Theo dõi Báo Tây Ninh trên
“Nhà mình năm nay sẽ ăn tết ở bên ngoại” - nghe chồng nói tôi ngớ cả người, bất ngờ, vui sướng, cảm động rưng rưng. Dường như để đẩy cảm xúc của tôi thêm cao trào, anh nói tiếp: “Và ở đến lúc dự lễ Tạ ơn xong mới về, em xin phép cơ quan đi!”.
Tôi ồ lên rồi ôm chặt lấy anh, nước mắt trào ra không cần giấu giếm. Có lẽ với người khác, dân tộc khác, việc sang ăn tết bên ngoại là chuyện bình thường, song với tôi, với dân tộc tôi lại khác. Từ xưa đến nay, trong cuộc sống đời thường, phụ nữ Dao đỏ thường ít nói, thùy mị, đoan trang, ít đấu tranh. Họ cố tạo cho mình một vỏ bọc và khiêm nhường trong đối nhân, xử thế, khi đi lấy chồng, chỉ một mực phụng sự nhà chồng. Những câu tục ngữ như: “Chín đời đốt đáy nồi nhà chồng”, “Làm cái giẻ lau cầu thang cho nhà chồng”… là minh chứng rõ nhất cho trách nhiệm cũng như thân phận của người làm vợ. Từ ảnh hưởng mang tính chất lễ giáo phong kiến ấy mà với phụ nữ Dao, người chồng luôn là chỗ dựa, là cây cột cái giữ nhà, mọi đối xử hằng ngày nhất nhất tuân theo sự “nóng lạnh” của nhà chồng. Chồng tôi là người Kinh - một nhà nghiên cứu khoa học, gia đình chồng tôi ai cũng danh giá. Nền nếp, tăm tiếng của chồng và gia đình chồng khiến một phụ nữ Dao vốn nhu mì, nhường nhịn, cam chịu như tôi lại càng thu mình. Từ ngày lấy chồng, tôi chỉ chăm chắm lo cho chồng con, cho gia đình nhà chồng, ý nghĩ chăm sóc bên ngoại nguội dần, thường thì cả năm tranh thủ, tất tả đảo qua nhà một hai ngày là cùng, nói gì đến về hẳn một cái tết.
Vui hội xuân. Ảnh: Hoàng Hải
Lại còn được dự lễ Tạ ơn nữa. Lễ Tạ ơn của người Dao đỏ có nguồn gốc từ xa xưa. Thời đó, người Dao sinh sống ở một vùng thuộc phương Bắc. Cuộc sống của họ đang như cây đơm hoa, kết trái thì ông trời bỗng dưng mấy năm không nhỏ xuống một giọt mưa, con người cùng vạn vật chết dần vì khô khát. Không chịu nằm chờ chết, người Dao đã đóng thuyền vượt biển đi tìm miền đất hứa. Trước khi đi, họ đã thề trước tổ tiên nếu tìm được cái ăn, nơi ở tốt thì sẽ làm lễ tạ ơn trời đất, tổ tiên. Sau những ngày lênh đênh trên biển bao la, sóng nước đã đánh giạt họ vào bờ biển của đất Việt. Vùng đất phì nhiêu, cây cối tốt tươi cùng vòng tay ấm áp của những người bản địa đã neo giữ họ, giúp họ sinh sôi. Có của ăn của để, dòng giống trường tồn, nhớ tới lời hứa của mình trước lúc lên đường vượt biển, cứ 3 năm, người Dao đỏ lại tổ chức lễ Tạ ơn một lần. Lễ thường tổ chức vào ngày mồng 5 tháng Giêng, dòng họ nào tổ chức lễ tại dòng họ ấy, con cái cháu chắt dù ở đâu cũng gắng về dự lễ. Tôi vắng mặt lễ Tạ ơn của dòng họ Triệu đã hai lần, còn lần này… Tôi lau những giọt nước mắt cảm động vào áo chồng rồi xin phép vào buồng gọi điện thoại về cho mẹ.
Xe về đến bản Lạc Dương của tôi cũng đã quá chiều. Không khí tết đã rộn rã khắp nơi. Khắp bản nhộn nhịp. Những con trâu phì phò kéo củi về chất đống ở hồi nhà. Những thứ thiết yếu cho ngày tết như lợn, gà, măng, mộc nhĩ, nấm hương tự nuôi hay lấy của rừng đều đã chuẩn bị sẵn sàng…
Tôi cùng chồng con nhanh chóng hòa vào cái tất bật, nhộn nhịp của cả nhà, cả họ. Những ngày này, tôi được làm một việc vô cùng thích thú và hãnh diện là nhập vai hướng dẫn viên du lịch. Với con tôi, một đứa trẻ hiếu động lần đầu được thoải mái thâm nhập vào thế giới mênh mông của núi rừng. Còn chồng tôi, hóa ra lấy nhau ngót chục năm rồi anh vẫn chưa biết gói bánh gù thế nào. Là nhà khoa học biết nhiều, hiểu rộng, song anh vẫn háo hức như đứa trẻ khi biết trên bàn thờ người Dao ngoài bát hương, giấy bản, nước, còn có túi đựng hồ sơ ghi đầy đủ tên tuổi, gốc gác của từng người đã nhập vào gia đình bằng chữ Nôm để tổ tiên quản lý, theo dõi. Từ tấm bé đã được đầm mình trong bồn tắm hoặc làm sạch mình dưới vòi tắm hoa sen mà anh vẫn trầm trồ xuýt xoa trong bồn gỗ chứa nước ấm có hoà than của vỏ một loại gỗ thơm ngát để tẩy trần. Đêm Ba Mươi tết, anh đứng lặng thành kính trước mảnh vải chàm treo trước cửa biểu lộ sự nối liền giữa năm cũ và năm mới. Sáng Mồng Một, anh háo hức theo cả nhà ra vườn, cùng bố dùng dao phát quang cỏ một vùng nho nhỏ cho mẹ con, bà cháu cầm cuốc rẫy sạch rồi vãi một nắm ngô, một nắm thóc xuống, cả nhà vừa làm vừa cầu khẩn trời đất, tổ tiên phù hộ cho năm nay mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, ngô lúa sây bông, nặng hạt. Rồi đón khách, tiễn khách. Rồi đưa nhau đi chúc tết họ hàng. Rồi lễ Tạ ơn trang nghiêm, thành kính…
Thời gian trôi nhanh như gió cuốn, chẳng biết anh, biết con đã nhập tâm được những gì về phong tục, về lễ tết cổ truyền của người Dao, còn tôi đã có một cái tết tuyệt vời.
Vậy là một năm đã qua.
Một năm qua, gia đình tôi dường như hạnh phúc hơn. Con hay hỏi tôi về bản Lạc Dương, về dòng họ Triệu, con còn dùng cả kỳ nghỉ hè quý giá để ríu rít bên ông bà ngoại. Chồng tôi, thay vì chỉ đảo qua nhà vợ một hai lần đã lên hẳn kế hoạch hằng năm thăm nom, đỡ đần bố mẹ vợ. Và tôi! Cả năm qua, tôi lưu giữ, nuôi dưỡng niềm vui, tự hào. Sợi dây huyết thống bền vững như những rễ người đang được bám sâu, vươn xa để tôi mãi là tôi, dù là vợ của người khác tộc nhưng vẫn chung sự yêu thương, trân trọng. Xin cám ơn cuộc đời, cám ơn những ngày tết sum vầy!
Nguồn baolaocai