PC vị trí 1 - Tuyên truyền - Đầu trang
PC vị trí 1 - Tuyên truyền - Đầu trang
Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Cần cải thiện chất lượng đào tạo nghề
Thứ sáu: 06:01 ngày 19/01/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ có liên quan tìm cách cải thiện chất lượng đào tạo, vì “có những địa phương rất nhiều trường dạy nghề nhưng hầu như chỉ dạy lý thuyết”.

Công nhân làm việc tại một nhà máy trong KCN Trảng Bàng.

Ngày 17.1.2018, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác lao động, người có công và xã hội năm 2017 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2018. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung chủ trì hội nghị.

Tại điểm cầu Tây Ninh, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thanh Phong, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tây Ninh Huỳnh Thanh Phương và lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan tham dự hội nghị.

NGƯỜI LAO ĐỘNG THU NHẬP BÌNH QUÂN GẦN 5,4 TRIỆU ĐỒNG

Báo cáo tại hội nghị, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cho biết, năm 2017, Bộ đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn triển khai Luật Giáo dục nghề nghiệp; tiếp nhận chức năng quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp đối với các trường cao đẳng, trường trung cấp từ ngành Giáo dục và Đào tạo; hướng dẫn cơ sở giáo dục nghề nghiệp xây dựng, chuyển đổi chương trình đào tạo theo Luật Giáo dục nghề nghiệp.

Bộ đã hướng dẫn các địa phương rà soát, đánh giá hoạt động, sắp xếp lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp bảo đảm phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển nhân lực của cả nước, các ngành và các địa phương (trong đó, sáp nhập các trường trên cùng địa bàn, giải thể trường hoạt động không hiệu quả, sáp nhập trường trung cấp vào trường cao đẳng, sáp nhập trường cao đẳng, trung cấp vào trường đại học); đẩy mạnh xã hội hoá phát triển giáo dục nghề nghiệp. Tính đến nay, cả nước có 1.974 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm: 388 trường cao đẳng, 551 trường trung cấp và 1.035 trung tâm giáo dục nghề nghiệp.

Liên quan vấn đề giải quyết việc làm, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, Quỹ quốc gia về việc làm đã giải quyết việc làm cho khoảng 110.000 lao động; tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển, mở rộng thị trường lao động ngoài nước; tăng cường quản lý, chấn chỉnh để ổn định và phát triển bền vững hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, đặc biệt tại các thị trường trọng điểm như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc. Đối với chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), Bộ đã hướng dẫn triển khai các chính sách đối với lao động khi thực hiện cổ phần hoá đơn vị sự nghiệp công lập.

Thu nhập bình quân hằng tháng từ việc làm chính của lao động làm công hưởng lương đạt 5,36 triệu đồng, tăng 434.000 đồng (tăng 8,8%) so với cùng kỳ năm 2016. Đến hết tháng 12.2017, tổng số người tham gia bảo hiểm xã hội trong cả nước là gần 14 triệu người, chiếm 25,2% lực lượng lao động (trong đó, 13,52 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, 291.000 người tham gia BHXH tự nguyện) và trên 11,4 triệu người tham gia BHTN.

Thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, năm 2017 là tròn 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, các địa phương trong cả nước đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, nghiêm túc, trách nhiệm, hoạt động kỷ niệm được tổ chức trọng thể, có chiều sâu, với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, tạo ra sức lan toả mạnh mẽ trong xã hội, được dư luận trong cả nước ghi nhận, đánh giá cao, mang ý nghĩa chính trị xã hội to lớn.

Bộ và các cơ quan chức năng địa phương tiến hành rà soát, xem xét, giải quyết từng trường hợp cụ thể hồ sơ người có công còn tồn đọng. Kết quả, đã xác nhận và tổ chức trao bằng Tổ quốc ghi công cho 1.250 liệt sĩ, công nhận 2.500 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh.

 Một số lĩnh vực khác như công tác giảm nghèo, bảo vệ trẻ em, bình đẳng giới, cải cách hành chính, hợp tác quốc tế... cũng đạt nhiều thành quả quan trọng. Trong đó, công tác giảm nghèo được đặc biệt chú trọng. Năm 2017, tổng nguồn vốn dành cho Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo hơn 7.200 tỷ đồng. Bộ phối hợp với các cơ quan Trung ương tổ chức chương trình truyền hình trực tiếp “Chung tay vì người nghèo năm 2017” với tinh thần “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương những thành quả mà ngành LĐ-TB&XH trong cả nước đã làm được. Theo Thủ tướng, năm 2017, lĩnh vực giảm nghèo đã đạt được nhiều kết quả đáng phấn khởi, một số huyện có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thuộc diện Quyết định 30a của Chính phủ đã ra khỏi danh sách huyện nghèo.

Năm qua, cả nước có hơn 135.000 người đi lao động xuất khẩu ở những thị trường đòi hỏi tính kỷ luật cao. Trong lĩnh vực an sinh xã hội, Thủ tướng nhắc lại, năm 2017, Việt Nam đã chịu 17 cơn bão lớn nhỏ, điều này đã ảnh hưởng nặng nề đến đời sống, sản xuất của người dân ở nhiều vùng trong cả nước. Để hỗ trợ đồng bào, Chính phủ đã xuất 130.000 tấn gạo hỗ trợ đồng bào gặp thiên tai, lũ lụt.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ ra những hạn chế tồn tại, đó là năng suất lao động thấp, tỷ lệ sinh viên thất nghiệp còn cao, lĩnh vực đào tạo nghề còn nhiều yếu kém, đặc biệt là đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Cũng liên quan đến lĩnh vực đào tạo nghề, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ có liên quan tìm cách cải thiện chất lượng đào tạo, vì “có những địa phương rất nhiều trường dạy nghề nhưng hầu như chỉ dạy lý thuyết” .

Về xuất khẩu lao động, Thủ tướng Chính phủ cho rằng công tác quản lý người lao động Việt Nam ở nước ngoài còn hạn chế, nhiều lao động bỏ việc, sống vi phạm pháp luật ở nước sở tại làm ảnh hưởng đến uy tín của nước ta trong mắt bạn bè quốc tế. Liên quan đến vấn đề hồ sơ tồn đọng của người có công, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ LĐ-TB&XH là một Bộ “hiện thân của lòng nhân văn”, vì thế phải hết sức quan tâm, tìm giải pháp giải quyết những hồ sơ chính sách còn tồn đọng.

Một cơ sở đào tạo nghề.

TÂY NINH THỰC HIỆN TỐT CHÍNH SÁCH NGƯỜI CÓ CÔNG

Tại Tây Ninh, lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, trong lĩnh vực giải quyết việc làm, năm 2017, toàn tỉnh có thêm 18.185 người tìm được việc làm, đạt 107% kế hoạch năm.

Về quan hệ lao động, toàn tỉnh xảy ra 6 vụ tranh chấp lao động tập thể dẫn đến lãn công tại 5 công ty với 2.037 lao động tham gia (giảm 7 vụ so với năm 2016). Nguyên nhân các vụ đình công chủ yếu do người sử dụng lao động không thực hiện tốt những quy định của pháp luật lao động. Tất cả các cuộc đình công trên đều đã được hoà giải thành công.

Đối với công tác đào tạo nghề, Trường cao đẳng nghề Tây Ninh, Trường trung cấp nghề khu vực Nam Tây Ninh, Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tiếp tục tuyển sinh và đào tạo nghề theo kế hoạch. Toàn tỉnh tuyển mới và đào tạo nghề cho 5.946 người, phần lớn là đào tạo nghề sơ cấp.

Thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, tỉnh đã giải quyết kịp thời, đầy đủ các chế độ chính sách như chi trả trợ cấp hằng tháng cho 10.775 đối tượng, trợ cấp 1 lần cho 8.010 đối tượng; tổ chức điều dưỡng luân phiên cho 889 người có công với cách mạng tại Nha Trang và điều dưỡng tại gia đình 4.157 đối tượng. Về chăm sóc y tế, hơn 22.000 thẻ BHYT đã được cấp cho đối tượng người có công và thân nhân.

Trong công tác giải quyết hồ sơ tồn đọng, đề nghị xác nhận người có công, Sở LĐ-TB&XH cho biết, toàn tỉnh hiện còn 5 hồ sơ tồn đọng giải quyết theo quyết định của Trung ương, trong đó có 2 hồ sơ liệt sĩ trình UBND tỉnh xem xét giải quyết theo quy định, 1 hồ sơ thương binh chuyển ngành quân đội giải quyết, 1 trường hợp tự xin rút hồ sơ không đề nghị giải quyết và 1 trường hợp đang khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định.

Về chăm sóc tinh thần, vật chất, Tây Ninh tổ chức chu đáo lễ viếng nghĩa trang liệt sĩ Trà Võ, nghĩa trang liệt sĩ Tân Biên và các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, toàn tỉnh tổ chức họp mặt, thăm hỏi, tặng quà cho trên 68.150 lượt đối tượng chính sách.

UBND tỉnh tổ chức trang trọng lễ truy điệu và an táng 266 hài cốt liệt sĩ tại nghĩa trang liệt sĩ Tân Biên; tổ chức lễ phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” cho 24 mẹ; trao 31 Huân chương Độc lập cho thân nhân gia đình liệt sĩ.. Đồng thời, tổ chức đêm ca nhạc gây Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” với chủ đề “Tháng 7 tri ân”, số tiền vận động được hơn 17 tỷ đồng.

NHƯNG CHƯA ĐẠT CHỈ TIÊU GIẢM NGHÈO

Nhìn lại công tác năm 2017, lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH nhận thấy, các chỉ tiêu giải quyết việc làm, dạy nghề đạt kế hoạch đề ra, chính sách bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện kịp thời. Chính sách đối với người có công tiếp tục được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện tốt, các chính sách hỗ trợ người nghèo được thực hiện đạt kết quả. Tuy nhiên, tỷ lệ giảm nghèo chỉ đạt 0,7%, không đạt so với chỉ tiêu đề ra là giảm 1%.

Công tác cai nghiện ma tuý tại gia đình và cộng đồng vẫn chưa đạt hiệu quả cao; hoạt động của tổ công tác cai nghiện ma tuý còn hình thức, không khả thi, khó thực hiện trên thực tế. Cơ sở cai nghiện ma tuý đang quản lý người nghiện ma tuý không có nơi cư trú ổn định, phần lớn đối tượng sử dụng ma tuý tổng hợp (ma tuý đá) đang trong thời gian chờ toà án xem xét và trong thời gian cắt cơn, giải độc nên tư tưởng chưa ổn định, khó quản lý.

Lao động - Thương binh và Xã hội là một lĩnh vực rất rộng lớn, liên quan mật thiết đến từng người dân với đủ mọi nhóm đối tượng, thành phần trong xã hội. Trong nhiều năm qua, Nhà nước đã dành nguồn lực rất lớn cho lĩnh vực này, kể cả vốn vay của các định chế tín dụng quốc tế.

Tuy vậy, hiệu quả thực chất, tính bền vững của các chương trình, đề án thuộc lĩnh vực lao động, đào tạo nhân lực và giải quyết tình trạng thất nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Lĩnh vực này có những vấn đề còn bị đánh giá một cách cảm tính, không có công cụ đo lường hoặc đo lường không đúng thực tế, tính khoa học, tính khách quan chưa cao.

VIỆT ĐÔNG

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh