Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Cần 'chắp cánh' cho du lịch làng nghề
Thứ bảy: 05:30 ngày 14/10/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Để tồn tại và phát triển, bên cạnh việc xây dựng mẫu mã, chất lượng, phát triển du lịch đang được xem là giải pháp hữu hiệu nhằm khai thác thế mạnh của các làng nghề thủ công truyền thống Việt Nam.

Nhiều tiềm năng

Nghề thủ công truyền thống Việt Nam với 11 nhóm nghề chính là: Dệt, gỗ, cói, sơn mài, gốm sứ thủy tinh, thêu ren, mây tre đan, giấy thủ công, tranh in khuôn gỗ, chạm khắc đá, kim khí đúc đồng, chạm bạc, đã tạo nên hàng nghìn làng nghề phân bố khắp cả nước, trong đó có hơn 2.000 làng nghề thủ công đã được công nhận.

Đi từ Bắc vào Nam, nơi đâu chúng ta cũng có thể bắt gặp các làng nghề truyền thống ở các vùng quê. Châu thổ Bắc Bộ có mật độ làng nghề cao nhất cả nước với khoảng hơn 1500 làng nghề (chiếm khoảng 79%), tập trung nhiều ở một số địa phương như: Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nam, Nam Định…

Các làng nghề nổi tiếng được biết đến là: Làng gốm Bát Tràng, làng tranh Đông Hồ, làng cốm Vòng, làng nghề tương Bần Yên Nhân, làng nghề gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ, làng lụa Vạn Phúc; các làng nghề sơn mài như: Hạ Thái, Bối Khê, Sơn Đồng, Cát Đằng…

Miền Trung có hơn 300 làng nghề (chiếm khoảng 15,5%) với các làng nghề nổi tiếng như: Tranh làng Sình, làng gốm Thanh Hà, làng nghề chạm khắc gỗ Mỹ Xuyên, làng mộc Kim Bồng, làng nghề nón Phú Cam, làng đúc đồng Phúc Kiều, làng dệt Mã Châu, làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước…

Ở miền Nam có trên 100 làng nghề (chiếm khoảng 5,5%) với các làng nghề thủ công tiêu biểu như: Làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp, các làng gốm Lái Thiêu, Tân Vạn, làng nghề điêu khắc đá Bửu Long, các làng nghề cây cảnh ở Bến Tre, An Giang…

Theo TS. Nguyễn Thị Lan Hương (Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam), với hệ thống các làng nghề phong phú, đa dạng như vậy, rõ ràng du lịch làng nghề đang là một tiềm năng, thế mạnh của Việt Nam. Đa số du khách quốc tế khi đến Việt Nam đều muốn mang theo về một món đồ thủ công mỹ nghệ, bởi những sản phẩm này luôn chứa đựng những gì tinh tế nhất của một nền văn hóa.

Hơn nữa, theo nhận định của một số chuyên gia du lịch quốc tế thì sự kết hợp giữa du lịch và nghề thủ công truyền thống tại Việt Nam dường như phổ biến hơn so với ở các nước ASEAN khác. Đây chính là điều kiện thuận lợi để du lịch Việt Nam khai thác tạo ra lợi thế cạnh tranh với các nước cùng khu vực.

Du lịch làng nghề cũng được nhiều nhà nghiên cứu, các chuyên gia đánh giá là một loại hình du lịch văn hóa chất lượng cao bởi lẽ làng nghề truyền thống được xem như một tài nguyên du lịch nhân văn có ý nghĩa, một “bảo tàng sống”, nơi lưu giữ kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vừa phong phú, đa dạng, vừa sinh động, cụ thể, góp phần làm nên hệ giá trị của văn hóa dân tộc.

Bên cạnh đó, thông qua việc giữ gìn, phát triển tiềm năng du lịch các làng nghề truyền thống, sẽ giải quyết đáng kể công ăn việc làm, giúp ổn định cuộc sống cho hàng chục nghìn lao động, góp phần tạo động lực thúc đẩy xã hội ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn.

Còn nhiều thách thức

Tuy nhiên, hoạt động du lịch làng nghề hiện vẫn còn nhiều khó khăn, phát triển manh mún, chưa xứng tầm với những lợi thế sẵn có. Nguyên nhân là do hầu hết các làng nghề đều phát triển tự phát, thiếu quy hoạch. Cở sở hạ tầng ở các khu vực làng nghề còn chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại, tham quan và lưu trú của khách du lịch.

Một yếu tố có tác động mạnh đến tâm lý của du khách là tình trạng ô nhiễm môi trường ở nhiều làng nghề hiện nay. Số liệu điều tra của Viện Công nghệ và Môi trường (Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho thấy 100% mẫu nước thải ở các làng nghề được khảo sát có thông số vượt tiêu chuẩn cho phép. Nước mặt, nước ngầm đều có dấu hiệu bị ô nhiễm ở các mức độ khác nhau. Không khí cũng bị ô nhiễm bởi bụi, mùi hóa chất.

Riêng tại Hà Nội, số liệu quan trắc của Trung tâm Quan trắc và Phân tích Tài nguyên và Môi trường tại 22 cụm và 43 làng nghề, cũng như kết quả của Tổng cục Môi trường cho thấy, từ năm 2007, không khí ở một số làng nghề có nồng độ bụi vượt 1,4-1,6 lần giới hạn. Các làng nghề cơ khí có nồng độ các kim loại nặng nhiều nơi vượt giới hạn. Nồng độ nhiều chất hữu cơ độc rất cao.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Lê Tuấn Định cho biết: “Đa số các làng nghề hầu như không có công trình xử lý chất thải phù hợp, chủ yếu xả thẳng ra môi trường dân sinh. Chỉ có khoảng 60% hộ làm nghề có hệ thống xử lý nước thải nhưng còn rất thô sơ”.

Bên cạnh đó, việc thả nổi chất lượng sản phẩm ở một bộ phận hộ dân làng nghề hiện nay đã vô tình kéo lùi sự phát triển của thủ công mỹ nghệ trong phát triển du lịch.

Theo ông Nguyễn Hoàng Lưu - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội: “Không có sự rạch ròi trong việc sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ tại các làng nghề. Các làng nghề lại quá chú trọng vào thị trường tiêu dùng đồ mỹ nghệ cao cấp mà không quan tâm tới thị trường đồ lưu niệm bình dân khi mà thị trường này đang rất sôi động và mang lại nguồn thu lớn. Đó cũng một trong những lý do khiến du lịch làng nghề Việt Nam hiện nay chưa phát triển được”.

Ngoài ra, theo đánh giá của các chuyên gia, công tác tuyên truyền, quảng bá giới thiệu làng nghề cũng chưa thực sự có hiệu quả, nhiều địa phương có tiềm năng du lịch làng nghề rất lớn nhưng chưa được đầu tư khai thác.

Hình ảnh tại một làng nghề truyền thống. Ảnh minh họa

"Đường băng" nào cho du lịch làng nghề

Từ thực tế đó, TS. Nguyễn Thị Lan Hương cho rằng, muốn khai thác phát triển du lịch làng nghề theo hướng bền vững thì cần phải bảo đảm hiệu quả trên các mặt kinh tế, xã hội và môi trường sinh thái. Trong đó, việc đầu tiên là mỗi người dân làng nghề phải được giáo dục về văn hóa du lịch.

Cùng với đó, mỗi làng nghề cần lựa chọn và phục dựng lại những nét văn hóa đặc sắc của làng để tạo điểm nhấn thu hút du khách. Ngoài ra, chính quyền địa phương cần quan tâm tới việc thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, hệ thống khách sạn, nhà hàng, ngân hàng, viễn thông, các dịch vụ giải trí và đẩy mạnh hợp tác với các đơn vị du lịch, lữ hành...

Đặc biệt, cần phải chú trọng đến công tác vệ sinh môi trường ở các làng nghề. Tạo thiện cảm cho du khách từ không gian sản xuất gọn gàng, sạch sẽ đến những phương án xử lý để không ảnh hưởng đến môi trường chung. Xây dựng các quy định về môi trường ở các làng nghề truyền thống trên cơ sở Luật Bảo vệ môi trường và Luật Du lịch.

Ông Lương Ngọc Quy, Giám đốc Công ty TNHH Hamico - chuyên xuất khẩu gốm sứ Bát Tràng (Hà Nội) cho biết, chất lượng sản phẩm cũng là một trong những yếu tố quyết định trong việc thu hút khách du lịch đến với làng nghề.

Theo ông Quy, sản phẩm gốm sứ nói riêng và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo, tinh xảo của Việt Nam đã được xuất khẩu sang nhiều nước châu Âu, Mỹ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc... Có du khách còn tìm đến tận nơi để chiêm ngưỡng việc sản xuất thủ công và mua những mặt hàng độc đáo tại gốc.

Tình hình mới, đòi hỏi các hộ sản xuất phải không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, thay đổi mẫu mã hàng, xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm.

Nếu như trước đây, sản phẩm chủ yếu phục vụ cuộc sống như ấm, chén, bát, đĩa, niêu... thì nay, nhiều hộ đã chú trọng đến sản xuất các sản phẩm trưng bày có giá trị cao như lục bình, tranh gốm, lọ hoa, tượng hay những sản phẩm lưu niệm nhỏ gọn, dễ vận chuyển nhưng vẫn chứa đựng tinh hoa và nghệ thuật truyền thống… phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của khách du lịch trong và ngoài nước.

Nguồn chinhphu

Tin cùng chuyên mục