Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
XỬ LÝ VIỆC CHỐNG NGƯỜI THI HÀNH CÔNG VỤ:
Cần có chế tài nghiêm khắc hơn
Thứ sáu: 17:00 ngày 12/07/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Hành vi chống người thi hành công vụ không chỉ xâm phạm đến hoạt động của các cơ quan Nhà nước, mà còn trực tiếp ảnh hưởng đến sức khoẻ của người thi hành công vụ và gây rối trật tự xã hội. Do đó, hành vi này cần xử lý nghiêm để răn đe và giáo dục, đồng thời cũng là biện pháp bảo đảm an toàn cho người thi hành công vụ.

Lực lượng CSGT, Công an thành phố Tây Ninh xử phạt người vi phạm giao thông

NHIỀU VỤ CHỐNG ÐỐI LỰC LƯỢNG CÔNG AN

Trước đây, TAND huyện Châu Thành đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án hình sự và tuyên phạt các bị cáo Nguyễn Văn Cường (sinh năm 1986) 9 tháng tù giam; Nguyễn Văn Tho (sinh năm 1991), Ðặng Thành Nhân (sinh năm 1998), mỗi bị cáo 6 tháng tù giam về tội Chống người thi hành công vụ. Diễn biến vụ việc như sau: khoảng 13 giờ 20 phút ngày 1.10.2017, Cường được Nguyễn Thanh Tòng gọi đến hỗ trợ đánh nhau. Nhận lời, Cường mang theo một thanh kiếm bằng kim loại dài khoảng 50cm chạy đến nhưng được người dân can ngăn. Nhận được tin báo, Công an xã Biên Giới cử một công an viên đến giải quyết sự việc.

Khi công an viên này đến thu giữ thanh kiếm và mời Cường về Công an xã làm việc thì Cường không chấp hành. Nghe tin, Nhân mang theo một thanh kim loại có hình dáng một cây đao dài khoảng 50cm và gọi điện thoại cho Tho cùng đến tiếp sức cho Cường. Lúc này, Cường lấy cây đao trên tay Nhân đuổi chém công an viên. Tho và Nhân cầm 2 chai thuỷ tinh đuổi theo hỗ trợ Cường đánh công an viên này. Ðến khi công an viên chạy thoát vào một nhà dân, cả 3 tên mới bỏ đi. Sau đó, Công an xã mời Nhân về làm việc và thu giữ cây đao. Hôm sau, Tho ra Công an xã đầu thú. Cường bỏ trốn đến ngày 1.11.2017 thì bị bắt. 

Mới đây, trong quá trình tuần tra kiểm soát trên tỉnh lộ 782, đoạn qua ấp Phước Ðức A, xã Phước Ðông, huyện Gò Dầu, lực lượng Công an phát hiện Nguyễn Trà Giang (ngụ xã Thanh Phước, huyện Gò Dầu) điều khiển xe mô tô có sử dụng rượu, bia nên ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra.

Qua kiểm tra, phát hiện nồng độ cồn trong hơi thở của Giang là 0,861mg/l khí thở. Giang xin tổ công tác bỏ qua lỗi vi phạm nhưng không được chấp nhận. Thế là Giang dùng lời lẽ thô tục đối với lực lượng Công an, rồi dùng nón bảo hiểm đập xuống đường và ngang nhiên đẩy xe mô tô đi. Thấy vậy, một cán bộ Công an ngăn lại, Giang lập tức đẩy ngã xe và xông vào đánh cán bộ này. Lúc này, lực lượng Công an lập tức khống chế, đưa Giang về trụ sở làm việc.

CẦN XỬ LÝ NGHIÊM

Theo quy định tại Ðiều 330, Bộ luật Hình sự năm 2015, chống người thi hành công vụ được hiểu là hành vi dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật. Hành vi chống người thi hành công vụ thường xảy ra trong hoạt động của nhiều ngành, như Thi hành án, Thanh tra, Kiểm tra, Kiểm lâm...

Hành vi khách quan của tội phạm này là một trong các hành vi: dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng những thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật. Ðó có thể là các hành vi sử dụng vũ lực tác động lên thân thể người đang thi hành công vụ, như đấm, đá, đánh hoặc đe doạ dùng vũ lực, uy hiếp tinh thần người thi hành công vụ, như doạ sẽ gây thương tích, huỷ hoại tài sản.

Người phạm tội cản trở người thi hành công vụ, khiến cho họ không thể thực hiện được hoặc rất khó khăn trong thực hiện công vụ được giao, hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật. Trường hợp hành vi chống người thi hành công vụ mà gây hậu quả chết người hoặc đã là dấu hiệu cấu thành tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ người khác, thì người phạm tội còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh tương ứng với hậu quả đã gây ra.

Tuỳ thuộc vào tính chất và mức độ của hành vi phạm tội, người phạm tội chống người thi hành công vụ có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm theo quy định tại khoản 1, hoặc bị phạt tù từ 2 đến 7 năm nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2, Ðiều 330 BLHS năm 2015 như phạm tội có tổ chức; phạm tội 2 lần trở lên; xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội; gây thiệt hại về tài sản 50 triệu đồng trở lên; tái phạm nguy hiểm.

Một cán bộ Công an TP.Tây Ninh cho biết, tình trạng chống đối người thi hành công vụ diễn biến phức tạp, với tính chất, mức độ khác nhau, nhất là đối với lực lượng Cảnh sát giao thông. Ðối tượng chống người thi hành công vụ chủ yếu ở lứa tuổi thanh, thiếu niên. Khi bị lực lượng làm nhiệm vụ ra tín hiệu dừng xe để giải quyết vi phạm, các đối tượng này không những không chấp hành, mà còn có hành động như chửi bới, ném đá, dùng hung khí tấn công lực lượng làm nhiệm vụ gây thương tích rồi bỏ trốn. Tuy nhiên, các hành vi bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay bị xử lý vi phạm hành chính còn tuỳ thuộc vào mức độ nguy hiểm cho xã hội.

Các hành vi này chủ yếu do các đối tượng đã sử dụng ma tuý, rượu bia trước đó nên không kiểm soát được hành vi, nhận thức về pháp luật còn nhiều hạn chế, bản tính côn đồ… Ngoài ra, do chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe nên vẫn còn đối tượng vi phạm.

Nhằm nâng cao hiệu quả xử lý tình trạng chống người thi hành công vụ, Công an TP.Tây Ninh tiếp tục phối hợp với các lực lượng chuyên trách trong quá trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông bảo đảm sự minh bạch trong việc xử lý người điều khiển phương tiện tham gia giao thông; thường xuyên bồi dưỡng nâng cao kiến thức nghiệp vụ cho lực lượng Công an; trang bị cho lực lượng chức năng làm nhiệm vụ những trang thiết bị, công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật để bảo đảm ngăn chặn kịp thời các hành vi chống đối cũng như bảo vệ sức khoẻ, tính mạng cho lực lượng thi hành công vụ.

Bên cạnh sự vào cuộc của lực lượng Công an, các cấp, các ngành cần tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân trong việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật. Ðồng thời, vận động nhân dân tích cực đấu tranh phòng, chống tội phạm, chủ động lên án, tố giác các đối tượng phạm tội…

THIÊN DI

Điều 20, Nghị định 167/2013/NĐ-CP có quy định rõ về hành vi cản trở, chống lại việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ hoặc đưa hối lộ người thi hành công vụ. Theo đó, phạt tiền từ 2-3 triệu đồng đối với một trong các hành vi: cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ; có lời nói, hành động đe doạ, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ… Phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau đây: dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực để chống người thi hành công vụ; gây thiệt hại về tài sản, phương tiện của cơ quan nhà nước, của người thi hành công vụ…

Tin cùng chuyên mục