Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Căn cước công dân sẽ có nhiều thay đổi
Thứ tư: 09:36 ngày 30/08/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Từ tên gọi, thông tin trên thẻ căn cước, cho đến người được cấp thẻ đều có thể thay đổi khi Luật Căn cước mới được thông qua.

Phiên thảo luận Luật Căn cước của đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách.

Sẽ không còn vân tay trên thẻ

Luật Căn cước là dự thảo đầu tiên được đặt lên bàn nghị sự của Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách diễn ra từ đầu tuần này.

Một vấn đề tiếp tục có ý kiến trái chiều là có nên đổi tên Luật Căn cước công dân thành Luật Căn cước như đề xuất của Chính phủ (tương tự là đổi tên thẻ căn cước công dân thành thẻ căn cước) hay không.

Một trong những lý do đổi tên là, lần sửa đổi này bổ sung đối tượng được cấp thẻ căn cước và đối tượng được cấp giấy chứng nhận căn cước là người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam, nhưng chưa xác định được quốc tịch (hơn 31.000 người).

Trước đó, ở Kỳ họp thứ năm của Quốc hội, có 17 ý kiến nhất trí đổi tên, nhưng có 22 ý kiến đề nghị giữ nguyên tên Luật Căn cước công dân và quy định việc cấp giấy tờ phù hợp cho đối tượng người gốc Việt đang sinh sống ở Việt Nam cho phù hợp tại các điều khoản thi hành.

Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, qua thảo luận tại Phiên họp thứ 25, ngày 18/8/2023, đa số ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội chọn phương án giữ tên Luật Căn cước công dân.

Thảo luận tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách sáng 28/8, có 7 ý kiến nhất trí với việc sửa tên và 2 vị đại biểu đề nghị giữ tên là Luật Căn cước công dân.

“Dù phương án nào cũng phải thiết kế để quy định cho được việc cấp một loại giấy tờ phù hợp với thực tiễn hiện nay đối với người gốc Việt, nhưng chưa xác định được quốc tịch Việt Nam”, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhắc lại yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đại diện cơ quan soạn thảo, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cho biết sẽ tiếp tục tiếp thu và giải trình thấu đáo các ý kiến đại biểu Quốc hội chưa đồng tình đổi tên của Dự thảo luật, đảm bảo các điều kiện để trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ sáu vào tháng 10 tới.

Một thay đổi đáng chú ý khác ở lần sửa đổi này được Chủ nhiệm cơ quan thẩm tra dự án luật (Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội) Lê Tấn Tới đề cập trước khi đại biểu thảo luận là thông tin trên thẻ căn cước.

Cụ thể, Dự thảo luật bỏ vân tay trên bề mặt thẻ (được lưu trữ trong bộ phận lưu trữ) để bảo đảm tính bảo mật trong quá trình sử dụng thẻ; bỏ thông tin “quê quán”, sửa đổi “số thẻ căn cước công dân” thành “số định danh cá nhân”, “căn cước công dân” thành “thẻ căn cước”, “nơi thường trú” thành “nơi cư trú”, bổ sung “nơi đăng ký khai sinh”...

Những thay đổi này, theo ông Tới, là để tạo thuận lợi hơn cho người dân trong quá trình sử dụng thẻ căn cước và bảo đảm tính riêng tư của người dân. Các thông tin căn cước của người dân cơ bản sẽ được lưu trữ, khai thác, sử dụng thông qua chip điện tử trên thẻ căn cước. Việc tích hợp cả QR code và chip điện tử trên thẻ căn cước nhằm tạo thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng thông tin công dân khi thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự.

Thay đổi trên được tán thành, song quy định về thông tin của công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia và thông tin cơ sở dữ liệu căn cước lại khiến đại biểu băn khoăn.

Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) so sánh, so với Luật Căn cước công dân năm 2014, lần này, Dự thảo luật bổ sung thêm nhiều thông tin công dân để đưa vào cơ sở dữ liệu quốc gia, như nhóm máu, số thuê bao di động, địa chỉ thư điện tử. Ngoài ra, còn có thông tin về sinh trắc học như ảnh, khuôn mặt, vân tay, mống mắt, ADN và giọng nói.

“Thông tin như vậy là quá nhiều và thiếu tính khả thi trong quá trình thực hiện, đặc biệt là thông tin ADN, gần như đây là thông tin bí mật cuối cùng của mỗi cuộc đời con người”, đại biểu Tạo nêu quan điểm.

Vẫn cấn cá về chế độ cho lực lượng mới

Thảo luận về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau của Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, đại biểu Quốc hội chuyên trách cũng còn nhiều băn khoăn, nhất là về chế độ.

Theo giải thích tại Dự thảo, đây là lực lượng do chính quyền thành lập trên cơ sở tự nguyện của người dân để hỗ trợ công an cấp xã thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Lực lượng nói trên được kiện toàn từ lực lượng bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng, các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng hoặc được tuyển chọn theo quy định của luật này.

Thảo luận tại Kỳ họp thứ năm, còn nhiều ý kiến băn khoăn và một số ý kiến chưa nhất trí ban hành luật. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đề nghị đánh giá kỹ hơn về tổ chức, ngân sách khi thành lập lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, cần có số liệu cụ thể chứng minh “không làm tăng biên chế”, “không làm tăng ngân sách” so với thực tiễn hiện nay.

Theo báo cáo của Ủy ban Quốc phòng và An ninh, mức chi trung bình hiện nay từ 20 tỷ đồng đến 30 tỷ đồng/năm/tỉnh, thành phố (2 - 2,5 tỷ đồng/tháng) và về lâu dài sẽ giảm dần.

Với tính toán của riêng mình, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, số tiền bồi dưỡng cho lực lượng này rất cao.

Ông Hòa nói, nếu đúng như trong báo cáo, lực lượng này có 100.000 tổ bảo vệ dân phố, khóm, ấp, thôn, bản, làng và nếu một tổ có 3 người thì sẽ có 300.000 người. “Mặc dù Dự thảo luật không nói rõ bao nhiêu, nhưng tôi nghĩ, thấp nhất cũng phải chi bằng một mức lương ở cơ sở là 1,8 triệu đồng/người nhân 300.000 người, như vậy một tháng chi 540 tỷ đồng, chia đều cho 63 tỉnh, thành phố, thì mỗi địa phương chi cho lực lượng này 8,4 tỷ - 8,5 tỷ đồng/tháng. Đây là phần cứng”, ông Hòa dự tính.

Vẫn nằm trong phần cứng, còn có chi hỗ trợ bảo hiểm y tế, đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, rồi được bồi dưỡng khi đi bồi dưỡng, tập huấn bằng mức tiền lương cơ bản của chiến sĩ ngành công an. Khi làm nhiệm vụ từ 22 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ ngày hôm sau, ngày nghỉ, ngày lễ, thực hiện công việc nặng nhọc, độc hại, thì được hưởng mức tiền lương bồi dưỡng do HĐND tỉnh quyết định.

Ông Hòa đề nghị cần có sự cân nhắc để tránh sự so bì với lực lượng khác và mỗi nơi một khác.

Cho biết vấn đề băn khoăn nhất là nguồn lực, đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) đề nghị, nếu nói nguồn lực từ ngân sách, thì phải nói rõ phần cứng Trung ương chi, phần mềm ngân sách địa phương chi, cụ thể gồm những khoản nào.

Đại biểu Bế Minh Đức (Cao Bằng) đề nghị về mức hỗ trợ thường xuyên hàng tháng cho người tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở giao HĐND tỉnh quy định thì cần dựa trên khung do Chính phủ quy định thống nhất. Như thế để không có sự chênh lệch quá mức, tạo tâm lý không tốt đối với những người tham gia lực lượng này trong cả nước, cũng như tạo ra sự cân đối với mức hỗ trợ cho những người hoạt động không chuyên trách ở xóm, ở xã.

“Lực lượng này được đảm bảo kinh phí và trang bị cơ sở vật chất do ngân sách nhà nước đảm bảo và các nguồn tài chính được huy động hợp pháp khác theo quy định của pháp luật”, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng hồi âm ngắn gọn.

Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ sáu vào tháng 10 tới.

Phải phát hiện có “cài cắm” trong xây dựng luật hay không

Đề nghị các vị đại biểu Quốc hội quan tâm rà soát lại về cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý, tính hợp hiến, hợp pháp, tính đồng bộ, chất lượng của hệ thống pháp luật đáp ứng được yêu cầu kiến tạo phát triển nhanh, bền vững, hội nhập quốc tế của Việt Nam hay không. Đặc biệt, không được để cho những quy phạm pháp luật sơ hở có thể tạo ra tham nhũng, tiêu cực gây thất thoát, những ách tắc, hoặc là chỉ tìm cách kéo thuận lợi về cho cơ quan quản lý nhà nước, mà đẩy khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.

Chúng ta phải thực hiện ý kiến chỉ đạo của Đảng là chống được tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong quá trình xây dựng pháp luật, xem điều khoản nào tạo ra cơ chế xin không đúng đắn, có vấn đề cài cắm, thì phải phát hiện được. Tinh thần là không có một ý kiến nào của đại biểu Quốc hội không được nghiên cứu, tiếp thu và giải trình một cách thỏa đáng.

- Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Nguồn baodautu

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục