Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Cải cách tiền lương: Tập trung xây dựng, thông qua Đề án vị trí việc làm
Thứ sáu: 09:30 ngày 15/03/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện cải cách chính sách tiền lương là sớm hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án vị trí việc làm trong năm 2019 trên cơ sở nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy gắn với tinh giản biên chế.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: VGP/Thành Chung

Sáng 14/3, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công chủ trì phiên họp để rà soát, đôn đốc triển khai các nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết số 27 về cải cách chính sách tiền lương từ năm 2021.

Đây là Nghị quyết chuyên đề đầu tiên của Trung ương Đảng về cải cách tiền lương từ trước tới nay, bắt đầu thực hiện từ năm 2021. Từ nay tới hết năm 2020, Chính phủ vẫn tiếp tục điều chỉnh tăng lương cơ bản mỗi năm 7% theo Nghị quyết của Quốc hội, sau đó từ 2021 trở đi sẽ cải cách căn bản chính sách tiền lương mà nội hàm bao gồm trong khu vực hành chính nhà nước (trả lương theo vị trí việc làm và chức danh, chức vụ lãnh đạo), trong khu vực doanh nghiệp thì thực hiện ngang bằng nhau với khối doanh nghiệp nhà nước và ngoài nhà nước (loại trừ lương người đại diện chủ sở hữu, người làm công tác quản lý).

Trên cơ sở Nghị quyết số 27 của Trung ương và Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu trong năm nay và năm 2020, các bộ, ngành và địa phương phải chuẩn bị khung khổ thể chế để thực hiện cải cách, trong đó quan trọng nhất là xây dựng và phê duyệt Đề án vị trí việc làm, chức danh chức vụ cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang. Việc thiết kế hệ thống thang bảng lương thì phải thiết kế thang bảng lương nói chung và hệ thống thang, bảng lương của các chức danh tương đương trong hệ thống chính trị; tính toán chuyển lương cũ sang lương mới...

“Trong quá trình chuẩn bị Đề án, nhiều vấn đề về cải cách lương đã sáng tỏ và được giải trình cụ thể nhưng giờ cần phải cụ thể hoá. Nhưng khó khăn nhất là ta đang chuẩn bị cơ sở cho cải cách lương trong bối cảnh chuẩn bị xây dựng văn kiện Đại hội Đảng các cấp nên việc này làm càng sớm càng tốt, càng có dư địa để bàn thảo kỹ”, Phó Thủ tướng nêu tinh thần với các bộ, ngành.

Về mối quan tâm lớn nhất của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ là xây dựng Đề án vị trí việc làm, Phó Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần của Nghị quyết 27 là Đề án phải bảo đảm nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của bộ máy gắn với tinh giản biên chế (mỗi năm giảm 2,5% biên chế), không chấp nhận xây dựng, phê duyệt Đề án vị trí việc làm nhưng biên chế vẫn tăng, không bảo đảm được mục tiêu.

“Nhìn chung, ở khối tư nhân, một người làm lái xe, kiêm cả thư ký, giúp việc, kiêm nhiều việc khác nhau. Còn khối Nhà nước thì một vị trí có ngày làm tới 1,5 hoặc 2 ca mà phải có 2 biên chế thì không được. Pháp luật còn cho phép làm thêm giờ cũng như chi trả lương thưởng thì không thể áp dụng máy móc thế được”, Phó Thủ tướng dẫn thực tế hiện nay và đề nghị Bộ Nội vụ kế thừa kinh nghiệm triển khai từ trước tới nay, chọn lọc kinh nghiệm quốc tế phù hợp chứ không máy móc áp dụng với Việt Nam để rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp lý vị trí việc làm, tiêu chí đánh giá cán bộ công chức, viên chức gắn với vị trí việc làm.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao Bộ Y tế, Bộ LĐTB&XH và TP. Hà Nội đã triển khai xây dựng vị trí việc làm hiệu quả, đồng thời yêu cầu Bộ Nội vụ nghiên cứu, nhân rộng cách làm hay ra các địa phương, bộ, ngành khác.

Ảnh: VGP/Thành Chung

Trưởng Ban chỉ đạo cũng lưu ý Bộ Nội vụ chủ động phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương xây dựng các chức danh lãnh đạo từ Trung ương tới cơ sở và phân loại tương đương các chức danh trong hệ thống chính trị để Bộ Chính trị sớm trình Trung ương cho ý kiến vào cuối năm nay.

Về nguồn lực chuẩn bị cho cải cách tiền lương, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng lưu ý Bộ Tài chính và các địa phương tập trung các nguồn lực tài chính dành cho cải cách lương, kể cả nguồn vượt thu ngân sách Trung ương và địa phương từ 2018-2020 để tăng lương, không để xảy ra tình trạng các địa phương xin dùng nguồn cải cách lương để chi cho việc khác.

“Bên cạnh thực hiện tinh gọn bộ máy, đổi mới hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập thì vẫn phải có nguồn tiền cụ thể mới thực hiện được cải cách lương. Không thể để Nghị quyết Trung ương đặt ra yêu cầu mà không thực hiện được trong thực tiễn hoặc điều chỉnh lương không đáng được bao nhiêu, không đáp ứng được kỳ vọng của công chức, viên chức và người lao động”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Nguồn chinhphu

Tin cùng chuyên mục