Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Giá cả có xu hướng leo thang:
Cần có giải pháp bình ổn thị trường
Thứ tư: 06:22 ngày 08/05/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Giá xăng tăng 2 lần liên tiếp, cùng với giá điện tăng 8,36% giá gas cũng tăng 7.000 đồng/bình 12kg vào tháng 4 và tăng thêm 2.000 đồng/bình 12kg vào tháng 5 đã khiến cho giá nhiều hàng hoá, dịch vụ có xu hướng tăng theo.

Khách hàng đổ xăng tại một cây xăng ở thành phố Tây Ninh.

Mặc dù thời tiết nóng như đổ lửa nhưng một sinh viên Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Tây Ninh đang ở trọ không dám sử dụng quạt điện mà ngồi... quạt tay. Sinh viên này cho biết, vì chủ nhà báo sẽ tăng tiền điện do giá điện tăng cao nên nhiều sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đành phải tiết kiệm bằng cách hạn chế dùng điện tối đa.

“Tháng trước tụi em dùng quạt hơi nhiều do nắng nóng quá nên tiền điện tăng cao khiến tụi em phát hoảng. Giờ nghe chủ nhà nói tiền điện sẽ tăng gấp đôi nên nếu xài nhiều như trước chắc tụi em hết tiền ăn luôn”- sinh viên này chia sẻ. Sinh viên này cũng cho biết, trước đó, em thường dùng bếp điện để nấu ăn. Từ lúc chủ nhà trọ báo sẽ tăng giá điện, em đành phải sử dụng bếp gas mini nhưng cũng không tiết kiệm được là bao vì giá gas cũng tăng.

Việc tăng giá điện cũng tác động đến chi phí sản xuất của không ít doanh nghiệp, buộc họ phải điều chỉnh tăng giá bán sản phẩm. Trong tháng 4, giá vật liệu xây dựng như sắt thép, xi măng (Vicem Hà Tiên) đã tăng giá bán thêm từ 20.000-50.000 đồng/tấn. Nguyên nhân giá sắt thép tăng được cho là giá nhập vật liệu thô tăng cao.

Tại thành phố Tây Ninh, giá một số mặt hàng cũng rục rịch tăng. Giá bán sữa Vinamilk, Dielac tăng khoảng 20.000 đồng, thậm chí vài sản phẩm chênh lệch tới hơn 50.000 đồng so với trước. Chị Trần Thị Ngọc, chủ một cửa hàng tạp hoá tại chợ Tây Ninh cho biết: “Những sản phẩm sữa tôi nhập về từ hơn một tháng trước thì giá bán vẫn như cũ. Những đợt hàng nhập tiếp theo có thể sẽ tăng giá bán. Gas, điện, xăng dầu tăng đã khiến giá cả hàng hoá tăng theo”.

Dịch vụ vận chuyển hàng thuê cũng tăng giá. Ông N- làm dịch vụ chở hàng thuê ở huyện Dương Minh Châu cho biết, do giá xăng dầu tăng cao nên người làm dịch vụ chở thuê phải tăng giá vận chuyển. Ông hy vọng sắp tới, giá xăng dầu giảm xuống để giá vận chuyển giảm thì mới có nhiều khách thuê.

Các siêu thị trên địa bàn tỉnh như Co.opMart, Auchan, Bách Hoá Xanh… vẫn giữ giá bán hàng hoá ổn định so với tháng trước. Nguyên nhân là các siêu thị này đã ký kết các hợp đồng mua hàng hoá với đối tác với giá ổn định trước đó. Tuy nhiên, đại diện các siêu thị cho biết, sắp tới, giá cả hàng hoá ở những nơi này cũng có thể sẽ thay đổi bởi các mặt hàng thiết yếu như gas, xăng và điện tăng sẽ tác động nhiều đến các doanh nghiệp sản xuất, làm tăng giá thành sản phẩm.

Theo một cán bộ Sở Công Thương, việc hàng hoá tăng giá do giá gas, điện, xăng tăng là điều khó tránh khỏi. Đến thời điểm hiện tại, Sở vẫn chưa có kế hoạch ứng phó để bình ổn thị trường trong tình hình mới do chưa nhận được chỉ đạo từ cấp trên.

Thiết nghĩ, trước thực trạng giá cả có xu hướng leo thang hiện nay, ngành chức năng địa phương cần phát huy hiệu quả tích cực của việc bán hàng bình ổn giá, đưa hàng hoá về vùng sâu, vùng xa và khu vực tập trung nhiều người lao động có thu nhập thấp như các khu - cụm công nghiệp…

Vũ Nguyệt

Tin liên quan