Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay vẫn tổ chức theo hướng cho học sinh được chọn bài thi khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội, nhưng cả quá trình học các em phải học rất nhiều môn, rất nặng nề. Vì vậy, phương án xét công nhận tốt nghiệp THPT và chỉ tổ chức kỳ thi đại học theo các khối thi A, B, C, D là tốt nhất”.
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2021.
Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) vừa ban hành Công văn số 4237/BGDÐT-QLCL gửi các Sở GD&ÐT, Cục Nhà trường, Ban Phụ nữ Quân đội (Bộ Quốc phòng) hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022. Một trong những nội dung đáng chú ý trong công văn của Bộ là xem xét tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT trong điều kiện có dịch bệnh. Dịp này, nhiều ý kiến trong ngành tiếp tục đề nghị Bộ xem xét lại toàn bộ việc tổ chức một kỳ thi phục vụ cho hai mục đích.
Linh hoạt, thích ứng
Theo tinh thần công văn của Bộ GD&ÐT, một trong những nhiệm vụ chung về quản lý chất lượng năm học 2021-2022 là xây dựng, triển khai phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn từ năm 2022-2025, chuẩn bị chu đáo để tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 linh hoạt, thích ứng với tình hình dịch bệnh.
Hướng dẫn của Bộ GD&ÐT nêu, tăng cường chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ ở trường phổ thông theo định hướng đánh giá năng lực, bảo đảm sự đồng bộ, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Cơ sở giáo dục, các cấp quản lý Nhà nước về giáo dục chuẩn bị điều kiện để thí điểm xây dựng ngân hàng câu hỏi theo hướng chuẩn hoá phục vụ cho kiểm tra đánh giá thường xuyên, định kỳ các môn học ở cấp THPT.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 vẫn thực hiện theo phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2022-2025 (đã được thông qua trước đây) bảo đảm kết quả thi phản ánh trung thực, khách quan, đúng trình độ, năng lực học sinh, có độ tin cậy và sự phân hoá để xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh và cung cấp thông tin để đánh giá chất lượng giáo dục, điều chỉnh quá trình dạy học nhằm nâng cao chất lượng dạy học trong các trường phổ thông.
“Ðẩy mạnh truyền thông giáo dục nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên, học sinh, học viên, toàn xã hội về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 và phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2022-2025.
Triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời các quy định, yêu cầu trong văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thi của Bộ GD&ÐT, tăng cường chức năng quản lý Nhà nước, vai trò thanh tra, kiểm tra, giám sát, gắn kết trách nhiệm chỉ đạo, quản lý tổ chức thi của UBND cấp tỉnh và Sở GD&ÐT trong chỉ đạo tổ chức thi tại địa phương.
Làm tốt công tác lựa chọn nhân sự cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, quán triệt quy chế thi tốt nghiệp THPT, nâng cao chất lượng công tác tập huấn nghiệp vụ cho tất cả các đối tượng, lực lượng tham gia tổ chức thi, đặc biệt chú trọng tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ làm nhiệm vụ thanh tra, giám sát”- văn bản của Bộ GD&ÐT nêu.
Bộ GD&ÐT đề nghị các địa phương, cơ sở giáo dục “chuẩn bị sớm, đầy đủ các điều kiện để tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Xây dựng các phương án bảo đảm an ninh, an toàn để xử lý các rủi ro có thể xảy ra trong quá trình tổ chức thi, nhất là ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nếu có”.
Ngoài nhiệm vụ liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp THPT, năm học 2021-2022, công tác quản lý chất lượng còn tập trung vào nhiệm vụ tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về công tác thi và đánh giá. Bảo đảm kiểm định chất lượng giáo dục.
Quản lý văn bằng, chứng chỉ. Năm học này, tiếp tục đổi mới theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia, dự thi Olympic khu vực và quốc tế, triển khai các chương trình đánh giá chất lượng giáo dục quốc gia, quốc tế theo kế hoạch, thích ứng với tình hình dịch bệnh.
Thực hiện hiệu quả công tác bảo đảm, kiểm định chất lượng giáo dục đối với cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên, công nhận trường đạt chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông.
Công văn của Bộ còn đề cập đến việc tăng cường công tác quản lý văn bằng, chứng chỉ theo quy định. Có biện pháp hiệu quả để khắc phục tình trạng làm giả văn bằng, chứng chỉ và mua bán văn bằng, chứng chỉ. Chú trọng việc quản lý các điều kiện bảo đảm chất lượng đối với việc sát hạch và cấp các loại chứng chỉ của các cơ sở giáo dục.
Chú trọng quán triệt ý thức trách nhiệm, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý chất lượng giáo dục các cấp. Từng bước nâng cao năng lực cho các đơn vị chức năng thực hiện nhiệm vụ quản lý thi, đánh giá chất lượng giáo dục, kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia, quản lý văn bằng, chứng chỉ tại các Sở GD&ÐT.
5 năm, vẫn chưa yên tâm
Kỳ thi THPT quốc gia, sau đó được đổi tên thành kỳ thi tốt nghiệp THPT vào năm 2015. Ðến nay, hình thức thi “hai trong một” đã tổ chức được 5 năm nhưng vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều về một kỳ thi phục vụ cho hai mục đích.
Sau khi kết quả thi tốt nghiệp THPT và kết quả công bố điểm chuẩn vào đại học của kỳ thi năm nay được công bố, nhiều ý kiến của giới chuyên môn tiếp tục đề nghị Bộ GD&ÐT xem xét lại kỳ thi này. Trong đó, đáng chú ý, một số nhà quản lý, các chuyên gia ở giáo dục bậc đại học đề nghị tách hai kỳ thi riêng để bảo đảm tính khoa học.
Nhóm ý kiến này đề nghị Bộ GD&ÐT “bỏ việc sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh đại học vì mục đích của hai kỳ thi hoàn toàn khác nhau. Việc thực hiện kỳ thi “2 trong 1” luôn gây ra nhiều khó khăn cho người ra đề và thí sinh, luôn có nhiều sự cố xảy ra do đề thi không bảo đảm tính phân loại thí sinh.
Cần thay đổi cách tuyển sinh, tăng tự chủ cho các trường để các trường có thể chủ động xét tuyển toàn diện hơn để bảo đảm các trường tuyển chọn người học phù hợp với mục tiêu đào tạo và sứ mạng của trường, và học sinh chọn được đúng ngành nghề và ngôi trường mà mình yêu thích.
Theo đó, các trường đại học có quyền sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh khác nhau như xét học bạ kết hợp phỏng vấn hay bài viết về niềm mong ước của học sinh; sử dụng điểm thi đánh giá năng lực của trường tự tổ chức hay của các trung tâm khảo thí quốc gia”.
Ðại diện Trường đại học Bách khoa Hà Nội - một cơ sở đại học hàng đầu của cả nước cũng không tán thành kỳ thi hai trong một. “Nhìn lại 5 năm thực hiện kỳ thi THPT quốc gia cho 2 mục đích và 2 năm thi tốt nghiệp nhưng vẫn sử dụng kết quả tuyển sinh đại học cho thấy cách làm này cần thay đổi.
Vì không thể ra đề thi thoả mãn được yêu cầu xét tốt nghiệp, đánh giá năng lực chung ở bậc phổ thông và xét tuyển đại học. Nhưng nếu vẫn duy trì thì nhiều cơ sở đào tạo vẫn lệ thuộc vào kỳ thi này, không mạnh mẽ thực hiện tự chủ. Trường ÐH Bách khoa Hà Nội áp dụng bài thi đánh giá tư duy vì xét thấy cần phải có sự sàng lọc cao hơn so với việc xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp THPT và kết quả thu nhận rất tốt.
Mục tiêu của chúng tôi là gọn nhẹ, không vất vả vì thời gian chỉ thi trong một ngày”- đại diện cơ sở đào tạo nêu. Một số trường đại học ở phía Nam, trong đó có Trường đại học Bách khoa thuộc Ðại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh cũng “hoàn toàn đồng ý phương án không sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh đại học”. Tuy nhiên, vẫn có nhiều ý kiến đề nghị Bộ GD&ÐT tiếp tục duy trì một kỳ thi phục vụ hai mục đích.
“Kết hợp sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển vào đại học là phương án tiết kiệm và công bằng nhất vì đa số học sinh THPT ở vùng khó khăn không thể ra các thành phố lớn để thi năng lực hoặc tham dự các kỳ thi riêng do các trường đại học tổ chức”.
Và, “do năm nay tuyển sinh trong điều kiện dịch Covid-19 nên trường chúng tôi mới dành đến 30% chỉ tiêu phương thức xét học bạ, chứ thật ra chúng tôi không tin tưởng điểm học bạ... Cần có trung tâm khảo thí quốc gia xây dựng ngân hàng đề thi chuẩn mực để tổ chức kỳ thi chung để các trường sử dụng kết quả tuyển sinh”.
Lại có ý kiến nêu, nên quay lại cách tổ chức kỳ thi truyền thống như trước năm 2015: “Cách tốt nhất vẫn là tổ chức thi tuyển theo từng ban chuyên A, B, C cho từng lĩnh vực đào tạo phù hợp khối khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, y dược...
Kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay vẫn tổ chức theo hướng cho học sinh được chọn bài thi khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội, nhưng cả quá trình học các em phải học rất nhiều môn, rất nặng nề. Vì vậy, phương án xét công nhận tốt nghiệp THPT và chỉ tổ chức kỳ thi đại học theo các khối thi A, B, C, D là tốt nhất”.
Những thông tin nêu trên được báo chí đăng tải rộng rãi trong một hai ngày qua. Như từng đề cập nhiều lần, bất kỳ một hình thức thi nào cũng có ưu điểm và hạn chế, được mặt này lại mất mặt khác (vì đề cập nhiều lần, xin phép không nhắc lại).
Nhưng, sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia hay kỳ thi tốt nghiệp THPT để làm căn cứ tuyển sinh vào đại học, từ năm 2015 đến nay, chưa khi nào có được độ tin cậy cao trên nhiều phương diện cả về chuyên môn, tính khoa học, tính khách quan, sự công bằng và đặc biệt khâu tổ chức thực hiện.
Hàng loạt những bê bối rúng động dư luận liên quan đến kỳ thi hai trong một khiến nhiều cán bộ ngành Giáo dục và những ngành khác có liên quan dính vòng lao lý đã chứng minh điều đó. Mới đây nhất, kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học năm 2021 lại càng khiến sự hoài nghi tăng cao.
Trên không gian mạng, nhiều người đã dùng từ ngữ hết sức nặng nề về kỳ thi hai trong một. Người trong cuộc- những người tâm huyết vì một nền giáo dục có chất lượng đều biết quá rõ thực tế này.
Việt Ðông