Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Các nhà lãnh đạo thế giới nhóm họp trong bối cảnh 3 cuộc chiến và nguy cơ xung đột Trung Đông
Thứ ba: 19:15 ngày 24/09/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Ngày 24/9, các nhà lãnh đạo thế giới bắt đầu cuộc họp thường niên tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ), trong bối cảnh sự chia rẽ toàn cầu gia tăng, 3 cuộc chiến lớn ở Dải Gaza, Ukraine và Sudan, và nguy cơ một cuộc xung đột lớn hơn ở khu vực Trung Đông.

Thế giới đang trật khỏi đường ray

Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã trình bày bài phát biểu khai mạc về “Tình trạng Thế giới” trước các tổng thống, thủ tướng, quốc vương và bộ trưởng tại Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai sáng 23/9 (giờ Việt Nam), nói rằng “thế giới của chúng ta đang trật khỏi đường ray và chúng ta cần những quyết định mạnh mẽ để quay trở lại đúng hướng”.

Ông Guterres nói rằng, các cuộc xung đột “đang bùng nổ và lan rộng, từ Trung Đông đến Ukraine và Sudan, không có dấu hiệu kết thúc”. Theo ông, hệ thống an ninh toàn cầu đang “bị đe dọa bởi sự chia rẽ địa - chính trị, vị thế hạt nhân, và sự phát triển của vũ khí và các chiến trường mới”.

Tổng Thư ký LHQ cũng đề cập đến sự bất bình đẳng lớn, sự thiếu hụt một hệ thống toàn cầu hiệu quả để đối phó với các mối đe dọa mới nổi, cũng như tác động tàn phá của biến đổi khí hậu.

Tổng Thư ký LHQ António Guterres phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai, ngày 22/9/2024 tại trụ sở LHQ ở thành phố New York của Mỹ. Ảnh: AP.

Một khoảnh khắc đáng chú ý tại cuộc họp khai mạc hôm 24/9 là sự xuất hiện có thể là lần cuối trên sân khấu thế giới của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield nói với các phóng viên tuần trước rằng, trọng tâm của Mỹ trong cuộc họp sẽ là chấm dứt “tai họa của chiến tranh”, bày tỏ tiếc nuối rằng khoảng 2 tỷ người đang sống trong các khu vực bị ảnh hưởng bởi xung đột.

Bà Thomas-Greenfield nói: “Những người dễ bị tổn thương nhất trên toàn thế giới đang mong đợi chúng ta tiến bộ, thay đổi và mang lại hy vọng cho họ”.

Trong số những người phát biểu vào ngày khai mạc có Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, Vua Jordan Abdullah II và Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian.

Tổng thống Iran cáo buộc Israel đang tìm cách gây ra một cuộc chiến rộng lớn hơn ở Trung Đông và đặt “bẫy” để lôi kéo đất nước ông vào một cuộc xung đột quy mô hơn. Ông Pezeshkian nhắc đến các vụ nổ máy nhắn tin, bộ đàm và các thiết bị điện tử khác ở Li-băng tuần trước, và vụ ám sát lãnh đạo chính trị của Hamas, Ismail Haniyeh, tại Tehran ngày 31/7, chỉ vài giờ sau khi ông nhậm chức tổng thống.

“Chúng tôi không muốn chiến đấu. Chính Israel muốn kéo mọi người vào cuộc chiến và làm mất ổn định khu vực… Họ đang kéo chúng tôi đến một điểm mà chúng tôi không muốn đi”, Tổng thống Iran nói. Iran ủng hộ cả Hamas ở Dải Gaza và các chiến binh Hezbollah ở Li-băng.

Hệ thống phòng không Iron Dome (Vòm Sắt) của Israel khai hỏa để đánh chặn rốc-két phóng từ Li-băng, nhìn từ thành phố Haifa ở miền bắc Israel, ngày 23/9/2024. Ảnh: AP.

Lẽ phải tạo nên sức mạnh hay sức mạnh tạo nên lẽ phải?

Chủ tịch Ủy ban Cứu trợ Quốc tế, David Miliband, nhớ lại rằng, năm 1945, tại hội nghị ở San Francisco, nơi LHQ được thành lập, Tổng thống Mỹ lúc đó là Harry Truman đã kêu gọi các đại biểu từ chối tiền đề rằng “sức mạnh tạo nên lẽ phải” và đảo ngược nó thành “lẽ phải tạo nên sức mạnh” - điều này được ghi vào Hiến chương LHQ.

“Gần 80 năm sau, chúng ta đã thấy hậu quả khủng khiếp của việc không đảo ngược phương trình này. Trong những bối cảnh như Dải Gaza, Sudan và Ukraine, sức mạnh đang tạo nên lẽ phải”, ông Miliband nói.

Đối mặt với nhu cầu nhân đạo toàn cầu ngày càng tăng, xung đột không kiểm soát được, biến đổi khí hậu không được giảm thiểu và nghèo đói cùng cực ngày càng gia tăng, ông Miliband đặt vấn đề: “Làm thế nào các bạn sẽ củng cố, chứ không làm suy yếu, các nguyên tắc của Hiến chương LHQ trong 80 năm tới?”.

Cuộc họp thường niên của Đại hội đồng LHQ (kết thúc vào ngày 30/9) diễn ra sau Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai kéo dài hai ngày. Hội nghị đã thông qua một kế hoạch nhằm đưa các quốc gia ngày càng chia rẽ trên thế giới xích lại gần nhau để đối phó với các thách thức của thế kỷ 21 từ xung đột và biến đổi khí hậu đến trí tuệ nhân tạo và quyền phụ nữ.

“Hiệp ước cho tương lai” dài 42 trang thách thức các nhà lãnh đạo của 193 quốc gia thành viên LHQ biến những lời cam kết thành hành động thực tế để tạo ra sự khác biệt đối với cuộc sống của hơn 8 tỷ người trên thế giới. “Chúng ta ở đây để đưa chủ nghĩa đa phương trở lại từ bờ vực”, ông Guterres phát biểu.

Bằng cách thông qua hiệp ước, các nhà lãnh đạo đã mở cánh cửa. “Bây giờ, đó là định mệnh chung của chúng ta để bước qua. Điều đó đòi hỏi không chỉ sự đồng thuận mà còn cả hành động”, Tổng Thư ký LHQ nói.

Một chiến binh ở Sudan. Ảnh: AFP.

Tại cuộc họp toàn cầu của LHQ năm ngoái, Ukraine và Tổng thống Volodymyr Zelensky đã trở thành tâm điểm. Nhưng khi kỷ niệm một năm vụ tấn công chết người của Hamas ở miền nam Israel ngày 7/10/2023 đang đến gần, sự chú ý chắc chắn sẽ hướng đến cuộc chiến ở Dải Gaza và bạo lực leo thang dọc theo biên giới Israel – Li-băng đang có nguy cơ lan rộng ra toàn bộ khu vực Trung Đông.

Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas dự kiến sẽ phát biểu vào sáng 25/9 (giờ Mỹ) và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vào chiều cùng ngày.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và các quân nhân. Ảnh: Getty Images.

Tổng thống Zelensky sẽ có hai lần trở thành tâm điểm. Ông sẽ phát biểu vào chiều 24/9 tại một cuộc họp cấp cao của Hội đồng Bảo an LHQ do Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Malta, Hàn Quốc và Anh triệu tập, với sự tham dự của các bộ trưởng ngoại giao. Ông cũng sẽ phát biểu tại Đại hội đồng vào sáng 25/9.

Nguồn TPO

Tin cùng chuyên mục