Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Cán bộ dám nghĩ, dám làm thường rất đơn độc, gặp nhiều nguy hiểm
Thứ sáu: 12:25 ngày 06/10/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Chuyên gia cho rằng các cán bộ dám nghĩ, dám làm thường rất đơn độc, gặp nhiều nguy hiểm nên cần có cơ chế bảo vệ bằng những hành lang pháp lý cụ thể.

Nghị định 73 của Chính phủ về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung nhận được sự ủng hộ rộng rãi của dư luận xã hội. Nhiều người xem đây là "tấm khiên" bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo vì sự phát triển chung.

Trên thực tế, những người năng động, dám nghĩ, dám làm thường trăn trở cho sự nghiệp chung, muốn công việc trôi chảy hơn, nhanh hơn nên họ luôn rất sốt sắng, năng động.

"Dám nghĩ, dám làm" và "cố ý làm trái" trong nhiều trường hợp gần như không có ranh giới, vì thế họ khó tránh khỏi những sơ suất. Họ thường bị đồng nghiệp, cấp trên nhìn nhận thiếu tích cực, thiếu thiện cảm, thậm chí có thể bị ghét, bị trù dập. 

Cán bộ dám nghĩ, dám làm thường rất đơn độc, gặp nhiều nguy hiểm - 1

Các đại biểu dự Hội nghị Trung ương 8, khóa XIII. (Ảnh: TTXVN).

Cán bộ dám nghĩ, dám làm dễ vướng vòng lao lý

Trả lời PV VTC News về vấn đề này, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, cho rằng việc Chính phủ ban hành Nghị định 73 là cần thiết bởi những cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm sẽ có những rủi ro nên cần phải có cơ chế bảo vệ.

Bên cạnh một bộ phận cán bộ với tư tưởng "đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử", theo ông Tiến, có những cán bộ, người đứng đầu cơ quan dám nghĩ, dám làm, có tầm nhìn xa, làm những việc mang tính chất dự báo, đón đầu thời đại nhưng những bất cập về mặt quy định của pháp luật chưa đồng bộ, còn vênh nhau khiến họ dễ vướng vòng lao lý.

"Những việc chưa có tiền lệ thường chưa có quy định cụ thể nào liên quan. Nếu anh làm, khi cơ quan kiểm tra của Đảng vào cuộc thì khó tránh khỏi việc phát hiện sai phạm. Cán bộ nhiều khi vì công việc, vì lợi ích chung lại phải đơn độc trước cơ quan bảo vệ pháp luật. Những tấm gương nhãn tiền đó khiến nhiều người khác chùn bước, từ trì trệ đến đình trệ, từ giảm lửa đến tắt lửa, từ dấn thân đến phòng thân", ông Lê Như Tiến nêu thực tế.

Ông Tiến kiến nghị cùng với sự ra đời của Nghị định 73 cần có những quy định cụ thể, kết hợp với các thông tư Bộ, thông tư liên Bộ để cán bộ dám nghĩ, dám làm được bảo vệ thực chất.

Cạnh đó, ông Tiến cho rằng pháp luật chồng chéo khiến cho cán bộ, công chức có tâm lý e dè, sợ sai dẫn đến né tránh, đùn đẩy công việc, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, không dám quyết định công việc thuộc thẩm quyền.

"Tôi cho rằng chúng ta chưa trao "thượng phương bảo kiếm" cho những người dám nghĩ, dám làm. Để giờ cấp quyết định không dám quyết, cấp tham mưu không dám lên tiếng.

Trao "thượng phương bảo kiếm" là cho họ những quyền tự quyết và khi quyết rồi thì phải tự chịu trách nhiệm. Không thể cứ việc gì ông Chủ tịch xã cũng phải đề xuất lên ông Chủ tịch huyện, Chủ tịch huyện không quyết lại đùn lên Chủ tịch tỉnh", vị đại biểu Quốc hội khoá XIII nói.

Cán bộ dám nghĩ, dám làm thường rất đơn độc, gặp nhiều nguy hiểm - 2

Bình luận mở rộng vấn đề này, PGS.TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, nhận định, thực tiễn luôn vận động phát triển, đặt ra những vấn đề mới. Cùng đó là xuất hiện nhiều điểm nghẽn, nhiều nút thắt, nhiều cái mới phải thực hiện nhưng chưa có quy định.

Trong việc khuyến khích cám bộ dám nghĩ, dám làm, theo ông Phúc, khó nhất là phân biệt ranh giới giữa cái đúng - cái sai, giữa làm vì tập thể, cái chung với tính chất cá nhân, lợi ích nhóm; thậm chí là núp bóng, nhân danh dám nghĩ, dám làm để làm liều, thực hiện ý đồ của bản thân.

"Việc làm rõ nội hàm "cái chung", tránh lợi dụng để lồng ghép lợi ích cá nhân vào là rất quan trọng. Cùng đó cũng tránh cho những cán bộ dám nghĩ, dám làm, vì lợi ích chung nhưng chưa thành công thì bị đem ra kỷ luật, đòi đền bù", ông Phúc nói.

PGS.TS Vũ Văn Phúc đánh giá, Chính phủ ban hành Nghị định 73 là cơ sở pháp lý, mở ra một cơ hội mới, giai đoạn mới để cho cán bộ dám nghĩ, dám làm và được khuyến khích, bảo vệ khi vì cái chung.

Dẫn điều 6 của Nghị định 73 về những việc cơ quan, tổ chức, cán bộ và cá nhân không được làm trong khuyến khích, bảo vệ cán bộ, ông Phúc cho biết, Chính phủ nghiêm cấm việc lợi dụng chính sách, biện pháp khuyến khích, bảo vệ cán bộ để thực hiện hoặc bao che hành vi tham nhũng, tiêu cực, trục lợi, vi phạm kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

"Hay việc cản trở, gây khó khăn, xúc phạm danh dự, nhân phẩm cán bộ năng động, sáng tạo; né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong trình tự, thủ tục phê duyệt và triển khai thực hiện các đề xuất đổi mới, sáng tạo… có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự", Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương nêu rõ.

Cũng theo PGS.TS Võ Văn Phúc, dù quy định pháp luật có ban hành nhiều, chặt chẽ đến đâu nhưng nếu người cán bộ, công chức không trong sáng, không vì lợi ích chung thì vi phạm vẫn diễn ra.

Không nên chỉ dừng lại ở nghị định, cần luật hóa

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau) đánh giá Nghị định 73 là văn bản bước đầu, cụ thể hoá Kết luận số 14 của Bộ Chính trị trên tinh thần đưa ra khung khổ pháp lý để bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.

"Về lâu dài, nội dung này cần phải được luật hoá trong một đạo luật. Vấn đề này tôi đã đề nghị rất nhiều lần ở diễn đàn Quốc hội, đó là "Luật Thu hút và trọng dụng nhân tài" bởi quy mô của một nghị định chưa đủ tầm tác động đến toàn xã hội", ông Vân nói và nêu rõ nghị định của Chính phủ chỉ mang tính nhận thức chung chứ chưa trở thành khái niệm pháp lý tròn trịa.

Vị đại biểu Quốc hội cho rằng, trong cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung phải xác định được dám nghĩ, dám làm là gì?

"Ví dụ dám nghĩ được hiểu là nghĩ những cái người ta chưa nghĩ đến. Dám làm là làm những cái người ta không dám làm hoặc chưa được phép làm. Khi luật hoá phải giải thích từ ngữ và đưa ra những tình huống cụ thể", ông Vân nêu quan điểm.

Cán bộ dám nghĩ, dám làm thường rất đơn độc, gặp nhiều nguy hiểm - 3

Bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm là vấn đề được các đại biểu quan tâm tại các kỳ họp của Quốc hội. (Ảnh: quochoi.vn).

Một thuật ngữ khác cũng được đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân đề cập là "vì lợi ích chung". Theo ông, lợi ích chung là lợi ích của Đảng, của quốc gia, dân tộc, của Nhân dân.

Lợi ích chung không trái với đường lối, chủ trương của Đảng, tức là Cương lĩnh chính trị và Nghị quyết Đại hội Đảng. Còn nếu có thể khác với các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, nghị quyết của Bộ Chính trị thì cần đề xuất với cơ quan có thẩm quyền cho thí điểm.

"Vì lợi ích chung cũng không được trái Hiến pháp, nếu như vượt trần pháp luật, vượt các nghị quyết của cơ quan có thẩm quyền thì cũng phải đề xuất cho thí điểm", ông Vân nói và dẫn chứng khi đối phó với dịch COVID-19, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 30/2021/QH15, đây là việc làm chưa từng có tiền lệ.

Và điều cơ bản nhất mà ông Vân lưu ý là những việc làm chưa từng có tiền lệ thì không được vượt trần của chế độ chính trị, không được làm thay đổi bản chất xã hội.

"Cùng đó là phải xem nội dung đó có khả thi hay không, giữa thực trạng và triển vọng có mối liên hệ thế nào? Ví dụ, nếu người ta đưa ra việc dám nghĩ mang tính hoang đường thì không có cơ sở thực tiễn để minh định được. Tuy nhiên, nếu những đề xuất nhìn thấy được logic thì phải ủng hộ", đại biểu Quốc hội nói.

Ông Vân phân tích trong cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, khi nhìn vào kết quả thì phải có cách nhìn khách quan, phải đặt trong mối quan hệ biện chứng giữa điều kiện thuận lợi và điều kiện khó khăn, những tình thế bất khả kháng.

Theo đó, nếu trong điều kiện thuận lợi mà kết quả diễn ra ngược lại với mong muốn thì đấy là sự thất bại và phải chịu trách nhiệm, bởi có thể đó là do lợi dụng cơ chế, chính sách để trục lợi.

"Còn trường hợp do những điều kiện khách quan, bất khả kháng mà không hoàn thành được, ví dụ như một mô hình thí nghiệm ngoài trời mà gặp phải dông bão nên thất bại, thì cần phải chia sẻ những thiệt hại gây ra từ việc đầu tư. Việc này phải làm một cách chặt chẽ để tránh lợi dụng trong cơ chế bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm", ông Vân đề xuất.

Một vấn đề nữa được ông Lê Thanh Vân lưu ý là khi xem xét kỷ luật cán bộ dám nghĩ, dám làm cần minh bạch, rõ ràng. Nếu chứng minh được cán bộ có hành vi tham nhũng, trục lợi thì phải xử lý, kỷ luật ngay.

"Ngược lại, việc họ đột phá trong cơ chế, chính sách đã mang lại hiệu quả chung thì phải hồi tố. Bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm thì xã hội mới tin và những người sắp làm mới tự tin làm được", vị đại biểu Quốc hội đoàn Cà Mau nói thêm.

Nguồn VTC News

Tin cùng chuyên mục