Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
ĐBQH Huỳnh Thanh Phương:
Cần có cơ chế, chính sách để ngành mía đường phát triển ổn định (*)
Chủ nhật: 09:25 ngày 02/06/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Đại biểu Huỳnh Thanh Phương đề nghị Chính phủ đánh giá đúng về vị trí của ngành mía đường trong nền kinh tế nói chung, trong kinh tế nông nghiệp nói riêng, từ đó có cơ chế, chính sách tương ứng, phù hợp để tạo niềm tin và động lực cho ngành mía đường phát triển, đủ sức cạnh tranh và hội nhập với thị trường trong nước và thế giới.

ĐBQH Huỳnh Thanh Phương.

Tại phiên họp 31.5 thảo luận ở hội trường đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2019, ĐBQH Huỳnh Thanh Phương (Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Tây Ninh) đồng tình những thành tựu nổi bật trong những tháng đầu năm 2019.

Đáng chú ý là kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối của nền kinh tế phát triển tích cực, khí thế sản xuất kinh doanh và hoạt động khởi nghiệp sôi động ngay từ đầu năm, các chỉ số tăng trưởng kinh tế, chỉ số CPI, chỉ số lạm phát… đều phản ánh tốt.

Đối ngoại nói chung, đối ngoại kinh tế nói riêng thu được nhiều thành tựu đáng mừng, các cam kết quốc tế trên các lĩnh vực được thực hiện có hiệu quả vừa tạo niềm tin, vị thế với bạn bè quốc tế vừa thể hiện càng rõ trách nhiệm, bảo đảm lợi ích của quốc gia trên trường quốc tế.

Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được ổn định; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện; niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và sự nghiệp đổi mới đất nước được giữ vững và tăng cường.

Tuy nhiên, đại biểu Huỳnh Thanh Phương nhận định, những tháng qua, các yếu tố bảo đảm cho tăng trưởng cao liên tục và phát triển bền vững còn bộc lộ nhiều hạn chế, thậm chí có yếu tố còn yếu và thiếu đồng bộ. Điển hình như:

Chính phủ đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm cải thiện năng suất lao động, tuy nhiên trên thực tế nhiều vấn đề mới chuyển động bước đầu, năng suất các yếu tố đóng góp cho tăng trưởng kinh tế tuy có tăng nhưng vẫn còn chậm.

Giá tiêu dùng đang đứng trước khá nhiều áp lực. Việc giá xăng, điện tăng cùng với giá một số hàng hoá dịch vụ tăng đã đè nặng lên vai người tiêu dùng, nhất là nhóm người có thu nhập thấp. Quản lý xã hội còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, tội phạm, tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp.

Tham nhũng, lãng phí tuy đã được kiềm chế, đẩy lùi một bước, song vẫn còn hết sức nhức nhối.

Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân phát biểu chiều 29.5, cử tri đánh giá cao chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, có những kết quả bước đầu nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm nhằm thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 khoá XII của Đảng là phải thật sự tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, được nhân dân thừa nhận.

Tình trạng ô nhiễm môi trường sinh thái xảy ra nhiều. Tình hình biến đổi khí hậu ngày càng tác động lớn với nước ta, đặc biệt đối với nông nghiệp. Việc chấp hành không nghiêm các quy định của pháp luật trong khai thác tài nguyên khoáng sản, khai thác nước ngầm và nước mặt, khai thác cát sông và cát biển… vẫn còn xảy ra.

Đối với các giải pháp Chính phủ đã đề ra trong báo cáo, đại biểu Phương nhấn mạnh vấn đề cần có giải pháp, chính sách nhằm ưu tiên kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo nền tảng tăng trưởng. Có lộ trình tăng giá các lĩnh vực do Nhà nước quản lý một cách thích hợp, vừa đạt được mục tiêu từng bước tiệm cận thị trường vừa giữ cho chỉ số CPI ở mức mục tiêu.

Có chính sách hợp lý, vận động và quản lý nhằm khắc phục tình trạng xung đột giữa người dân, địa phương và doanh nghiệp đẩy mạnh hình thức hợp tác đối tác công tư (PPP), BOT để tăng nhanh nguồn vốn đầu tư xã hội vào các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực hạ tầng giao thông, dịch vụ chất lượng cao.

Rà soát và làm rõ trách nhiệm đối với các tổ chức và cá nhân chậm trễ giải ngân thực hiện các dự án đầu tư công, chuyển vốn từ đơn vị quá chậm sang đơn vị giải ngân tốt hơn đạt mục tiêu kế hoạch đề ra. Tăng cường công tác quản lý môi trường sinh thái, có chính sách thích hợp nhằm thúc đẩy lĩnh vực xử lý, thu gom rác thải, nước thải. Tăng cường quản lý xã hội, đẩy lùi các hiểm hoạ gây mất trật tự an toàn xã hội, phá hoại sinh hoạt và lao động bình yên của nhân dân.

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương nhấn mạnh: Tây Ninh từng là một trong những tỉnh có diện tích trồng mía lớn của ngành mía đường cả nước. Tuy nhiên, hiện nay, các doanh nghiệp mía đường đang gặp khó khăn, thách thức nhiều mặt; người trồng mía liên tục thua lỗ do giá thu mua quá thấp, đã không còn mặn mà, thiết tha và quay lưng với cây mía, từ đó làm cho diện tích trồng mía giảm mạnh, nhiều nhà máy sản xuất mía đường đã phải đóng cửa vì thiếu nguyên liệu.

Trong khi đó, các chính sách phát triển, hỗ trợ của Nhà nước cho ngành mía đường tuy có nhưng không kịp thời, thiếu đồng bộ, còn chung chung trong chính sách nông nghiệp, thiếu tập trung nguồn lực, nặng về xử lý tình huống.

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương đề nghị Chính phủ đánh giá đúng về vị trí của ngành mía đường trong nền kinh tế nói chung, trong kinh tế nông nghiệp nói riêng, từ đó có cơ chế, chính sách tương ứng, phù hợp để tạo niềm tin và động lực cho ngành mía đường phát triển, đủ sức cạnh tranh và hội nhập với thị trường trong nước và thế giới. Đây cũng là nguyện vọng của đông đảo cử tri Tây Ninh gửi đến kỳ họp này của Quốc hội.  

TÂM TRUNG - DUY NHÃ

(Lược ghi)

(*) Tựa đề do Toà soạn đặt

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục