Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Từ lâu, việc hút thuốc lá đã trở thành thói quen khó bỏ của nhiều người- nhất là nam giới. Theo Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, việc hút thuốc nơi công cộng là hành vi bị cấm. Tuy vậy, một số người nghiện thuốc lá vẫn cứ phớt lờ quy định trên. Ý thức của người dân trong việc hút thuốc vẫn là bài toán khó đối với cơ quan chức năng và xã hội.
Một người hút thuốc nơi công cộng.
VÔ TƯ NHẢ KHÓI
Hiện nay, tình trạng hút thuốc lá nơi công cộng diễn ra khá phổ biến. Ở các quán cà phê, trường học, cơ sở vui chơi giải trí dành cho trẻ em, trong và ngoài bến xe... nhiều người thản nhiên hút thuốc, cho dù có biển cấm. Tại các bệnh viện, nơi cần bầu không khí trong sạch, mặc cho hình ảnh cảnh báo về tác hại của thuốc lá đối với sức khoẻ con người được bố trí tại nhiều nơi trong khuôn viên, hành lang các khu khám, điều trị bệnh… họ vẫn cứ vô tư châm thuốc hút.
Hầu hết mọi người đều biết rằng hút thuốc lá là một thói quen xấu, tốn tiền, gây ô nhiễm không khí, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ con người, nhưng vẫn cứ hút vì nghiện hay thói quen. “Trung bình một ngày tôi hút 1 gói (20 điếu). Dù biết hút thuốc rất có hại, nhưng không bỏ được. Việc hút thuốc ở nơi công cộng chỉ vô tình, do thói quen, nhàm chán nên hút, chứ không cố tình vi phạm”- ông T.P, người dân ngụ TP.Tây Ninh thanh minh.
Bà N.T- ngụ xã Long Thành Bắc, huyện Hoà Thành chia sẻ: “Ở nhiều nơi công cộng, khi thấy một số người hút thuốc, nhả khói tràn lan, tôi khó chịu vô cùng, nhưng không dám phản ứng vì sợ bị mắng lại".
QUY ĐỊNH CÓ, NHƯNG KHÓ XỬ PHẠT
Nói về tác hại của thuốc lá đối với sức khoẻ con người, một BS Bệnh viện Ða khoa tỉnh cho biết, trong khói thuốc lá chứa hơn 7.000 loại hoá chất, có hơn 200 loại có hại cho sức khoẻ, bao gồm chất gây nghiện, gây độc và 69 chất gây ung thư. Thuốc lá là nguyên nhân gây ra 25 căn bệnh nguy hiểm cho người hút thuốc và người hít phải khói thuốc.
Việt Nam là 1 trong 15 quốc gia có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới, hiện nay có khoảng 15,6 triệu người hút thuốc, mỗi năm có 40.000 người chết do khói thuốc lá. Năm 2012, người Việt Nam đã chi 22 nghìn tỷ đồng cho tiêu dùng thuốc lá và 23 nghìn tỷ đồng để chữa các căn bệnh do thuốc lá gây ra. Khói thuốc lá huỷ hoại môi trường sống, ảnh hưởng đến sức khoẻ con người.
Theo quy định Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, các địa điểm cấm thuốc lá hoàn toàn bao gồm cơ sở y tế, giáo dục, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, nơi vui chơi giải trí cho trẻ em, cơ sở hoặc khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao. Ngoài ra, luật cũng quy định các địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà bao gồm nơi làm việc, trường cao đẳng, đại học, học viện, địa điểm công cộng. Phương tiện giao thông công cộng bị cấm hút thuốc lá hoàn toàn bao gồm ô tô, tàu bay, tàu điện.
Ðiều 23 Nghị định 176/2013/NÐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Cụ thể, cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 - 300.000 đồng đối với các hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm. Phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với một trong các hành vi không treo biển có chữ hoặc biểu tượng “Cấm hút thuốc” tại địa điểm cấm hút thuốc lá; không yêu cầu người vi phạm chấm dứt việc hút thuốc lá trong cơ sở của mình; không tổ chức thực hiện, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện đúng quy định về cấm hút thuốc lá tại địa điểm thuộc quyền quản lý, điều hành.
Phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây tại nơi dành riêng cho người hút thuốc lá không có phòng và hệ thống thông khí tách biệt với khu vực không hút thuốc lá; không có dụng cụ chứa mẩu, tàn thuốc lá; không có biển báo tại vị trí phù hợp, dễ quan sát; không có thiết bị phòng cháy, chữa cháy.
Ðồng thời, theo Nghị định 155/2016/NÐ-CP ngày 18.11.2016 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, Chính phủ đã quyết định tăng mức phạt đối với một số hành vi vi phạm về vệ sinh nơi công cộng. Theo đó, hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu và tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng.
Mặc dù luật quy định rõ ràng, nhưng trên thực tế, hầu như việc thực hiện quy định xử phạt vi phạm chưa triệt để. Quy định cấm và xử phạt vi phạm hành chính đối với người hút thuốc lá ở nơi công cộng gần như chỉ được tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng, rất ít trường hợp bị xử phạt.
Mặt khác, ở các khu vực công cộng không cấm hút thuốc lá, luật quy định phải xây dựng khu vực dành riêng cho người hút thuốc, có biển báo hướng dẫn, cách biệt với khu vực chung, có hệ thống thông khí hai chiều để không ảnh hưởng đến người xung quanh. Thế nhưng, cho đến thời điểm hiện nay, gần như rất ít nơi có bố trí khu vực dành riêng cho người hút thuốc lá.
Nhằm thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Bệnh viện Ða khoa tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tác hại của thuốc lá từ năm 2005. Hằng năm, Ban Chỉ đạo xây dựng kế hoạch về công tác tuyên truyền tác hại của việc sử dụng thuốc lá, lợi ích của môi trường không khói thuốc, quy định trong Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và các văn bản hướng dẫn liên quan; treo biển cấm hút thuốc tại khu vực bệnh viện; đưa nội dung không hút thuốc lá nơi làm việc vào tiêu chí thi đua của cán bộ, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động… Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân về tác hại của thuốc lá và Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Ðể thực thi hiệu quả Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát và xử phạt vi phạm, các cấp, ngành cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về tác hại của thuốc lá; nâng cao vai trò giám sát, phản ánh của người dân đối với các hành vi vi phạm.
PHƯƠNG THẢO - THIÊN DI