức gọn nhẹ, dễ hiểu, dễ nhớ. Từ đó, người dân nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của BHYT và tự nguyện tham gia. Do vậy, tỷ lệ tham gia BHYT của xã Trường Hoà cũng khá cao, đạt 85,16%.

Xã Bình Minh: Phấn đấu đạt NTM nâng cao

Năm 2015, Bình Minh (TP. Tây Ninh) là một trong 5 xã đầu tiên của tỉnh được công nhận đạt tiêu chuẩn NTM; và hiện nay là một trong hai xã của tỉnh được đầu tư theo tiêu chuẩn NTM nâng cao.

Chủ tịch UBND xã Bình Minh Trần Thanh Danh bộc bạch, theo tiêu chí NTM trước đây, thu nhập bình quân 45 triệu đồng/người/năm, tiêu chí NTM nâng cao năm 2020, thu nhập bình quân phải đạt 65 triệu đồng/người/năm. Đây là chỉ tiêu rất cao. Bình Minh là xã nông thôn, người dân chủ yếu làm nghề nông, làm thuê… nên rất khó đạt tiêu chí này. “Giải pháp của xã là tái cơ cấu nền kinh tế nông nghiệp của xã sao cho phù hợp.

Thế mạnh nông nghiệp của xã là trồng cây cao su và khoai mì, nhưng đa số chủ của những vườn cao su và rẫy mì trên địa bàn xã là người của địa phương khác, chứ không cư ngụ ở xã. Vì vậy, chúng tôi đang kiến nghị với tỉnh tính thu nhập bằng cách lấy tổng thu nhập chia bình quân theo đầu người, kể cả người dân ở ngoài xã nhưng đang sản xuất nông nghiệp trong xã”- ông Danh nói.

Trên địa bàn có khoảng 20 công ty, xí nghiệp đang hoạt động. Xã cũng đang kiến nghị những công ty, xí nghiệp này ưu tiên thu nhận con em trong xã vào làm công nhân, nhân viên để tạo điều kiện cho người dân tăng thu nhập. Vấn đề vệ sinh môi trường, theo tiêu chí NTM nâng cao, phải vận động 70% hộ dân đăng ký thu gom rác thải sinh hoạt gia đình trở lên. Chỉ tiêu này ở xã chỉ mới đạt 45,43%, do người dân nông thôn có thói quen tự xử lý rác, nhu cầu đăng ký thu gom rác rất thấp.

Các tuyến đường ở xã được đầu tư từ năm 2014, sau hơn 6 năm sử dụng, đến nay đã bị xuống cấp. Ở những nơi xuống cấp ít, xã vận động người dân tự giặm vá. Chỉ tính riêng trong năm 2019, xã đã vận động nhân dân đóng góp được 104 triệu đồng để giặm vá đường giao thông. Tuyến đường hư hỏng nặng đang được lập danh mục, kiến nghị TP. Tây Ninh hỗ trợ kinh phí nâng cấp.

Đại Dương

Tin cùng chuyên mục