Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Ảnh hưởng của Brexit, nhu cầu điện khí hóa, thị trường bão hòa và sự trỗi dậy của ngành công nghiệp ôtô Trung Quốc là các tác nhân chính.
Nhiều nhà sản xuất xe hơi ngừng hoạt động ở châu Âu chỉ trong vài tuần qua. Mới nhất là Nissan. Ngày 12/3, hãng xe Nhật xác nhận đã ngừng lắp ráp dòng xe Infiniti tại nhà máy ở đông bắc nước Anh, New York Times viết.
Diễn biến này xảy ra khi cuộc tranh luận đưa Anh rời khỏi liên minh châu Âu (Brexit) chưa đạt được đồng thuận, làm dấy lên nghi vấn: Phải chăng Brexit đã buộc nền công nghiệp sản xuất ôtô rời khỏi Anh?
Vấn đề không chỉ đơn giản như vậy. Các nhà sản xuất ôtô truyền thống, ở Anh cũng như trên toàn châu Âu, đã phải chật vật với các tác động trên toàn thế giới. Họ cần ấn định được mảnh đất nơi cứ mỗi vài năm sẽ cho ra đời một mẫu xe mới.
Khi phân bổ nguồn lực, các hãng xe phải cân đối nhu cầu để đáp ứng những thay đổi này với các lý lẽ biện minh cho việc sản xuất ôtô ở những nước như Anh. Dưới đây là một vài tác động sẽ tái định hướng nền công nghiệp ôtô toàn cầu.
Một chiếc Nissan trong giai đoạn hoàn thiện cuối cùng trước khi rời khỏi dây chuyền sản xuất tại nhà máy ở Sunderland, Anh. Ảnh: Car
Ai đang rời đi?
Honda nói hãng này sẽ đóng cửa nhà máy ở Swindon, Anh vào năm 2021 và ngừng sản xuất một trong những dòng sedan của hãng ở Thổ Nhĩ Kỳ. Nhà máy ở Swindon tạo việc làm cho 3.500 nhân công và con số này ở Thổ Nhĩ Kỳ là 1.100 người.
Nissan đảo ngược quyết định ban đầu bằng việc chọn Nhật Bản làm nơi sản xuất thế hệ tiếp theo của dòng thể thao tiện ích X-Trail, thay vì Sunderland, Anh. Tương tự, thương hiệu xe sang Infiniti của hãng cũng rút hoàn toàn khỏi Tây Âu.
Ford hồi tháng 1 thông báo rằng hãng đã cắt giảm hàng nghìn lao động trên khắp châu Âu.
Jaguar Land Rover cũng thông báo trong tháng 1 sẽ cắt giảm 4.500 nhân sự trong số lực lượng lao động toàn cầu; việc cắt giảm hầu hết diễn ra tại Anh.
Dyson, hãng công nghệ đang phát triển dòng xe điện, cũng đã chuyển đại bản doanh từ Anh sang Singapore trong cùng tháng.
General Motors rời châu Âu vào 2017, đồng thời bán lại hai thương hiệu là Opel và Vauxhall.
Brexit cản trở kế hoạch
Trong bối cảnh này, tính bất định khó đoán xung quanh việc Anh rời liên minh châu Âu khiến các hãng xe khó khăn trong việc lên kế hoạch. Một vài hãng ôtô đã nói rằng họ sẽ đóng cửa tạm thời một số nhà máy sau khi Anh rời khỏi liên minh để thích nghi với những gián đoạn có thể xảy ra.
Nỗi lo ngại hiển hiện trước mắt các hãng xe hiện nay là Brexit có thể tàn phá toàn bộ quá trình sản xuất khi vừa kịp lúc được lên kế hoạch kỹ càng ở các nhà máy lắp ráp. Tại Anh, hơn một nửa thành phần cấu tạo xe đến từ Liên minh châu Âu, những chiếc xe tải nhập cảnh vào Anh dễ dàng từ các nước trong khối liên minh và đến nơi chỉ trong vòng vài phút để hoàn thành khâu lắp ráp sản phẩm cuối cùng.
Hậu Brexit, những chiếc xe tải này có thể bị cản trở nếu chúng phải đi qua trạm kiểm soát hải quan. Không có một đường hướng rõ ràng nào cho các điều khoản để Anh rời liên minh trong vài tuần tới, việc lên kế hoạch sản xuất trong tương lai của các hãng xe sẽ càng khó khăn hơn. Đầu tư vào nền công nghiệp sản xuất ôtô của Anh đã giảm một nửa vào năm ngoái.
Thị trường châu Âu trì trệ
Sự phổ biến rộng rãi của các phương tiện giao thông khác, như scooter điện ở London, không giúp ích cho thị trường ôtô châu Âu, nơi đã đạt đỉnh doanh số vào 12 năm trước.
Thị trường ôtô châu Âu hiện không hề tăng trưởng. Doanh số xe bán ra hàng năm tại đây đạt đỉnh vào năm 2007 ở khoảng 16 triệu xe. Con số này hiện nay xấp xỉ 15 triệu, theo JATO.
Đây cũng được cho là một thị trường bão hoà, thống trị bởi các nhãn hiệu châu Âu, và ưa chuộng các mẫu xe nhỏ hơn. Các hãng xe bán tải và SUV thèm khát lợi nhuận đang tìm kiếm thị trường khác để phát triển. Doanh số xe SUV ở châu Âu còn xa mới được như ở Trung Quốc và Mỹ.
Hãng xe Italy-Mỹ Fiat Chrysler thông báo hồi tháng 2 rằng đã lên kế hoạch mở rộng sản xuất ở Mỹ bằng cách nâng cấp một vài nhà máy. Theo đó, họ sẽ sản xuất ra các mẫu Jeep lớn hơn.
Song chắc chắn rằng ngay cả những vùng đất hứa cũng phải đối diện với thử thách. Ở Mỹ, nhiều người tin rằng doanh số ôtô đã đạt đỉnh, dẫn tới việc các nhà máy phải hoạt động cầm chừng. Và sự suy thoái kinh tế ở Trung Quốc gần đây đã đưa doanh số bán ôtô tụt dốc.
Dù vậy, trong thông báo rút lui khỏi Tây Âu, Infiniti xác nhận rằng hãng dự kiến tập trung vào mảng SUV ở thị trường Bắc Mỹ, đồng thời sẽ ra mắt các mẫu xe mới tại Trung Quốc.
Siết chặt quy định sử dụng nhiên liệu hoá thạch
Ôtô dừng sạc điện trên một con phố ở Oslo, Na Uy. Theo kế hoạch, đến 2025, quốc gia này sẽ chỉ bán ôtô chạy điện. Ảnh: Finnvera
Sau bê bối gian lận khí thải của Volkswagen năm 2015, khi hãng này dùng phần mềm để đánh lừa các bài kiểm tra khí thải, nhận thức về tác động xấu của nhiên liệu hoá thạch đã thúc đẩy các nhà cầm quyền đưa ra quy định nghiêm ngặt hơn trên toàn châu Âu.
Một vài thành phố ở Đức đang cấm động cơ diesel đời cũ trong nỗ lực nhằm giảm ô nhiễm ở các thành thị. London đã đề xuất thu thuế đối với các tài xế sử dụng phương tiện chạy nhiên liệu diesel đời cũ. Anh và Pháp lên lộ trình giảm dần doanh số bán ra các ôtô chạy nhiên liệu diesel đời mới và động cơ xăng vào năm 2040.
Trong khi đó, nhiều chính phủ, tài xế và hãng xe hướng sự chú ý về xe chạy điện. Những chiếc ôtô sử dụng nhiên liệu thay thế chiếm 6% số đăng ký xe mới ở châu Âu năm ngoái, tăng so với con số 4,8% năm 2017, theo công ty nghiên cứu thị trường ôtô JATO.
Na Uy đang hướng đến mục tiêu chỉ bán ôtô điện vào 2025, trong khi Ấn Độ nhắm đến việc sử dụng xe điện hoàn toàn vào 2030.
Điều này đặt các hãng xe vào cuộc đua đáp ứng thị trường. Volkswagen ngày 12/3 tuyên bố rằng sẽ bán 22 triệu ôtô điện trong 10 năm tới, so với mục tiêu 15 triệu trước đó, và hãng này cũng sẽ hướng đến mục tiêu carbon trung tính (trung hòa tác động tiêu cực của khí thải carbon lên biến đổi khí hậu và môi trường) vào năm 2050.
Mức đầu tư cần thiết cho việc chế tạo ô tô điện làm tăng thêm áp lực giá bán cho nhà sản xuất, trong một số trường hợp, không đủ để mang lại lợi nhuận ở châu Âu.
Để biện minh cho việc đóng cửa nhà máy ở Swindon, Honda nói hãng cần phải tập trung vào điện khí hoá. "Những thách thức đáng kể của công cuộc điện khí hoá sẽ khiến Honda điều chỉnh lại số cơ sở sản xuất trên toàn cầu và tập trung vào những vùng có khả năng mang lại sản lượng cao", hãng thông báo.
Trung Quốc đang dẫn đầu trong lĩnh vực chế tạo ôtô điện
Khi các hãng ôtô đầu tư hàng tỷ USD cho việc giành giật thị phần ôtô điện, nhiều hãng lại đang trông cậy vào Trung Quốc, nơi sản xuất và tiêu thụ ôtô điện lớn nhất thế giới.
Trung Quốc muốn năm 2025, cứ năm chiếc xe bán ra sẽ có một chiếc chạy bằng nhiên liệu thay thế, nước này cũng chính thức tuyên bố sẽ xoá bỏ động cơ đốt trong ở toàn bộ các mẫu xe mới. Quy định của nước này cũng yêu cầu các nhà sản xuất bán nhiều ôtô sử dụng năng lượng thay thế nếu họ muốn tiếp tục bán các mẫu thông thường. Điều này thúc đẩy các hãng xe định hướng lại nơi mà họ muốn chế tạo và phát triển ôtô.
Tesla đã mở một nhà máy tại Trung Quốc. Volkswagen năm ngoái ký hợp đồng với Anhui Jianghuai Automobile Group để phát triển xe điện. General Motors biến Trung Quốc thành trung tâm nghiên cứu và phát triển xe chạy điện, trong khi hai hãng Renault-Nissan và Ford cũng đã thành lập liên doanh xe chạy điện tại đây.
Ngành công nghiệp ôtô dần trở nên chật chội
Xe được vận chuyển tại nhà máy của Volkswagen ở Wolfsburg, Đức. Ảnh: VW
Trong nỗ lực chiếm thị phần trong thị trường xe điện đang phát triển, các hãng xe truyền thống không chỉ phải ganh đua với nhau mà còn phải cạnh tranh với cả các hãng công nghệ.
Uber, Alphabet (tập đoàn mẹ của Google) và Tesla đang đổ tiền vào xe chạy điện và xe tự động, khi tái định hướng phương thức con người di chuyển với các dịch vụ vận tải. Tình thế này bắt buộc các hãng đối thủ phải hợp sức với nhau, hoặc kết hợp với các hãng công nghệ, nếu không muốn bị lạc hậu.
Ford và Volkswagen vào tháng 1 đã hình thành một liên minh nhằm chia sẻ công nghệ xe chạy điện và xe tự lái, để tiết kiệm tiền.
BMW và Daimler trong tháng 2 thông báo rằng họ sẽ đầu tư chung 1 triệu Euro vào liên doanh tập trung cung ứng các dịch vụ như chia sẻ xe và các trạm sạc điện. Audi, BMW và Daimler đã hợp tác để mua một công ty bản đồ số. Daimler cũng kết hợp cùng Uber trong lĩnh vực xe tự động.
BMW đang làm việc cùng hãng sản xuất chip Intel và Mobileye, một công ty công nghệ Israel, nhằm phát triển một dòng xe tự lái. Hãng này cũng tham gia cùng IBM nhằm ứng dụng trí tuệ nhân tạo lên ôtô theo thị hiếu người tiêu dùng.
Fiat Chrysler cũng đang hợp tác với Google trong lĩnh vực xe tự lái, General Motors đầu tư 500 triệu USD vào Lyft (ứng dụng cung cấp dịch vụ vận tải), và Volvo đã cung cấp khung xe cho các bài kiểm tra ôtô không người lái của Uber.
Sự thay đổi này đã đẩy mạnh cải cách và tăng thêm chi phí, Peter Wells, giáo sư ở Trung tâm Nghiên cứu Công nghiệp Ôtô thuộc Cardiff Business School tại Wales, nhận xét. Điều này thúc đẩy các công ty nghiên cứu kỹ lưỡng liệu họ có nên duy trì hoạt động ở những thị trường không có hy vọng phát triển và ngày càng trở nên khó đáp ứng hay không.
"Các hãng xe trên toàn thế giới đang phải tự xét lại vị trí của chính họ", Wells nói.
Nguồn VNE (Theo New York Times)