Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Triển khai Chỉ thị 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển bền vững ngành thủy sản, nhiều địa phương đã có những hành động cụ thể, quyết liệt nhằm thực hiện hiệu quả Chỉ đạo của Ban Bí thư.
Tại tỉnh Quảng Ngãi, tính đến tháng 5/2024, tổng số tàu cá được cấp giấy phép khai thác thủy sản theo hạn ngạch gồm 3.665 tàu cá, đạt 86,62%. Đến nay, toàn tỉnh có 2.952 tàu đã lắp thiết bị giám sát VMS (thiết bị giám sát hành trình), đạt gần 99,5% trên tổng số tàu đang hoạt động (không tính 126 tàu nằm bờ trong và ngoài tỉnh).
Nhằm chống khai thác IUU, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có công văn gửi các đơn vị gồm: Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; UBND các huyện: Lý Sơn, Bình Sơn, Mộ Đức, thị xã Đức Phổ và thành phố Quảng Ngãi. Trong đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục tập trung cao điểm, huy động các nguồn lực triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU theo đúng chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư, Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 22/4/2024 của Chính phủ và các Công điện số 1058/CĐ-TTg ngày 4/11/2024, Công điện số 49/CĐ-TTg ngày 15/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ, các kết luận của Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về IUU,...Tuyệt đối không lơ là, chủ quan; gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp và lực lượng chức năng với kết quả thực hiện chống khai thác IUU; kiên quyết xử lý nghiêm theo đúng quy định ở mức cao nhất đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm khai thác IUU.
Trên tinh thần đó, tỉnh Quảng Ngãi quyết tâm vừa tuyên truyền, vận động, vừa theo dõi, kiểm soát ngăn chặn, xử lý kịp thời ngay từ trong bờ và trên biển, kiên quyết ngăn chặn, chấm dứt tàu cá, ngư dân vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, đảm bảo không phát sinh thêm các trường hợp vi phạm từ nay đến khi EC sang thanh tra thực tế tại Việt Nam.
Tổ chức trực ban, theo dõi, giám sát 24/24 giờ tàu cá hoạt động trên biển qua hệ thống VMS; lập danh sách theo dõi, xử lý 100% các tàu cá vi phạm quy định về VMS (mất kết nối VMS 6 tiếng không báo cáo về bờ, mất kết nối quá 10 ngày không quay về bờ, đặc biệt tàu cá mất kết nối VMS gần ranh giới vùng đặc quyền kinh tế giữa Việt Nam và các nước); xác minh, kiểm soát từng trường hợp tàu cá mất kết nối dài ngày, xác nhận vị trí neo đậu, đảm bảo không tham gia hoạt động khai thác thủy sản.
Để thực hiện tốt công tác chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền đề nghị phân công cán bộ, đảng viên cấp cơ sở quản lý, giám sát đến từng tàu cá đối với các nhóm tàu cá có nguy cơ vi phạm cao. Tuyệt đối không cho xuất bến đối với tàu cá chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, tàu cá “3 không” theo đúng quy định. Đồng thời, các xã ven biển phối hợp với lực lượng bộ đội biên phòng và các cơ quan chức năng tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền để ngư dân hiểu được những hệ lụy khi vi phạm vùng biển nước ngoài, làm thay đổi nhận thức của ngư dân.
Ðồn Biên phòng Khánh Tiến phối hợp với UBND xã Khánh Tiến tuyên truyền để ngư dân nắm các thông tin cần thiết trước khi ra khơi. (Ảnh: baocamau.vn)
Đối với tỉnh Cà Mau, triển khai Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 22/4/2024 của Chính phủ (về thực hiện Chỉ thị 32-CT/TW của Ban Bí thư) và Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển phát triển bền vững ngành thủy sản, tỉnh Cà Mau đã ban hành Kế hoạch cụ thể. Trong đó, địa phương xác định các nhiệm vụ trọng tâm: tiếp tục truyền thông, tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật chống khai thác IUU cho cộng đồng ngư dân và các tổ chức, cá nhân có liên quan bằng hình thức phù hợp. Tập trung nêu gương các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt về việc chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh; phê phán các hành vi vi phạm quy định chống khai thác IUU, các vụ việc vi phạm bị truy tố, xét xử, xử phạt vi phạm hành chính. Vận động ngư dân tự nguyện thực hiện thủ tục sang tên, chuyển nhượng, mua bán tàu cá đúng quy định, nhằm bảo vệ lợi ích của chủ tàu, ngư dân trong trường hợp tàu cá vi phạm khi hoạt động khai thác thủy sản.
Bên cạnh đó, tỉnh Cà Mau phấn đấu tiếp tục thực hiện hiệu quả Quy chế phối hợp đã ký kết với các tỉnh ven biển và lực lượng chức năng nhằm quản lý, kiểm soát tàu cá hoạt động ngoài tỉnh và tàu cá của tỉnh khác hoạt động trên địa bàn tỉnh; trao đổi thông tin giữa các địa phương có liên quan, để kịp thời ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm khai thác IUU.
Về giải pháp dài hạn, địa phương sẽ rà soát, hoàn thiện và triển khai thực hiện các phương án, dự án về thí điểm chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi thủy sản, môi trường, hệ sinh thái sang các nghề khai thác thân thiện với môi trường, hệ sinh thái và nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh; điều tra đánh giá nguồn lợi thủy sản vùng ven bờ, vùng lộng phục vụ khai thác thủy sản bền vững và chuyển đổi nghề trên địa bàn tỉnh; đánh giá hiện trạng môi trường khu vực ven biển và ven các đảo, phục vụ nuôi trồng thủy sản.
Tại Nghệ An, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, hiện toàn tỉnh có có 2.565 tàu thuyền thuộc diện phải đăng ký. Tính đến ngày 30/4/2024, tỷ lệ đăng ký tàu cá đạt 90,37%; đăng kiểm đạt 78,3%; lắp thiết bị giám sát hành trình đạt 96,95%,…
Triển khai Chỉ thị 32-CT/TW của Ban Bí thư cũng như Nghị quyết 52 của Chính phủ, tỉnh Nghệ An đã xác định các nhiệm vụ cụ thể trước mắt cần triển khai. Trong đó, tổ chức nghiên cứu, quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư, Nghị quyết số 52/NQ-CP của Chính phủ, Kế hoạch của Tỉnh ủy về triển khai Chỉ thị số 32-CT/TW, Kế hoạch của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 52/NQ-CP.
Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, tập huấn, phổ biến cho cộng đồng ngư dân ven biển và các tổ chức, cá nhân có liên quan các quy định pháp luật chống khai thác IUU; tích cực tuyên truyền, vận động, kịp thời phát hiện từ sớm, từ xa, ngăn chặn ngay trong bờ đối với tàu cá và ngư dân có ý định vi phạm, đặc biệt là khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.
Tỉnh Nghệ An đề nghị các cơ quan truyền thông trên địa bàn tỉnh tăng thời lượng đưa tin, tuyên truyền, phổ biến các quy định về chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo “Thẻ vàng”, các tấm gương điển hình, tiêu biểu; phê phán các hành vi vi phạm quy định chống khai thác IUU.
Đặc biệt, tổng kiểm tra, rà soát toàn bộ các tàu cá trên địa bàn tỉnh đảm bảo nắm chắc thực trạng (số lượng tàu; tàu cá đã chuyển nhượng, mua bán, xóa đăng ký; tàu cá hoạt động trên địa bàn ngoài tỉnh, tàu cá chưa lắp thiết bị VMS...); xử lý nghiêm, triệt để theo quy định của pháp luật đối với tàu cá không đủ điều kiện tham gia khai thác thủy sản.
Nhằm thực hiện tốt công tác chống khai thác IUU, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung đề nghị các thành viên Ban chỉ đạo tỉnh chống khai thác IUU, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương liên quan quyết liệt, tập trung hơn nữa trong việc thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị 32-CT/TW của Ban Bí thư, Nghị quyết số 52 của Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Trong đó, các huyện ven biển tập trung nguồn lực, thành lập các Tổ công tác thực hiện việc rà soát, kiểm tra, xác minh, xử phạt dứt điểm đối với tàu cá mất kết nối giám sát hành trình trên 10 ngày trên biển không đưa tàu vào bờ. Từng bước nghiên cứu các giải pháp tạo sinh kế hỗ trợ cho ngư dân, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của ngư dân.
Đáng chú ý, đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu; xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân không thực hiện nhiệm vụ được giao, kịp thời khen thưởng, động viên những tổ chức, cá nhân có cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả,…
Ngày 22 tháng 4 năm 2024, Chính phủ đã ra Nghị quyết số 52/NQ-CP ban hành Chương trình hành động và Kế hoạch của Chính phủ triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển bền vững ngành thủy sản.
Chương trình hành động và Kế hoạch yêu cầu xác định rõ vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, các cấp chính quyền, nhất là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp và Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc trung ương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đối với công tác chống khai thác IUU và phát triển bền vững ngành thủy sản.
Chương trình hành động và Kế hoạch đã đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp dài hạn:
Khẩn trương rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực thủy sản, chú trọng chính sách nuôi trồng, khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, bảo quản, chế biến phục vụ xuất khẩu; có chính sách hỗ trợ hiện đại hóa nghề cá, cải thiện sinh kế, đào tạo nghề, tạo điều kiện cho ngư dân vươn khơi, bám biển, nâng cao cuộc sống, hướng dẫn quản lý lao động nghề cá phù hợp với quy định pháp luật lao động trong nước và quốc tế.
Đầu tư nguồn lực nhà nước, khuyến khích xã hội hóa, hợp tác công - tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng thủy sản; kiện toàn, nâng cao năng lực, ý thức trách nhiệm cho lực lượng Kiểm ngư và các cơ quan chức năng quản lý hoạt động thủy sản, bảo đảm công cụ, phương tiện cho các lực lượng chấp pháp trên biển thực hiện công tác chống khai thác IUU. Thực hiện mạnh mẽ giải pháp chuyển đổi nghề, phát triển ngành nghề bền vững, đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản trên biển, giảm phụ thuộc vào khai thác thủy sản cho ngư dân; đảm bảo số lượng tàu cá và cường lực khai thác phù hợp với trữ lượng nguồn lợi thủy sản trên các vùng biển.
Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong nuôi trồng, khai thác thuỷ sản, thiết lập chuỗi sản xuất bền vững, hệ sinh thái toàn diện, tạo môi trường thuận lợi cho ngành thuỷ sản phát triển lâu dài, theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, giảm phát thải, có uy tín, khả năng cạnh tranh cao, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, thích ứng biến đổi khí hậu, thân thiện với môi trường.
Đồng thời, chú trọng bảo tồn, bảo vệ, phát triển nguồn lợi thuỷ sản; phát triển ngành thuỷ sản phải gắn với bảo đảm an sinh xã hội, sinh kế bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của ngư dân và người lao động có liên quan; xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh trên biển, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc,.../.
Nguồn ĐCSVN