Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Cái cúp của ba
Thứ bảy: 09:05 ngày 18/09/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Cúp có hai đầu, với các chức năng chính hoàn toàn khác nhau. Một đầu có lưỡi sắc bén (như lưỡi búa bửa củi) dùng để bửa củi, chặt rễ cây. Đầu còn lại dẹt, như lưỡi cuốc nhỏ (nhưng cứng hơn lưỡi cuốc rất nhiều) dùng để đào đất cứng, moi sỏi đá nhỏ...

Lò rèn Nam bộ xưa (ảnh tư liệu)

Xưa kia, nhà tôi nghèo lắm. Sống ở nông thôn, bên bờ một dòng rạch, có cánh đồng bưng rộng lớn, khổ nỗi, nhà tôi không có được miếng ruộng nào cấy lúa, cũng không có đám đất đồng nào để trồng hoa màu. Để nuôi sống gia đình, ba đi làm ruộng mướn.

Lúc nông nhàn, sẵn có nghề thợ mộc, ba đạp xe khắp làng trên, xóm dưới đóng đồ thuê. Chắc ai cũng biết, muốn làm ruộng, hoặc làm thợ mộc, ngoài sức khoẻ tốt, đôi tay khéo, người lao động nhất định phải có các loại dụng cụ phù hợp.

Vì vậy, khi ấy trong nhà tôi lúc nào cũng có cái cuốc tai tượng (cuốc lớn để cuốc lật đất, đấp bờ ruộng), cái phảng (phát cỏ, năn, chặt bờ..), liềm (cắt lúa), bồ (đập lúa)… cùng với cưa, rựa, rìu, búa, bào, khoan, đục, xà beng… và một cái cúp nữa.

Hồi đó quê tôi chưa có điện, cũng chưa có bếp gas, đun nấu (gọi chung là chụm lửa) gì cũng dựa vào bếp củi (cũng có người lò xô (bếp dầu lửa), hoặc lò trấu, nhưng rất ít).

Để có củi chụm, nhà nào có cây trồng thì mé nhánh, hoặc đốn cây già cỗi, chết khô; khấm khá chút thì mua củi ở các vựa; còn nhà nghèo thì đi mót củi, ngụp lặn theo mé rạch, mò cây ngã đổ lâu năm, vùi trong bùn đất. Gia đình tôi cũng thuộc dạng khó khăn, một mình ba “chạy gạo” cho cả nhà đã là vất vả lắm rồi.

Không có thời gian mót củi, cũng không có tiền để mua củi suôn, củi tốt ở vựa, ba tôi có cách mua củi giá rẻ, cũng có khi không mất tiền, mà nhà tôi vẫn có củi chụm quanh năm. Ba tôi mua gốc cây, rồi ra sức đánh gốc, bửa ra, gánh về nhà chụm.

Lúc ấy, quê tôi còn đất rộng, người thưa, có nhiều cây ăn trái (xoài, mít, me, vú sữa..) lâu năm to lớn và già cỗi, cũng như nhiều loại cây lấy gỗ (do người ta trồng) và nhiều cây tạp làm củi (do tự nó lên, chủ đất gìn giữ). Chủ cây bán cho những người mua làm củi, cột nhà, hay xẻ ván…

Khi hạ cây, người mua cắt cây sát gốc, lấy phần thân và cành nhánh của cây, bỏ lại phần gốc và rễ cho chủ cây. Để trống đất, trồng cây khác, hoặc dùng vào việc gì đó, chủ gốc cây bán rẻ, hoặc cho không phần gốc, rễ cây.

Ba tôi là khách hàng thường xuyên của chủ những gốc cây trong làng. Để “đào tận gốc, trốc tận rễ” những gốc cây ấy, ba đặt thợ rèn làm một cái cúp có độ dài, độ lớn và trọng lượng vừa sức của ba.

Cúp có hai đầu, với các chức năng chính hoàn toàn khác nhau. Một đầu có lưỡi sắc bén (như lưỡi búa bửa củi) dùng để bửa củi, chặt rễ cây. Đầu còn lại dẹt, như lưỡi cuốc nhỏ (nhưng cứng hơn lưỡi cuốc rất nhiều) dùng để đào đất cứng, moi sỏi đá nhỏ...

Ở giữa hai đầu cúp có một lỗ tròn để tra cán. Khi tra cán vào cái cúp có hình chữ T. Để xài lâu bền, cán cúp ba lựa loại gỗ thật cứng, độ dài vừa tầm tay. Có được chiếc cúp sắc bén, cứng cáp, vừa sức, vừa tầm, ba không ngán ngại bất cứ gốc cây nào. Từ loại mềm, bở như gốc xoài, gốc duối, gốc trâm… đến loại xương xẩu, cứng còng như gốc me, gốc sao… ba tôi đều đánh bật hết.

Thường những gốc cây lớn, có nhiều rễ lớn thì chủ cây bán, nhưng giá rẻ. Còn gốc nhỏ, gần hư mục và gặp những chủ tốt bụng thì cho không, với điều kiện, sau khi đánh gốc, bốc rễ xong, lấp đất lại cho bằng.

Khi hỏi mua, hoặc được người ta cho gốc cây, ba tranh thủ nghỉ đi làm ruộng, hoặc làm mộc mướn, mà đi đánh gốc cây. Sáng ba dậy thật sớm, xách nước đổ lu… (mẹ tôi mất khi 3 anh chị em tôi còn rất nhỏ, mọi việc từ trong nhà ra đến ngoài đồng, do một mình ba làm), rồi ba ăn vội mấy chén cơm nguội.

Ăn xong, trời tờ mờ sáng, ba mặc chiếc cũ rách, với quần đùi, đầu đội nón mê, tay xách cái cúp, vai quảy cặp chàng (gồm có hai cái ky tròn, trên miệng ky có hai cái quai đối xứng nhau. Quai ky được móc vào hai thanh tre. Phần trên hai thanh tre được cột chụm lại để đưa đòn gánh vào mà gánh đi)…

Đến nơi, ba hạ gánh, cởi áo ra, treo trên một chiếc chàng, rồi mình trần, chân đất, “ra tay” đào xới, chặt bửa. Trước hết, ba dùng đầu cúp dẹt, có bề ngang như lưỡi cuốc nhỏ để móc đất xung quanh rễ cây.

Khi rễ cây lộ nguyên ra, ba trở cúp lại dùng bên có lưỡi bén nhọn (như búa, hoặc rựa) ba chặt rễ cây rời khỏi gốc cây, rồi móc rễ cây lên, thảy ra gần đó. Hết rễ nào ba lần hồi, móc đất chặt rễ khác, cứ như vậy, hết rễ xung đến rễ chính giữa gốc.

Khi móc hết rễ, gốc cây hiện nguyên hình, ba bắt đầu bửa gốc cây. Bửa xong ba chất gốc và rễ vào cặp chàng, mặc áo vào, rồi gánh củi về phơi khô, để dành chụm. Gặp những gốc nhỏ, cây mềm, đất mềm ba làm một buổi, hoặc vài giờ là xong.

Đụng phải các gốc lớn, cây cứng, đất cứng ba làm cả ngày, có khi hai ba ngày mới xong. Đánh mấy gốc lớn, cứng thì rất vất vả, nhưng ba loại khoái hơn, vì được nhiều củi và là củi tốt (chụm cháy lâu tàn).

Hồi đó, ở địa phương tôi có nhiều cây trồng lâu năm già cỗi và nhiều loại cây rừng tự mọc, cao lớn (do chủ đất gìn giữ), nên có nhiều người bán cây. Nhờ vậy mà ba tôi có gốc cây để đánh đều đều, và cũng nhờ đó, mà nhà tôi luôn có củi gốc, củi rễ để chụm. Có lúc tôi trộm nghĩ, giá như hồi đó ở làng tôi có ai đứng ra tổ chức một cuộc thi “đánh gốc cây”, thì chắc chắn ba tôi sẽ nhận được chiếc cúp vàng.

Khi ấy, dù ba tôi không phải thường đi đánh gốc, nhưng cái cúp nhà tôi cũng ít được nghỉ ngơi. Vì ngoài nhà tôi ra, bà con hàng xóm cũng thường đến nhà tôi mượn cúp về bửa củi, hoặc móc gốc cây, đào gò mối…

Năm tháng đi qua, ba tôi già yếu, không còn cầm cúp đánh gốc cây nổi nữa, cũng là lúc quê tôi “có điện, có gas”. Từ khi có điện, nhà tôi và hầu hết người dân quê tôi nấu cơm bằng nồi điện, nấu nước, làm thức ăn bằng bếp gas...

Nhiều hộ đã tiễn bếp lò, ông táo (bếp chụm củi) ra bờ tre, hoặc gốc cây cổ thụ nào đó ngoài đồng. Nhưng cũng còn một số hộ (trong đó có nhà tôi) giữ lại bếp chụm củi, đề phòng khi cúp điện, hoặc hết gas “bất thình lình”.

Có bếp điện, bếp gas, không còn ai “đào gốc, bốc rễ”, nhưng nhà tôi vẫn còn giữ gìn cái cúp, nằm im trong góc nhà, chờ đến ngày tết, ngày đám giỗ, anh chị em tôi đem ra bửa củi chụm lửa nấu nồi bánh tét, bánh ú, bánh ít… Lâu lâu cũng có bà con hàng xóm có công việc cần đến cúp thì đến nhà tôi mượn về dùng.

Giờ thì ba đã già yếu lắm rồi, không còn tự ngồi dậy được, đừng nói chi đến việc đi đứng, bởi ba cũng sắp tròn trăm tuổi. Điều đáng mừng là trí nhớ ba vẫn còn khá tốt. Ba thường kể chuyện cũ cho con cháu nghe, trong đó có chuyện ba đi đánh gốc cây bằng cái cúp rất cứng mà đến giờ nó vẫn còn đó, dù đã mòn vẹt đi nhiều theo năm tháng.

T.L

Tin cùng chuyên mục