Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Nhà thơ Trần Ngọc Hưởng tên thật là Trần Văn Sáu, sinh năm 1950 tại Tiền Giang, là giáo viên Trường cao đẳng Sư phạm Long An từ năm 1983. Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, đã có gần 10 tập thơ được xuất bản. Bài thơ “Biểu tượng” được in trong tập thơ “Bẻ lá che Hường” do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành năm 1996.
Bài thơ sáng tác từ hình ảnh cây chuối trổ buồng, một hình ảnh quen thuộc đối với người dân Việt Nam.
Cái khéo của bài thơ là đặt hình ảnh ấy trong trí nhớ của một người con xa quê mang tâm trạng nhớ mẹ da diết: “Là người xa xứ ta sùng bái/ Tình nghĩa nhà quê vẫn đậm đà/ Cây chuối trổ buồng là biểu tượng/ Vô cùng dũng cảm mẹ hiền ta”.
Thật là những câu thơ giản dị dễ hiểu, dễ nhớ cho lớp người bình dân khi vì sinh kế phải xa xứ, dễ hoà nhập vào tâm lý “xa quê hương nhớ mẹ hiền” mà người ta thường hay nhắc tới trong cuộc sống tha hương.
Ở khổ thơ sau nhà thơ lý giải vì sao cây chuối trổ buồng là biểu tượng của bà mẹ quê: “Oằn vai đùm bọc đàn con, nặng/ Một lũ hài nhi xúm xít nhau”.
Ở miền thôn quê ngày xưa, hình bóng người mẹ là như vậy đó. Hình như người mẹ nào cũng hơn chục lần sinh đẻ, đến nỗi “đứa đầy tháng, đứa thôi nôi” và mấy đứa lớn hơn nữa thì vẫn còn lẩn quẩn bên chân mẹ. Và thực tế ấy đã đẩy người mẹ vào tình cảnh :
Nhẫn nại hút từ lòng đất tổ
Dưỡng nuôi lũ trẻ lớn khôn lên
Bẹ gầy, lá úa, thân còm cõi
Chắt mót mẹ còn một trái tim.
Ôi, có gì bền bỉ, cao siêu như trái tim người mẹ suốt đời dành hết cho sự sống của đàn con. Nó giống như đặc tính của cây chuối kia là chỉ sống một lần với một buồng chuối oằn nặng rồi chết.
Cho nên dù cuộc sống có khó khăn, có bi đát cỡ nào thì mẹ vẫn “dũng cảm” như hình ảnh: “Trốc gốc rễ trồi lên mặt đất/ Mẹ còn gượng đứng chỉ vì con/ Nghèo nàn vẫn cố công bươn chải/ Che chở bên mình lũ trái non…”.
Viết về mẹ, xưa nay đã có nhiều nhà thơ, nhạc sĩ dùng biểu tượng khác để thể hiện, để nhân cách hoá lên cao rộng hơn.
Nhưng đối với nhà thơ Trần Ngọc Hưởng, ông chọn hình ảnh cây chuối cũng là một thành công. Bởi cây chuối luôn gần gũi với hết thảy mọi người.
Bởi những gì ông khắc hoạ trong bài thơ thì đời chuối có khác gì đời người mẹ và chắc hẳn làm cho người đọc thơ phải xao động nỗi niềm, phải trào dâng xúc cảm. Và bạn, bạn có khi nào “Lặng nhìn cây chuối trổ buồng chưa?/ Có nghe lòng bỗng thương vô hạn/ Trọn kiếp mẹ hiền chịu nắng mưa…”?
VĂN TÀI