Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Cách mạng công nghiệp 4.0: Áp lực chuyển hướng đào tạo nguồn nhân lực
Thứ năm: 15:06 ngày 29/06/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Một trong những vấn đề được các quốc gia quan tâm hàng đầu là sự dịch chuyển cơ cấu ngành nghề, trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0).

Cách mạng công nghiệp 4.0:  Áp lực chuyển hướng đào tạo nguồn nhân lực

Sẽ có những ngành nghề tăng trưởng và những ngành nghề bước vào giai đoạn suy thoái. Dự báo này đang trở thành áp lực để cơ sở giáo dục nghề nghiệp chuyển hướng đào tạo nguồn nhân lực, thích ứng với yêu cầu thị trường lao động trong CMCN 4.0

Khủng hoảng lao động

Những ưu thế về lực lượng lao động trẻ dồi dào và chi phí thấp của các nước đang phát triển như Việt Nam sẽ không còn là thế mạnh. Theo ước tính của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) có đến 86% lao động cho các ngành Dệt may và Giày dép của Việt Nam có nguy cơ cao mất việc làm dưới tác động của những đột phá về công nghệ do cuộc CMCN 4.0.

Nguy cơ này có thể chuyển thành con số thiệt hại không nhỏ khi các ngành như dệt may, giày dép đã tạo ra số lượng lớn việc làm cho lao động trong nước. Trong 20 năm qua, tổng số lao động Việt Nam đã tăng thêm khoảng 19 triệu người, từ mức 35 triệu người năm 1996 lên 54 triệu người năm 2016. Tuy nhiên, khi máy móc làm thay con người, sự dôi dư nguồn nhân lực sẽ trở thành lực cản của quá trình phát triển trong tương lai.

Ngược lại, với ngành Công nghệ thông tin (CNTT) tại Việt Nam, theo báo cáo mới đây của Vietnamworks, nhu cầu nhân sự ngành CNTT đang ở mức cao nhất trong lịch sử với gần 15.000 việc làm được tuyển dụng trong năm 2016. Ước tính sẽ có gần 80.000 sinh viên CNTT bước vào thị trường lao động trong hai năm, 2017 và 2018, tuy nhiên so với nhu cầu tính đến cuối năm 2018, Việt Nam vẫn sẽ thiếu khoảng 70.000 nhân lực về CNTT. Nếu tính tới năm 2020, số nhân lực thiếu hụt sẽ lên tới hơn 500.000 người.

Cùng với đó, các ngành khác như: Điện - Điện tử, Cơ khí, Tự động hóa... cũng đang thiếu hụt nhân lực ngay trong thời điểm hiện tại và dự báo trong tương lai, nguồn nhân lực các ngành này cũng chưa thể đáp ứng kịp nhu cầu thị trường lao động.

Xác định mô hình đào tạo mới

Các chuyên gia cho rằng, cuộc CMCN 4.0 sẽ tạo ra những bước đột phá về năng suất lao động và phát triển nhân lực chất lượng cao, các doanh nghiệp sẽ đòi hỏi sự thay đổi về trình độ và năng lực của người lao động để đáp ứng yêu cầu sản xuất mới.

Tuy nhiên, nguồn nhân lực hiện nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường, một phần do hệ thống đào tạo vẫn còn áp dụng nhiều công nghệ cũ trong công tác giảng dạy, chương trình, giáo trình đào tạo mới cũng chưa được cập nhật thường xuyên... Những hạn chế cho thấy, đào tạo nghề đang đứng trước áp lực không nhỏ trong việc chuyển hướng đào tạo phù hợp với thị trường lao động.

TS Nguyễn Hồng Minh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, hệ thống giáo dục nghề nghiệp đang trong giai đoạn đổi mới, nâng cao chất lượng và con đường để đi đến thành công là đào tạo phải gắn với việc làm, đáp ứng được yêu cầu của người sử dụng lao động, của các doanh nghiệp.

Các trường cần tự chủ về nhiệm vụ, về kế hoạch, về các hoạt động. Tự chủ về tổ chức, bộ máy, biên chế của trường và tự chủ về tài chính theo hướng dùng cơ chế đặt hàng theo chuẩn đầu ra của học sinh, sinh viên tốt nghiệp.

Theo các chuyên gia, việc xác định lại mô hình đào tạo nghề cần được cấp thiết tiến hành. Nâng cao chất lượng lao động, cần chuyển đổi mạnh mẽ sang mô hình đào tạo những gì thị trường cần và hướng tới chỉ đào tạo những gì thị trường sẽ cần. Với mô hình mới này, việc gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp là yêu cầu được đặt ra.

Trong khuôn khổ Hội nghị Quan chức cao cấp APEC lần thứ 2 diễn ra mới đây, các chuyên gia nhận định, nền kinh tế APEC trong đó có Việt Nam sẽ phải đối mặt với nguy cơ dư thừa lao động ở một số ngành nghề. Vì vậy, liên kết để tạo ra môi trường cho sự luân chuyển và trao đổi lao động đang là giải pháp mà các nền kinh tế APEC hướng tới.

Kinh nghiệm của các chính phủ trong nền kinh tế APEC là tạo ra môi trường để người lao động có thể tiếp cận được, có thể sống được, hòa nhập được trong giai đoạn thế giới trải qua cuộc CMCN 4.0.

Nguồn GD&TĐ

Tin cùng chuyên mục