Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Thực hiện tinh thần chỉ đạo chung của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, những yếu tố thuộc về “phần mềm” đã và đang được Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) thực hiện, nhằm góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đồng hành cùng doanh nghiệp.
Để đi đến quyết định đầu tư của một doanh nghiệp cần rất nhiều yếu tố, trong đó yếu tố “phần cứng” như đất đai, hạ tầng, nhân lực và cũng có cả những yếu tố “phần mềm” như cải cách thủ tục hành chính (TTHC), sự cởi mở của các cấp chính quyền, tinh thần phục vụ của cán bộ công chức, viên chức...
Thực hiện tinh thần chỉ đạo chung của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, những yếu tố thuộc về “phần mềm” đã và đang được Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) thực hiện, nhằm góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đồng hành cùng doanh nghiệp.
Rà soát, đơn giản hoá thủ tục lĩnh vực đầu tư, kinh doanh
Theo lãnh đạo Sở KH&ĐT, tổng số TTHC của Sở là 93, trong đó có 76 thủ tục đã được thực hiện dịch vụ công (DVC) trực tuyến toàn trình, chiếm tỷ lệ 81,7%. Tất cả thủ tục được ngành KH&ĐT công khai trên cổng DVC quốc gia, cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Lãnh đạo Sở KH&ĐT và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh chia sẻ tới các doanh nghiệp về chủ đề “Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 - Những cơ hội lớn cho doanh nghiệp và nhà đầu tư” (Ảnh: Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh).
Trong những năm qua, việc thực hiện rà soát, đơn giản hoá, cắt giảm TTHC, thời gian giải quyết thủ tục đã được hầu hết các sở, ngành- trong đó có Sở KH&ĐT, thực hiện thường xuyên hằng năm, nhất là từ năm 2021 đến nay. Theo đó, Sở đã thực hiện rà soát, công bố, điều chỉnh, sửa đổi bổ sung, bãi bỏ đối với danh mục, quy trình nội bộ và quy trình điện tử giải quyết TTHC thuộc ngành quản lý và đã trình UBND tỉnh ban hành phương án đơn giản hoá đối với nhóm thủ tục lĩnh vực hợp tác đầu tư, cắt giảm từ 35 ngày xuống còn 30 ngày giải quyết.
Sở cũng đã trình UBND tỉnh ban hành quyết định tái cấu trúc đối với quy trình thực hiện thủ tục “chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND cấp tỉnh” thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở, từ đó tạo thuận lợi và tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Ngày 5.4.2023, Sở KH&ĐT thực hiện thí điểm tiếp nhận hồ sơ giải quyết TTHC trực tuyến (không tiếp nhận trực tiếp) qua cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích đối với TTHC thuộc lĩnh vực đăng ký kinh doanh thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở. Sau quá trình thí điểm từ ngày 1.5.2023 đến 30.9.2023, Sở KH&ĐT tiếp tục duy trì thực hiện cho đến nay.
Quá trình thực hiện tiếp nhận hồ sơ và giải quyết TTHC trực tuyến đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại trong nộp hồ sơ, nhận kết quả TTHC. Thông qua phương thức này, tổ chức và cá nhân có thể nộp hồ sơ mọi lúc, mọi nơi khi có nhu cầu và có thể theo dõi quá trình giải quyết hồ sơ, nhận kết quả tại nhà thông qua dịch vụ bưu chính công ích.
Đối với cơ quan giải quyết thủ tục không phải tiến hành nhập dữ liệu hồ sơ doanh nghiệp, giảm áp lực hành chính về giấy tờ, tình trạng quá tải khi tổ chức, cá nhân xếp hàng chờ đợi khi nộp hồ sơ và nhận kết quả tại bộ phận Một cửa.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện tiếp nhận và giải quyết TTHC trực tuyến còn gặp một số khó khăn, vướng mắc- nhất là trong giai đoạn đầu. Đó là những bỡ ngỡ, lúng túng về cách làm của cơ quan Nhà nước, thói quen của người dân, doanh nghiệp, hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ, cơ chế liên thông, chia sẻ dữ liệu chưa tốt.
Nói rõ hơn về những khó khăn trên, ông Kiều Công Minh- Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết, thời gian đầu, việc đăng ký tài khoản, đăng nhập hồ sơ trên cổng DVC tỉnh, cổng đăng ký doanh nghiệp quốc gia có lúc bị quá tải, bị “treo”, bị dồn hồ sơ trong các ngày cao điểm đầu tuần, cuối tuần. Sự đồng bộ giữa Cổng DVC trực tuyến quốc gia, của tỉnh cũng như cơ chế chia sẻ, kết nối thông tin dữ liệu chưa thông suốt, dẫn đến theo dõi hồ sơ giải quyết gặp khó khăn, chưa phản ánh đúng thực tế.
Thời gian trước, do sự không tương thích giữa hai hệ thống, cán bộ, công chức của ngành phải nhập liệu hai lần - trên hệ thống của Bộ KH&ĐT và hệ thống DVC của tỉnh. Vấn đề này nay đã có cải tiến nhưng vẫn còn một số khó khăn nhất định trong liên thông, chia sẻ dữ liệu cần sớm được khắc phục.
Thói quen và tâm lý của người dân, doanh nghiệp vẫn muốn đến trực tiếp để được hướng dẫn và nhìn chung hệ thống biểu mẫu thủ tục vẫn còn tương đối rườm rà, chưa tiện lợi khi làm thủ tục trực tuyến. Thời gian đầu khi thực hiện tiếp nhận hồ sơ trực tuyến, tỷ lệ hồ sơ bị trả về yêu cầu nhập lại chiếm tới 50%. Trong năm nay, Sở KH&ĐT đang thực hiện các giải pháp hỗ trợ để giảm tỷ lệ hồ sơ phải nộp lần 2 giảm xuống dưới 30% và nỗ lực giảm mạnh hơn nữa trong thời gian tới.
Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn
Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trên, Sở KH&ĐT đã và đang nghiên cứu một số cách làm tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp. Trước hết, phát huy vai trò đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp tiếp nhận nhận hồ sơ tại bộ phận Một cửa. Trước đây, đội ngũ này sẽ được Sở KH&ĐT cắt cử luân phiên xoay vòng giữa các phòng trực thuộc Sở.
Sau khi xét thấy có trên 90% thủ tục của ngành thuộc lĩnh vực đăng ký kinh doanh, do đó, từ tháng 8.2024, Sở KH&ĐT bố trí cán bộ trực tiếp nhận hồ sơ bộ phận Một cửa là công chức Phòng Đăng ký kinh doanh để hướng dẫn tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp.
Về thủ tục, hiện nay có một số biểu mẫu TTHC còn tương đối rườm rà, phức tạp, chưa tiện lợi để thực hiện DVC trực tuyến toàn trình, tới đây, Sở sẽ tổng hợp và liên hệ, phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông có giải pháp tháo gỡ nhằm mang lại sự thuận tiện nhất cho người dân, doanh nghiệp.
Người dân lấy số thứ tự nộp hồ sơ TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh (Ảnh: Phương Thuý)
Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết, trong điều kiện nhân lực không tăng, nhiệm vụ công việc ngày càng nhiều, mong muốn của người dân, doanh nghiệp phải giải quyết nhanh, có kết quả sớm thì việc chuyển đổi số, thúc đẩy DVC trực tuyến là giải pháp tối ưu.
Mỗi ngành, cơ quan, đơn vị có nhiều TTHC gắn với người dân, doanh nghiệp phải xác định đó là nhiệm vụ chính trị, áp dụng công nghệ, xây dựng cơ sở dữ liệu ngành; xây dựng các kênh tiếp nhận kiến nghị của doanh nghiệp, người dân và có sự phản hồi kịp thời, đầy đủ. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, ưu tiên đầu tư trang thiết bị, giải pháp cải tiến nâng cao năng suất làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức.
Một nội dung quan trọng khác để nâng mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp trong giải quyết TTHC, đó là cần có đơn vị trực tiếp đứng ra hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các TTHC.
“Sau khi có được giấy thành lập doanh nghiệp hoặc chủ trương đầu tư, doanh nghiệp cần phải mất nhiều thời gian để thực hiện các thủ tục khác mới có thể hiện thực hoá dự án, mới có thể đi vào sản xuất tạo ra sản phẩm, như các thủ tục về đất đai, giấy phép xây dựng, phòng cháy chữa cháy…
Nếu như các tập đoàn, doanh nghiệp lớn họ có đội ngũ nhiều kinh nghiệm để thực hiện các thủ tục này thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ mới khởi nghiệp sẽ gặp rất nhiều bỡ ngỡ, khó khăn, bởi vì thủ tục nhiều và liên quan đến nhiều ngành khác nhau.
Trong khi đó, đội ngũ cán bộ công chức Nhà nước cho dù nỗ lực cũng không thể có đủ người, đủ thời gian để làm thay, làm giùm doanh nghiệp. Do đó, nếu có một đơn vị (có thể là đơn vị sự nghiệp hoặc doanh nghiệp) đứng ra thực hiện các bước thủ tục này và các doanh nghiệp chấp nhận một mức phí nhất định cũng là một phương án cần xem xét nghiên cứu nhằm góp phần nâng cao mức độ hài lòng của doanh nghiệp trong thời gian tới” - ông Kiều Công Minh, Giám đốc Sở KH&ĐT nêu.
Phương Thuý