Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Việc dựng rạp đám tang, đám cưới, đám giỗ lấn chiếm lòng, lề đường giao thông còn có sự nể nang, thông cảm cho những hộ dân có nhà gần đường giao thông lẫn chính quyền địa phương.
Một hộ gia đình lấn chiếm cả lòng đường Nguyễn Hữu Thọ thuộc địa bàn phường Hiệp Ninh, thành phố Tây Ninh để dựng rạp đám cưới (ảnh chụp ngày 15.2.2023).
Thế nhưng, khi sự thông cảm bị lợi dụng sẽ dẫn đến phiền phức, bức xúc. Thay vì chỉ dựng rạp lấn ra một phần mặt đường, phần lớn diện tích mặt đường còn lại phải chừa để xe cộ và người lưu thông thì có không ít hộ gia đình cho dựng rạp lấn chiếm phần lớn lòng đường, thậm chí chiếm cả không gian lòng đường giao thông. Nhiều phương tiện giao thông, đặc biệt là xe ô tô, ô tô tải buộc phải quay đầu tìm đường đi vòng, nhiều trường hợp phải đi vòng khá xa, gây bức xúc.
Tại Điều 36 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 về mục đích sử dụng lòng đường, hè phố và các hoạt động khác trên đường phố có quy định rõ lòng đường và hè phố chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông.
Các hoạt động khác trên đường phố phải thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 35 của Luật này, trường hợp đặc biệt, việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố vào mục đích khác do UBND cấp tỉnh quy định nhưng không được làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông.
Pháp luật có quy định về việc sử dụng tạm thời một phần hè phố không vào mục đích giao thông (tại khoản 4 Điều 1 Nghị định 100/2013/NĐ-CP của Chính phủ). Cụ thể, trong trường hợp tổ chức đám tang và điểm trông, giữ xe phục vụ đám tang của hộ gia đình, thời gian sử dụng tạm thời hè phố không quá 48 giờ, trường hợp đặc biệt không được quá 72 giờ; tổ chức đám cưới và điểm trông, giữ xe phục vụ đám cưới của hộ gia đình, thời gian sử dụng tạm thời hè phố không quá 48 giờ. Lưu ý là phần hè phố còn lại dành cho người đi bộ có bề rộng tối thiểu đạt 1,5m.
Tuy nhiên, đó là hè phố chứ không phải lòng đường. Riêng việc được sử dụng tạm thời một phần lòng đường không vào mục đích giao thông (cũng tại khoản 4 Điều 1 Nghị định 100/2013/NĐ-CP của Chính phủ) trong các trường hợp như làm điểm trông, giữ xe ô tô phục vụ các hoạt động văn hoá, thể thao, diễu hành, lễ hội; thời gian sử dụng tạm thời lòng đường không quá thời gian tổ chức hoạt động đó.
Ngoài ra, được sử dụng tạm thời một phần lòng đường làm điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt của doanh nghiệp vệ sinh môi trường đô thị; thời gian sử dụng từ 22 giờ đêm hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau.
Vị trí lòng đường được phép sử dụng tạm thời không thuộc tuyến quốc lộ đi qua đô thị, phần lòng đường còn lại dành cho các loại phương tiện có bề rộng tối thiểu bố trí đủ 2 làn xe cho một chiều đi, lòng đường có kết cấu chịu lực phù hợp với trường hợp được phép sử dụng tạm thời.
Như vậy, có thể thấy việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường để làm chỗ dựng rạp đám tang, đám cưới, đám giỗ là không được pháp luật thừa nhận; trên thực tế có những trường hợp chiếm cả lòng đường để dựng rạp là hoàn toàn làm trái quy định của pháp luật.
Hành vi lấn chiếm lòng đường là vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30.12.2019 của Chính phủ (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt).
Tại điểm a, khoản 5 Điều 12 Nghị định này có quy định phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với cá nhân, từ 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng đối với tổ chức khi thực hiện hành vi dựng rạp, lều quán, cổng ra vào, tường rào các loại, công trình khác trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ, trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm đ khoản 6, điểm b khoản 8, điểm a khoản 9 Điều 12 đang đề cập.
Đã đến lúc cơ quan chức năng cần quan tâm chấn chỉnh hơn nữa tình trạng này, bảo đảm an toàn giao thông, góp phần giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương. Sự thông cảm nên nằm trong giới hạn an toàn, tránh gây phiền phức và bức xúc cho người xung quanh.
Minh Quốc