Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em
Thứ sáu: 08:19 ngày 04/09/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Suy dinh dưỡng (SDD) là thuật ngữ để chỉ tình trạng thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của cơ thể con người. Hậu quả của việc cơ thể không nhận đủ chất dinh dưỡng là sự suy giảm hoạt động của các cơ quan. Điều này đặc biệt cần lưu ý ở trẻ em- nhất là vào khoảng thời gian trẻ có nhu cầu dinh dưỡng cao từ 6-24 tháng tuổi.

Ảnh minh hoạ internet

Suy dinh dưỡng (SDD) là thuật ngữ để chỉ tình trạng thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của cơ thể con người. Hậu quả của việc cơ thể không nhận đủ chất dinh dưỡng là sự suy giảm hoạt động của các cơ quan. Điều này đặc biệt cần lưu ý ở trẻ em- nhất là vào khoảng thời gian trẻ có nhu cầu dinh dưỡng cao từ 6-24 tháng tuổi.

Theo các chuyên gia nghiên cứu, SDD ở trẻ em thường gây chậm tăng trưởng và hạn chế khả năng hoạt động thể lực. Ở mức độ nặng hơn, SDD còn ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ, trí thông minh, khả năng giao tiếp, làm tăng khả năng mắc nhiều bệnh tật cho trẻ.

Phòng, chống SDD ngay khi mang thai

Phòng, chống SDD trẻ em cần được thực hiện ngay từ khi người mẹ mang thai. Điều đó có nghĩa, mỗi bà mẹ phải chăm sóc tốt sức khoẻ trong suốt giai đoạn mang thai để bảo đảm thai nhi được phát triển toàn diện, đủ chất.

Theo thống kê từ Khoa Sức khoẻ sinh sản thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính đến tháng 6.2020, toàn tỉnh có 72.263 trẻ dưới 5 tuổi. Trong đợt kiểm tra vào tháng 6.2020, số trẻ SDD thể cân nặng theo tuổi là 7.128 trẻ, số trẻ SDD thể chiều cao theo tuổi là 8.635 trẻ.

Bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Hằng, công tác tại Khoa Sức khoẻ sinh sản của trung tâm cho biết, phòng chống SDD cho bà mẹ và trẻ em trong 1.000 ngày đầu đời rất quan trọng, tính từ thời điểm thai nhi bắt đầu hình thành trong bụng mẹ cho đến 2 tuổi.

Phụ nữ mang thai cần bổ sung đầy đủ các dưỡng chất cho mẹ và bé, có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, khám thai định kỳ và bảo đảm không mắc các bệnh có thể lây truyền từ mẹ sang con. Sau khi sinh, người mẹ cần cho con bú sữa mẹ hoàn toàn trong ít nhất 6 tháng đầu đời vì trong sữa mẹ có chứa nhiều vitamin, khoáng chất quan trọng để tạo nên kháng thể phòng nhiều bệnh tật cho trẻ, trong đó có bệnh tiêu chảy, viêm phổi, hen suyễn… rất nguy hiểm.

Bên cạnh đó, việc cho con bú sữa mẹ hoàn toàn ở giai đoạn mới sinh còn giúp kích thích tử cung co thắt, giảm mất máu sau sinh và phát triển tình cảm mẹ con, giúp trẻ phát triển tâm lý hoàn hảo sau này. Trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên, mẹ bắt đầu cho trẻ ăn giặm theo từng lứa tuổi; thường xuyên theo dõi cân nặng, chiều cao của trẻ để kịp thời phát hiện tình trạng SDD ở trẻ. Nếu trẻ rơi vào tình trạng SDD, gia đình sẽ rất vất vả để cải thiện cho trẻ vì đòi hỏi nhiều thời gian, công sức.

Trong những năm qua, nhờ tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao kiến thức dinh dưỡng cho các bà mẹ và phụ nữ mang thai, tỷ lệ SDD trẻ em trên địa bàn tỉnh đã cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, dinh dưỡng cho trẻ vẫn là một chương trình dài cần được các ngành chức năng thường xuyên quan tâm thực hiện.

Bảo đảm dinh dưỡng cho mẹ và bé trong 1.000 ngày đầu đời

Với mục tiêu cải thiện tình trạng dinh dưỡng của phụ nữ có thai và trẻ em dưới 2 tuổi trong 1.000 ngày đầu đời, ngày 25.12.2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1896/QĐ-TTg về Chương trình “Chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời nhằm phòng chống suy dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em, nâng cao tầm vóc người Việt Nam”. Thực hiện quyết định này, ngày 20.8.2020, UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chương trình trên địa bàn tỉnh.

Kế hoạch có 2 mục tiêu: “Cải thiện tình trạng dinh dưỡng của phụ nữ có thai và trẻ em trên địa bàn tỉnh” và “Nâng cao tỷ lệ thực hành về chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời cho người chăm sóc trẻ”. Thời gian triển khai từ năm 2020 đến 2030.

Ảnh minh hoạ internet

Mục tiêu của “Cải thiện tình trạng dinh dưỡng của phụ nữ có thai và trẻ em trên địa bàn tỉnh” là bảo đảm đến năm 2025, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi dưới 20%; tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi dưới 11%, riêng tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số dưới 15%; tỷ lệ trẻ có cân nặng sơ sinh thấp (dưới 2.500g) dưới 8%; tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ có thai dưới 23%.

Đến năm 2030, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi dưới 19%; tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi dưới 10,5%; tỷ lệ trẻ có cân nặng sơ sinh thấp (dưới 2.500g) dưới 7%; tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ có thai xuống dưới 20%.

Đối với mục tiêu “Nâng cao tỷ lệ thực hành về chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời cho người chăm sóc trẻ”, UBND tỉnh yêu cầu đến năm 2025, 80% bà mẹ thực hành cho trẻ bú sớm và 25% bà mẹ cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu; 60% bà mẹ tiếp tục cho trẻ bú mẹ đến khi trẻ được 24 tháng tuổi hoặc lâu hơn; 70% bà mẹ cho trẻ từ 6-24 tháng tuổi ăn bổ sung đúng cách.

Đến năm 2030, 85% bà mẹ thực hành cho trẻ bú sớm và 30% bà mẹ cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu; 70% bà mẹ tiếp tục cho trẻ bú mẹ đến khi trẻ được 24 tháng tuổi hoặc lâu hơn; 80% bà mẹ cho trẻ từ 6-24 tháng tuổi ăn bổ sung đúng cách.

UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành có liên quan nghiên cứu, vận dụng các văn bản chính sách pháp luật đã được ban hành về chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời, trong đó có hỗ trợ phụ nữ có thai, bà mẹ cho con bú và trẻ em dưới 24 tháng tuổi, có chính sách ưu tiên đối với đối tượng ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số.

Xây dựng các chỉ tiêu về dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời và đưa vào hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội của từng địa phương; xây dựng thực đơn dinh dưỡng phù hợp theo nhóm đối tượng và vùng miền; lồng ghép các chỉ tiêu về dinh dưỡng trong chương trình này với các chỉ tiêu về dinh dưỡng của các chương trình liên quan tại địa phương.

Tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát việc xây dựng kế hoạch và hệ thống chỉ tiêu, bố trí kinh phí, thực thi chính sách hỗ trợ phụ nữ có thai, bà mẹ cho con bú và trẻ em dưới 24 tháng tuổi; việc thực hiện Nghị định số 100/2014/NĐ-CP ngày 6.11.2014 của Chính phủ về kinh doanh và sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ, bình bú và vú ngậm nhân tạo.

Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác phối hợp liên ngành trong chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời; chú trọng phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp trong việc thực hiện chương trình. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông và vận động về lợi ích của việc khám thai định kỳ và chăm sóc dinh dưỡng cho phụ nữ có thai, bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, cho trẻ ăn bổ sung hợp lý, bổ sung vi chất dinh dưỡng; đa dạng hoá các phương thức truyền thông phù hợp với các nhóm đối tượng, chú trọng thông tin, truyền thông qua hệ thống cơ sở, cán bộ y tế cơ sở, Hội Phụ nữ, thông tin tại thôn, bản thuộc vùng sâu, vùng xa; phổ biến kiến thức và kỹ năng truyền thông cho cán bộ y tế, cán bộ Hội Phụ nữ về chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời; tổ chức các hoạt động biểu dương, tôn vinh bằng hình thức phù hợp đối với các tổ chức, cá nhân có thành tích, các mô hình thực hiện có hiệu quả…

Sở Y tế là đơn vị chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai hiệu quả kế hoạch này, đồng thời củng cố mạng lưới quản lý SDD thể thấp còi và nhẹ cân tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

Lê Thuỳ

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh