Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Cán bộ tuyên giáo tự làm công tác tư tưởng cho mình
Thứ tư: 08:13 ngày 11/09/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Một trong những nhiệm vụ của cán bộ tuyên giáo là làm công tác tư tưởng cho mọi người. Nhưng trong mỗi giai đoạn cách mạng, đặc biệt là trước những thách thức mới luôn có những áp lực tư tưởng không hề nhỏ đối với cán bộ tuyên giáo. Câu hỏi đặt ra là, ai sẽ làm công tác tưởng cho họ? Đương nhiên, câu trả lời là cán bộ tuyên giáo trước tiên phải tự làm tư tưởng tốt cho chính mình, có như vậy mới làm tốt nhiệm vụ chính trị được giao.


Hội nghị giao ban công tác tuyên giáo 6 tháng đầu năm 2019 các tỉnh khu vực Tây Bắc, miền núi phía Bắc và một số tỉnh Bắc Trung bộ. (Ảnh minh họa)

Làm tuyên truyền, định hướng, cũng là một công việc của cán bộ huấn luyện. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn người cán bộ huấn luyện: “Người huấn luyện phải học thêm mãi thì mới làm được công việc huấn luyện của mình. Mỗi người đều phải ghi nhớ và thực hành điều đó, những người huấn luyện lại càng phải ghi nhớ hơn ai hết... Người huấn luyện nào tự cho là mình đã biết đủ cả rồi, thì người đó dốt nhất”. Trên Báo Sự thật, số 79, từ ngày 26-6 đến ngày 9-7-1947, khi nói về tuyên truyền và cách tuyên truyền, Người chỉ ra:

“Trước hết, mình phải hiểu rõ.
Hai là, phải biết cách nói.
Ba là, phải có lễ độ.
Người tuyên truyền cần phải chịu khó, chịu khổ, khéo ở, siêng làm”(1).

Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa X cũng nêu: “Công tác tư tưởng của Đảng là công tác đối với con người, một nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải nắm vững những quy luật riêng của tư tưởng, có thái độ, phương pháp khoa học, kết hợp chặt chẽ giữa yêu cầu định hướng tư tưởng với sự tự nguyện, giữa lý trí và tình cảm, giữa lời nói và việc làm, giữa “xây” và “chống”, lấy “xây” làm chính...”(2).

Nhìn lại chặng đường lịch sử gần 90 năm qua, những thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng là thắng lợi của sự tập hợp trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Thành công của cách mạng Việt Nam với sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị luôn gắn liền với đóng góp thiết thực, hiệu quả của đội ngũ cán bộ tuyên giáo chuyên trách và bán chuyên trách các cấp qua mọi giai đoạn của cách mạng. Đội ngũ cán bộ tuyên giáo đã có nhiều đóng góp tích cực và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng cả về chính trị, tư tưởng trong công tác xây dựng đảng đồng thời góp phần nâng cao nhận thức, tri thức, bồi dưỡng lý tưởng, lẽ sống; xây dựng niềm tin, định hướng giá trị đúng đắn và cổ vũ, thúc đẩy hành động cho cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Trong bối cảnh hiện nay, xuất phát từ nhiệm vụ cách mạng mới, xu thế thế giới đang diễn biễn phức tạp, khó đoán định, cuộc sống đầy biến động; các thế lực thù địch không ngừng chống phá quyết liệt bằng mọi thủ đoạn, phương thức nhằm tạo “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, chuyển hướng về tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Điều đó đang đặt ra những yêu cầu nhiệm vụ mới, đòi hỏi bản lĩnh tư tưởng, năng lực tham mưu mới, sáng tạo, tổ chức thực hiện gắn với thực tiễn của cán bộ ngành tuyên giáo. 

Bên cạnh những ưu điểm đã đạt được, đội ngũ cán bộ tuyên giáo còn phải vượt qua thách thức trong đó có thách thức xuất phát từ chính hạn chế, bất cập của người “làm nghề” như chưa chủ động, kịp thời, sáng tạo trong công việc; ý thức tự học, tự bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng phục vụ công tác chuyên môn chưa cao; thiếu thực tiễn, chỉ dừng ở tuyên truyền cái đã có; việc nhận định, giải đáp những vấn đề cuộc sống đặt ra cho phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng chưa đáp ứng nhu cầu và trình độ phát triển nhận thức ngày càng cao của nhân dân. Chưa kể một bộ phận dễ dàng dao động, nhận thức, trình độ lý luận chưa vững, chưa sâu, chưa hay mà thực tế cũng chưa sát, thiếu kỹ năng và phương pháp cũng như chưa đủ độ thuyết phục, định hướng, tham mưu...

“Tư tưởng không thông đeo bình tông cũng nặng” tưởng chỉ là câu nói hài hước, dí dóm nhưng lại chứa đựng trong đó cả một triết lý khoa học. Cán bộ Tuyên giáo muốn làm tốt nhiệm vụ thì trước hết phải biết làm tốt công tác tư tưởng cho chính mình. Nghĩa là phải có tâm sáng để không “lăn tăn”, “lấn cấn”; phải có niềm tin và tình cảm để không hoài nghi - nói khác với suy nghĩ.

Tư tưởng của mình phải “sạch” đã thì mới có thể làm tư tưởng cho các đối tượng khác. Khi tâm sáng, có niềm tin và tình cảm, khi chính mình đã “thông” về tư tưởng thì phong cách, phương pháp và hiệu quả của công tác tư tưởng - tuyên truyền mới thực chất, có sức hấp dẫn, thu hút được người khác. Vì vậy, muốn tự mình làm tốt công tác tư tưởng cho chính mình, theo chúng tôi, người cán bộ tuyên giáo cần phải làm cho được những “đòi hỏi và yêu cầu” sau:

Trước tiên, phải tự rèn luyện để xây dựng niềm tin trong nghề nghiệp và cuộc sống. Niềm tin hình thành từ 3 cấp độ: hiểu biết, tri thức (thế giới quan, lý tưởng, nhu cầu, lợi ích; tâm trạng của chủ thể; quy mô và cường độ tác động). Phát triển lên thành tình cảm (rung cảm, yêu hay ghét) và chuyển thành ý chí (tin theo, hành động theo). Chỉ khi có niềm tin, mới kiên định lý tưởng, tư tưởng mới vững vàng, tuyên truyền mới hiệu quả trước những biến động của cuộc sống. Đồng thời, có niềm tin mới nhận thức đúng, tri thức đúng về nhân sinh quan, về quan hệ, ứng xử, về thời cơ và thách thức...

Vì thế, người cán bộ tuyên giáo cần có nhận thức đúng đắn về đặc điểm, tích chất nghề nghiệp, vững vàng tư tưởng trước những thử thách của cuộc sống. Bởi vì, công tác tuyên giáo là bộ phận cấu thành đặc biệt trong toàn bộ hoạt động của Đảng. Cán bộ tuyên giáo là “chiến sĩ tiên phong”, “gác cửa” cho Đảng trên mặt trận tư tưởng. Thông qua họ, Đảng bồi dưỡng nâng cao nhận thức, lý tưởng lẽ sống; khẳng định niềm tin, định hướng giá trị và cổ vũ hành động cách mạng cho cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân.

Cán bộ tuyên giáo cần yêu nghề, có tâm huyết với nghề, phấn đấu để đạt đến: tâm -  tầm - tài. Có thể nói, đó là một tiêu chí nghề nghiệp và đồng thời là điểm tựa nền tảng để đẩy mạnh tuyên truyền, đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”, ngăn chặn “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ngay từ chính bản thân mình rồi mới đến trong nội bộ và ra ngoài xã hội.

Hai là, không ngừng chăm lo rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất, đạo đức cách mạng, trung thành với nhân dân, với Tổ quốc, với Đảng. Thông qua công việc, nhiệm vụ, rèn luyện thực tiễn, qua đấu tranh phê bình và tự phê bình, cán bộ tuyên giáo tiếp thu ý kiến đóng góp xây dựng, học hỏi của quần chúng, đồng nghiệp để tu dưỡng đạo đức. Chỉ có xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ chính trị và gắn bó chặt chẽ với thực tiễn cán bộ tuyên giáo mới hoàn thiện bản thân và phát triển.

Ba là, tận tụy, toàn tâm toàn ý, nhiệt huyết, nêu cao tinh thần nêu gương, vượt khó khăn trong cuộc sống và công việc. Bám sát thực tiễn để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của quần chúng từ đó đề xuất, tham mưu cho cấp ủy các cấp những giải pháp đúng, sáng tạo, kịp thời và hiệu quả.

Cán bộ tuyên giáo là bộ phận trong đội ngũ cán bộ tư tưởng giúp cấp uỷ xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục đạo đức, lối sống, đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, ngăn chặn các tệ nạn xã hội; tổ chức thực hiện công tác giáo dục lý luận chính trị, nâng cao nhận thức và sự thống nhất tư tưởng và hành động trong Đảng và trong nhân dân. Vì thế, phải toàn tâm, toàn ý và gắn với thực tiễn, lắng nghe hơi thở của cuộc sống.

Một khi quần chúng đã ủng hộ, tích cực tham gia công tác tuyên truyền, giáo dục, đấu tranh chống tiêu cực để tạo nên dư luận xã hội lành mạnh thì công tác tư tưởng có sức mạnh và hiệu quả rất lớn. Nhiều địa phương, cơ sở với những sáng kiến, hình thức tập hợp lực lượng đã mạnh dạn đầu tư cho sản xuất, quyết tâm chiến thắng nghèo nàn và lạc hậu, vươn lên làm giàu, xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.

Những gương điển hình về phát triển sản xuất, khôi phục và phát triển làng nghề, giải quyết việc làm cho người lao động... ngày càng nhiều và được tuyên truyền kịp thời, tạo nên sức sống mới. Và chính những thành tựu của các phong trào thi đua hành động cách mạng ấy là cơ sở lý luận vững chắc, để giải quyết những vấn đề bức xúc và cổ vũ động viên cán bộ tuyên giáo để kịp thời nắm được diễn biến tư tưởng của quần chúng, để có nội dung, biện pháp giáo dục phù hợp với từng đối tượng cụ thể, tạo sự ổn định về tư tưởng, chính trị, thúc đẩy các phong trào hoạt động có hiệu quả.

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, người cán bộ tuyên giáo phải không ngừng tự rèn luyện, tu dưỡng và chủ động tự làm tư tưởng có hiệu quả để nâng cao năng lực, phẩm chất đạo đức cách mạng.

Bốn là, luôn tự rèn luyện về phong cách, lối sống. Bản thân mỗi cán bộ tuyên giáo phải là một tấm gương trách nhiệm và thực hiện nghiêm túc các nghị quyết của Đảng. Người luôn luôn yêu cầu cán bộ, đảng viên phải gương mẫu trong mọi việc. Không có lĩnh vực nào mà tác dụng nêu gương lại quan trọng bằng lĩnh vực tư tưởng, đạo đức.

Trong gia đình, đó là tấm gương của cha, mẹ đối với con cái, của anh, chị đối với các em; trong xóm làng, khu phố, đó là tấm gương của các bậc cao niên, các cựu chiến binh, các thế hệ đi trước đối với thế hệ trẻ; trong cơ quan Đảng và Nhà nước, đó là tấm gương của các đồng chí phụ trách, lãnh đạo đối với nhân viên, của cấp trên đối với cấp dưới; trong toàn xã hội, đó là tấm gương của những “người tốt việc tốt”, đối với mọi đối tượng, mọi tầng lớp nhân dân.

Phương pháp “nêu gương” đòi hỏi mỗi cán bộ tuyên giáo ở bất kỳ vị trí nào cũng phải nêu cao tính chiến đấu tự phê bình và phê bình. Bởi vì, quần chúng nhân dân luôn chú ý tới lời nói và việc làm của người chiến sĩ tiên phong trên lĩnh vực tư tưởng để xem có nên noi theo hay không noi theo.

Năm là, phải luôn thường xuyên tự đào tạo, tự bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, kỹ năng truyền thụ, kiến thức, niềm tin, thống nhất ý chí và hành động để nói và viết có sức thuyết phục, cảm hóa. 

Là cán bộ nghiên cứu, giáo dục lý luận, trước hết mỗi cán bộ tuyên giáo cần thấm nhuần và thực hiện tốt hơn lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất về công tác huấn luyện và học tập, ngày 6-5-1950 là: Học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân. Trên báo Nhân dân, số 2187, ngày 14-3-1960, Bác còn chỉ ra: Chúng ta cần học nhiều thứ: học chính trị, học văn hoá, học kỹ thuật, nghiệp vụ. Ngoài cách học ở trường, ở lớp, học trên sách, báo, v.v.. có một cách học rất tốt ai cũng có thể tham gia hằng ngày. Đó là cách học tập ngay trong sản xuất, học tập những người, những tổ, những đơn vị tiên tiến(3).

Tin rằng, với sự nỗ lực và kiên định của bản thân, sự đoàn kết phối hợp, cộng tác của đồng sự, đồng nghiệp, sự quan tâm gần gũi, chia sẻ của gia đình, người thân, tư tưởng của cán bộ tuyên giáo sẽ bớt đi những phiền muộn của cuộc sống, áp lực của công việc, yên tâm công tác, nhiệt tình, trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng và nhân dân giao phó./.

______________________________

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2011, t.5, tr.191, 192.

(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa X, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2007, tr.42.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr. 528.

Nguyễn Toàn Năng
Trường Chính trị Bắc Giang

Nguồn tuyengiao

Tin cùng chuyên mục