Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Cẩm Giang đình, miếu, dinh thờ
Thứ sáu: 21:35 ngày 06/01/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Miền đất cổ và đẹp như tranh này dĩ nhiên là không chỉ có chùa. Ngoài chùa Cẩm Phong còn có tịnh xá Ngọc Thuận của hệ phái khất sĩ Phật giáo được xây dựng về sau (1963). Chùa và tịnh xá đều nằm bên bờ sông Vàm Cỏ Đông thơ mộng. Sông đã tự viết nên cái tên mỹ miều của vùng đất- Cẩm Giang.

Ngày cúng Kỳ yên đình Hưng Mỹ- Cẩm An.

Nhà văn Vân An đã có bài viết về sự tích cái tên Cẩm Giang, in trong sách giáo khoa văn học địa phương Tây Ninh. Theo đó thì đến mùa lục bình nở hoa, mặt sông giăng đầy một màu tím, nắng lên óng ánh sắc hồng. Lúc ấy, sông trở thành một dòng sông hoa gấm.

Cái tên làng cũng xuất xứ từ đây. Năm xưa, có lẽ vào một ngày các đội binh thuyền ghe ô, ghe lê của quan lính “đàng cựu” tới đây, lại đúng vào dịp tháng 3 âm lịch, hoa lục bình nở đầy mặt sông khiến ai đó phải thốt lên: hoa gấm!

Ngoài chùa, Cẩm Giang hiện còn có 2 ngôi đình, một dinh thờ. Cả ba ngôi thuộc về tín ngưỡng dân gian này đều đã được công nhận là di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh. Các miếu thờ như miếu Chúa Xứ nương nương, Ngũ Hành nương nương, ông Tà, Bạch Mã thái giám, Sơn quân… được “tích hợp” thờ ngay trong khuôn viên các ngôi thờ tự ấy.

Ngoài ra, tại đồng bưng Trao Trảo có một ngôi miễu ông Tà rất cổ nhưng chưa rõ có tự năm nào. Độ vài chục năm nay, để nhớ ơn các chiến sĩ quân giải phóng đã hy sinh trong một cuộc chiến không cân sức tại đây, người dân còn tự lập trong khuôn viên miễu ông Tà một miếu thờ anh linh chiến sĩ. Ngày giỗ chung cho các anh là mùng 7 tháng 10 (âm lịch), và đấy cũng là ngày cúng miễu.

Người Cẩm Giang chắc ai cũng nhớ câu ca: “Dù ai xuôi ngược bộn bề/ Tháng tư mùng sáu nhớ về Cẩm Giang”. Câu ca này nhắc nhở người gốc Cẩm Giang ở xa về dự lễ cúng Quan lớn đại thần Huỳnh Công Thắng.

Quan sát các lễ hội dân gian ở Cẩm Giang và cả trong toàn huyện Gò Dầu, có thể thấy ngày lễ hội 6.4 này là lớn nhất. Lễ hội tưng bừng, bắt đầu từ chiều hôm trước- gọi là Tiên thường. Xe cộ các nơi đổ về đậu kín con đường dài 200 mét từ dinh ra và ngoài quốc lộ. Quả phẩm, lễ vật bày san sát trên các ban thờ và cả ngoài sân.

Nhiều đội lân sư rồng có mặt ở đây từ rất sớm để biểu diễn trước hàng ngàn quan khách. Vài năm gần đây, lễ hội còn có sự tham dự của các võ sinh đến từ các trung tâm văn hoá thể thao và câu lạc bộ võ thuật. Thành ra, không khí hội hè nhuốm đậm tinh thần thượng võ. Thật xứng với nơi thờ một vị tướng từng coi giữ thành Quang Hoá xưa. Có thể còn nhiều mờ tỏ về thân thế của vị thần này. Như có sách ghi ông là quan phủ của triều đình, lại cũng có truyền tụng về ông như một vị chỉ huy các nhóm dân binh tụ nghĩa. Nhưng điều chắc chắn là ông có liên quan đến ngôi thành Quang Hoá và từng có những thành tích nổi bật nào đấy, mới được nhân dân suy tôn là Quan lớn đại thần. Điều còn chắc chắn hơn nữa là ở chính người Cẩm Giang.

Cẩm Giang có tới 2 ngôi đình cổ. Một là đình Trung ở ấp Cẩm Long cũng tôn vinh thành hoàng- Quan lớn đại thần họ Huỳnh kể trên. Chưa rõ đình Trung có tự năm nào nhưng theo trí nhớ các cụ già thì cũng đã trăm năm có lẻ. Ba nóc mái ngói xa xưa cũ kỹ được xây lại từ năm 1957 đến nay cũng đã mái lở tường long, kèo cột vẹo xiêu do mối mọt ăn nhiều chỗ. Chứng tích thời gian rõ nhất là ở những cây đa cổ thụ phía sau đình. Còn mặt trước đình hướng ra sông Vàm Cỏ Đông qua một cánh đồng lúa trải dài đến tận bờ sông.

Ngôi đình thứ hai là đình Cẩm An, ở ấp Cẩm An gần với rạch Bàu Nâu. Cả hai đình đều có lễ hội Kỳ yên vào trung tuần tháng hai âm lịch. Đình Cẩm An còn có tên là Hưng Mỹ- một cái tên chứa đầy khát vọng của người Tây Ninh khi đến vùng đất mới. Người ta cũng chưa xác định được thời điểm lập đình, chỉ biết thời điểm ngôi đình dời về vị trí hiện nay là năm 1905. Trước đó, đình có quy mô nhỏ và nằm xa quốc lộ 22B hơn.

Đọc “Từ điển địa danh hành chính Nam Bộ” của Nguyễn Đình Tư, mới biết rằng xưa còn có một thôn Hưng Mỹ nằm kế cận Cẩm Giang. Sách có dẫn rằng: “Hưng Mỹ là thôn thuộc tổng Triêm Hoá, huyện Quang Hoá, phủ Tây Ninh tỉnh Gia Định từ thời Thiệu Trị thứ nhất (1841)… Sang thời Pháp thuộc đến ngày 6.3.1891 thì giải thể, nhập vào với xã Cẩm Giang…”. Như vậy thì nhiều khả năng đình Hưng Mỹ đã được thiết lập sớm hơn, vào khoảng từ năm 1840 đến 1891.

Lạ một điều là đến năm 1905- sau 14 năm cái tên gọi của thôn làng xưa đã không còn tồn tại, ngôi đình vẫn giữ nguyên tên gọi cũ khi đã chuyển đến địa điểm mới và được xây dựng khang trang hơn ở vị trí như hiện nay. Người Hưng Mỹ xưa, Cẩm Giang nay dường như vẫn quyến luyến cái tên của thôn làng có tự thời quan quân “đàng cựu” vào cai quản? Cũng nên biết thêm rằng, địa thế hiện nay của đình Hưng Mỹ, Cẩm An rất đẹp, không gian rộng và có màu sắc cổ kính. Sân vườn tới gần 1 ha, rợp bóng các cây củ chi cổ thụ. Ngôi đình được người dân góp công của tôn tạo trùng tu trở nên đẹp đẽ và kiên cố.

Di tích lịch sử văn hoá thứ tư được xếp hạng cấp tỉnh chính là ngôi mộ của Quan lớn đại thần Huỳnh Công Thắng- người được thờ ở dinh và đình Trung Cẩm Giang cũng như ở vài đình, miếu khác bên kia sông Vàm Cỏ Đông, thuộc huyện Bến Cầu. Ngôi lăng mộ nay đã được trùng tu, tôn tạo đặc biệt khang trang, có tường rào, cổng ngõ cao lớn, nghiêm trang; có cả mái che trên nấm và bia mộ cùng những tượng, phù điêu hổ phục, rồng chầu, sen nở…

Tấm bia vẫn giữ được hình thức xa xưa, như đã in trong cuốn “Tây Ninh xưa” của Huỳnh Minh; nổi bật đôi câu đối đỏ: Sống giúp nước rạng ngời chí sĩ/ Thác thành thần rực rỡ oai linh. Có lẽ đôi câu này cùng với câu thành ngữ quen thuộc “Sinh vi tướng, tử vi thần” đã giải thích phần nào về đặc trưng tín ngưỡng ở Cẩm Giang- là nhiều đình, miếu thờ các vị võ tướng. Và nữa, lễ hội nơi đây thường rất linh đình, tràn ngập tinh thần thượng võ. Ai đã từng tham dự các lễ hội dinh, đình, miếu Cẩm Giang thì khó mà quên được. Đấy là tiếng trống hào hùng của hàng chục tay trống võ; là phấp phới tung bay các lá thờ thần trước sân dinh; là những màn trình diễn “Mai hoa thung” điệu nghệ và những cuộc tỷ võ của các thanh thiếu niên tuấn tú…

Cũng khó mà quên những buổi trưa ngày 12 tháng 2 âm lịch hằng năm với nghi lễ rước thuyền tống ôn từ đình Cẩm An ra sông Vàm Cỏ. Đoàn rước linh đình có lân, sư, rồng hộ tống phải băng qua quốc lộ, rồi xuôi về tới Bến Cát- rạch Bàu Nâu ra sông xuống bến; tưng bừng, rộn rã cả một vùng sông, vùng đất.

TRẦN VŨ

Tin cùng chuyên mục