Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Cách mạng tháng Mười Nga và những giá trị còn mãi
Thứ hai: 00:15 ngày 04/11/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Năm nay nhân loại tiến bộ trên thế giới sẽ kỷ niệm 99 năm cuộc cách mạng vĩ đại này - cuộc cách mạng “long trời lở đất” làm “rung chuyển thế giới” đã “biến người nô lệ thành người tự do”.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế”. Năm nay nhân loại tiến bộ trên thế giới sẽ kỷ niệm 99 năm cuộc cách mạng vĩ đại này - cuộc cách mạng “long trời lở đất” làm “rung chuyển thế giới” đã “biến người nô lệ thành người tự do”.

Cách mạng tháng Mười Nga mở ra thời đại mới, thời đại giải phóng các dân tộc khỏi ách nô dịch của chủ nghĩa thực dân, đế quốc (Ảnh minh hoạ)

Cuộc cách mạng thay đổi vận mệnh người dân lao động

Cách mạng tháng Mười Nga không chỉ làm thay đổi vận mệnh người dân Nga mà còn là động lực góp phần làm thay đổi số phận của nhiều dân tộc trên thế giới. Cách mạng tháng Mười Nga đã biến nước Nga Sa Hoàng lạc hậu thành một siêu cường đứng đầu hệ thống xã hội chủ nghĩa.

Không những chỉ đưa người dân Nga trở thành người chủ thật sự của đất nước, Cách mạng tháng Mười Nga và sự xuất hiện của nhà nước Xô-viết hùng cường sau đó đã trở thành chỗ dựa vững chắc, thành nguồn cổ vũ động viên to lớn đối với các dân tộc trên thế giới để đứng lên chống ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc, giành độc lập dân tộc, bảo vệ hoà bình thế giới. Các nhà chính trị học, nhà nghiên cứu quốc tế đã nhiều lần đặt ra giả thuyết rằng nếu không có Cách mạng tháng Mười Nga, lịch sử nhân loại sẽ như thế nào.

Lịch sử không có chữ nếu, nhưng nếu không có cuộc cách mạng vĩ đại này, liệu thế giới có được như hôm nay? Nhiều dân tộc trên thế giới liệu có còn hay đã bị diệt chủng dưới chủ chủ nghĩa Phát xít? Chỉ riêng Chiến tranh thế giới thứ hai, nhân dân Liên Xô anh hùng đã hy sinh 57 triệu người trong cuộc vệ quốc vĩ đại.

Lá cờ chiến thắng mà Hồng Quân Liên Xô cắm trên nóc nhà Quốc hội Đức quốc xã không chỉ kết thúc một triều đại, một chủ nghĩa tàn độc mà còn cứu nhân loại thoát khỏi hoạ diệt vong. Hiện nay, chủ nghĩa tư bản ở các quốc gia trên thế giới, nhất là các nước châu Âu đã biến đổi nhiều nên nó được gọi là chủ nghĩa tư bản thích nghi.

Trong các nước này, rất nhiều các quyền dân sinh, dân chủ, quyền con người được đề cao; nhiều chính sách về xã hội rất ưu việt… Chủ nghĩa tư bản ấy không còn là chủ nghĩa tư bản mà Marx đã chỉ ra, nó hẳn nhiên không phải là chủ nghĩa đế quốc tàn bạo đã giết hại 150 triệu người trong thời kỳ mà nó tự tung, tự tác khắp thế giới.

Thế nhưng có một điều hiển nhiên mà cho dù những ai chống đối nhất cũng phải công nhận rằng nhờ cuộc Cách mạng vĩ đại tháng Mười Nga mà thế giới đã được thiết lập lại trật tự, nhờ cuộc cách mạng này mà chủ nghĩa tư bản đã thích nghi và thay đổi, nhờ cuộc cách mạng vĩ đại này mà các quyền tối thượng thiêng liêng của con người ngày càng được tôn trọng và đề cao…

Ngọn đuốc soi đường cho nhân dân Việt Nam

Có lẽ trong lịch sử hàng năm của dân tộc Việt Nam, những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX là giai đoạn đen tối của tiền đồ dân tộc. Trong bối cảnh mất nước và bị nô lệ khi ấy, hàng loạt sĩ phu, những trí thức đương thời và cả những lãnh tụ khởi nghĩa nông dân đã trăn trở, suy tư hoặc vùng lên những mong cứu dân tộc thoát khỏi gông cùm nô lệ. Tất cả các phong trào yêu nước trước sau đều bị đàn áp dã man và bị kẻ thù dìm trong biển máu. Tất cả những thất bại ấy sau này đã được lịch sử chứng minh do không có con đường cứu nước đúng đắn, không có một chính đảng tiền phong lãnh đạo.

Trong “ngõ cụt” của con đường đấu tranh chống thực dân xâm lược, giành lại độc lập cho Tổ quốc ấy, một vì sao sáng đã xuất hiện trên bầu trời Việt Nam - Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Khâm phục các cụ Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Chu Trinh và Phan Bội Châu, nhưng không hoàn toàn tán thành cách làm của một ai trong số các bậc tiền bối này.

Người từng nói: “Tôi muốn đi ra ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta”. Sau này, vào năm 1923, khi gặp nhà thơ Nga nổi tiếng Osip Emilyevich Mandelstam, Hồ Chí Minh cho biết: “Vào trạc tuổi mười ba, lần đầu tiên tôi được nghe những từ tự do - bình đẳng - bác ái. Đối với chúng tôi, người da trắng nào cũng là người Pháp.

Người Pháp đã nói thế và từ thuở ấy, tôi muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những từ ấy”. Một sự kiện không chỉ gây chấn động toàn thế giới mà còn có ảnh hưởng sâu sắc đến Nguyễn Ái Quốc: Cách mạng tháng Mười Nga thành công, lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, những người nô lệ đứng lên tự giải phóng cho mình. Nguyễn Ái Quốc đi sâu tìm hiểu cách mạng Xã hội chủ nghĩa tháng Mười Nga. Để xây dựng tổ chức, Người đã tổ chức lại Hội Những người Việt Nam yêu nước bao gồm rất nhiều những người Việt có uy tín trên đất Pháp.

Thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga (1917) đã thức tỉnh các dân tộc thuộc địa trên thế giới, thức tỉnh những người nô lệ trên khắp năm châu. Từ cổ vũ và thôi thúc của Cách mạng tháng Mười Nga, Quốc tế Cộng sản - Quốc tế III do Lenin sáng lập ra đời.

Một trong những sự kiện quyết định đến sự lựa chọn dứt khoát con đường của cách mạng Việt Nam đó là khi Nguyễn Ái Quốc được tiếp xúc với “Luận cương về các vấn đề thuộc địa và dân tộc” của Lenin. Sau đó, Nguyễn Ái Quốc đã dứt khoát tán thành Quốc tế thứ ba và hoàn toàn tin theo Lenin.

Luận cương của Lenin đã giúp Nguyễn Ái Quốc khẳng định: Chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ. Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác hơn là con đường cách mạng vô sản.

Luận cương của Lenin đã chỉ cho Nguyễn Ái Quốc con đường giành độc lập cho dân tộc và tự do cho đồng bào. Khi kể lại sự kiện quan trọng đó, Người nói: “Luận cương của Lenin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên.

Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đoạ đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”! Từ đó, tôi hoàn toàn tin theo Lenin, tin theo Quốc tế thứ ba”. Đối với nhân dân Việt Nam, cuộc Cách mạng tháng Mười Nga đã mở ra cho dân tộc Việt Nam con đường đấu tranh giành lại độc lập, giành lại quyền làm người.

Ảnh hưởng to lớn của Cách mạng tháng Mười Nga đối với cách mạng Việt Nam đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chủ nghĩa Lenin là lực lượng tư tưởng hùng mạnh chỉ đạo Đảng chúng tôi, làm cho Đảng chúng tôi có thể trở thành hình thức tổ chức cao nhất của quần chúng lao động, hiện thân của trí tuệ, danh dự và lương tâm của dân tộc chúng tôi”.

Đi theo con đường của Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại, những người cộng sản và nhân dân Việt Nam đã làm nên cuộc Cách mạng tháng Tám vĩ đại trong lịch sử dân tộc, giành chính quyền về tay nhân dân; đấu tranh bền bỉ và ngoan cường để giữ vững độc lập và thống nhất Tổ quốc và nay đang phấn đấu đưa Việt Nam ngày càng văn minh, giàu đẹp.

Lý tưởng Cách mạng tháng Mười Nga sáng mãi

Sau sự sụp đổ của Liên Xô, thế giới đã bước vào một thời kỳ mới đầy bất ổn. Có những thời điểm, lý tưởng của Cách mạng tháng Mười Nga đã bị lên án, bị phỉ báng một cách đầy hằn học. Thế nhưng càng ngày, càng có nhiều những đánh giá khách quan hơn về cuộc cách mạng này. A. Dinoviep, một người từng chống đối Nhà nước Xô-viết và sau đó bị ngồi tù dưới thời Liên Xô, sống lưu vong tại Mỹ cho rằng: “Những thành tựu của chủ nghĩa Cộng sản Xô-viết do Lênin mở đầu đã thấm vào máu thịt của loài người....

Nhờ có cuộc cách mạng vô sản và tất cả những gì gắn liền với cuộc cách mạng đó mà nhân loại đã được cứu thoát khỏi sự thụt lùi đáng sợ nhất, thoát khỏi sự suy tàn, thoái hoá”. Tổng thống Nga Putin từng phát biểu: “Những ai muốn phủ nhận hoàn toàn những thành quả của chế độ Xô-viết, người ấy không có trái tim”.

Khi được hỏi vì sao ông ủng hộ việc sử dụng phần nhạc của Quốc ca Liên Xô cho bản Quốc ca mới của Liên bang Nga, Tổng thống Putin đã trả lời: “Nếu chúng ta xoá bỏ mọi điều đã có từ trước và sau tháng 10.1917, thì có nghĩa chúng ta đã công nhận rằng, cha ông ta đã sống một cuộc đời hoàn toàn vô nghĩa lý. Bằng cả trái tim và trí tuệ, tôi không thể nào đồng ý thế được”.

Kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Mười Nga năm 2007, Ngài S. Mironov, Chủ tịch Thượng viện Nga viết: Đại thi hào Nga Puskin trong thư gửi Chadayep (một nhà tư tưởng và chính luận Nga) từng viết: dẫu trong đời sống nước Nga có nhiều vấn đề làm nhà thơ đau buồn, thậm chí bị xúc phạm, nhưng không vì bất kỳ điều gì trên thế giới này mà nhà thơ “muốn thay đổi Tổ quốc, hay muốn có những trang sử khác với lịch sử của tổ tiên”.

Nên chăng, chúng ta cần có một thái độ như vậy đối với Cách mạng tháng Mười 1917 và toàn bộ thời kỳ Xô viết sau đó. Ngài S. Mironov cũng cho rằng “Hoà bình cho các dân tộc”, “Ruộng đất cho nông dân”, “Bánh mì cho người đói”, “Tự do cho người nô lệ”... Ai có thể nói tự thân những câu khẩu hiệu phản ánh nhu cầu của đại đa số quần chúng này lại không đúng và thấu đạo lý? Không thể không nói thêm: Người Nga hôm nay vẫn luôn bày tỏ, vẫn tin vào CNXH, họ đồng loạt ký vào lời kêu gọi giữ thi hài Lenin trong Quảng trường Đỏ, để chiến hạm Rạng Đông tiếp tục neo đậu trên sông Neva, để những ngôi sao đỏ vẫn sáng trên những ngọn tháp Điện Cremli (Kremlin- NV), biểu tượng Búa liềm còn mãi trên ngọn cờ Chiến thắng...”.

Một cuộc thăm dò dư luận được tổ chức vào ngày 12.1.2008 của Trung tâm Phân tích Levada đã cho thấy: 57% số người dân Nga được hỏi ý kiến cho rằng: Cách mạng tháng Mười Nga đã đem lại lợi ích cho nhân dân Nga; 26% người được hỏi tin tưởng: cách mạng đã mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử nước Nga; 31% cho rằng Cách mạng đem đến sự nhảy vọt cho nền kinh tế và xã hội Nga.

Trong khi đó, số người cho rằng Cách mạng tháng Mười kìm hãm sự phát triển của nhân dân chỉ có 16%. Những người cho Cách mạng tháng Mười Nga là một tai hoạ đối với họ chỉ có 15%. Năm 2020, Trung tâm Phân tích Levada tiếp tục mở muộc thăm dò dư luận để nắm bắt ý kiến của người Nga về quan điểm đối với chế độ Xô-viết vào năm 2020. Kết quả “có tới 70% người dân cho rằng Xô-viết là giai đoạn tốt đẹp nhất trong lịch sử đất nước Nga”.

Có những sự kiện mà lịch sử càng lùi xa càng tôn lên giá trị sáng rỡ hơn, Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917 là một trong những sự kiện này. Là một dân tộc yêu chuộng độc lập, tự do, hoà bình và công lý; là một dân tộc với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”; Đảng, Nhà nước và những người Việt Nam chân chính, thuỷ chung hẳn sẽ luôn nhớ mãi cuộc cách mạng vĩ đại này.

Vũ Trung Kiên

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục