Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Đào tạo nghề cho lao động thất nghiệp:
Cần đa dạng hơn
Thứ hai: 15:06 ngày 13/03/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Người lao động thất nghiệp có nhu cầu học nghề nào, Trung tâm sẽ gửi đến cơ sở đào tạo nghề đó. Nhưng một số ngành nghề đào tạo hiện nay đòi hỏi người học phải có một trình độ nhất định, trong khi số đông lao động phổ thông chưa đáp ứng được yêu cầu này. Vì vậy, hầu hết người thất nghiệp chỉ đăng ký học nghề lái xe.

Lái ô tô là ngành đào tạo chính hiện nay dành cho người thất nghiệp.

Hỗ trợ học nghề cho người lao động thất nghiệp là một trong các chế độ của chính sách bảo hiểm thất nghiệp đang được áp dụng trong thời gian qua. Hiện nay, mức hỗ trợ học nghề tối đa dành cho lao động thất nghiệp là 1 triệu đồng/người/tháng với thời gian hưởng tối đa là 6 tháng. Chính sách này nhằm tạo điều kiện cho người lao động có cơ hội chuyển đổi nghề, ổn định cuộc sống.

Anh Đoàn Anh Kiệt - 36 tuổi, ở xã Cẩm Giang, huyện Gò Dầu trước đây từng làm việc tại khách sạn Hoà Bình (thành phố Tây Ninh). Giữa năm 2015, khách sạn đóng cửa. Khi làm thủ tục nhận bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội), anh được tư vấn học nghề. Thấy Trung tâm có khoá đào tạo nghề lái xe bằng B2, anh đăng ký theo học, đến nay đã sắp hoàn thành.

Anh Kiệt cho biết, khi còn làm ở khách sạn, anh được cho đi đào tạo một khoá dẫn chương trình. Sau khi nghỉ làm, anh vẫn tiếp tục nhận công việc này, chưa có ý định xin việc khác.

“Ngoài công việc dẫn chương trình, ở nhà tôi còn có dịch vụ cho thuê xe nhưng trước giờ tôi không biết lái. Sẵn lần này được Nhà nước hỗ trợ chi phí, bảo hiểm chi 4 triệu đồng, tôi đóng vô thêm 1,5 triệu đồng nữa là đủ để học. Có bằng lái rồi mình chạy cho gia đình cũng thoải mái hơn”- anh Kiệt nói.

Anh Phạm Phi Hổ - 30 tuổi, ở phường 1, thành phố Tây Ninh cũng theo học nghề lái xe được tháng rưỡi. Trước, anh làm việc ở Bình Dương, dự định sắp tới sẽ đưa vợ ra Bắc để sinh sống, do đó anh quyết định nghỉ việc và về Tây Ninh học nghề lái xe.

“Trước mắt về ngoài Bắc, vợ chồng tôi sẽ ở nhà trồng trọt, chăn nuôi. Nhưng tôi muốn học cho có cái nghề trong tay, để khi nào khó khăn thì làm, hoặc khi nào cần chở hàng đi xa mình cũng làm được”- anh Hổ nói.

Có thể thấy ở Tây Ninh hiện nay, các ngành nghề đào tạo dành cho lao động thất nghiệp chưa đa dạng mấy. Nhiều người đến đăng ký hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm được tư vấn học nghề lái xe ô tô và xe nâng. Chị Lê Thị Huỳnh Giao - 37 tuổi, ngụ xã Trường Tây, huyện Hoà Thành cũng là một trong số đó. “Được tư vấn nhưng tôi thấy mình không có điều kiện mua xe ô tô, vì vậy tôi không học”- chị Giao nói.

Anh Kiệt tuy đồng ý học nghề lái xe, nhưng cũng cho rằng Trung tâm cần có thêm nhiều ngành nghề đào tạo hơn để người lao động thất nghiệp có nhiều cơ hội lựa chọn.

Anh Dương Phi Thoàn ở Tân Phong, Tân Biên trước đây làm việc ở Bình Dương, anh đã tự bỏ tiền học nghề lái xe nâng để xin vào làm cho một công ty. Sau đó, anh vừa đi làm vừa học nghề lái xe để trở về Tây Ninh sinh sống. Anh muốn học nghề khác nhưng không thể.

“Hiện tôi có bằng lái xe hạng C rồi, nên dự định sẽ làm tài xế xe tải chạy trong tỉnh. Lúc này đang rảnh, tôi cũng muốn học thêm nghề điện tử, chủ yếu để sửa chữa đồ điện trong nhà nhưng xem tờ bướm của Trung tâm, thấy ở đây chỉ dạy có 2 cái nghề mà tôi đã biết nên không đăng ký”- anh Thoàn chia sẻ.

Theo ông Đặng Xuân Vũ – Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc Tây Ninh, hiện Trung tâm có đào tạo hai nghề lái xe nâng và ô tô. Ngoài ra, Trung tâm cũng có phối hợp với Trường trung cấp Kinh tế- Kỹ thuật, Trường cao đẳng Nghề của tỉnh để đào tạo các ngành nghề khác.

Người lao động thất nghiệp có nhu cầu học nghề nào, Trung tâm sẽ gửi đến cơ sở đào tạo nghề đó. Nhưng một số ngành nghề đào tạo hiện nay đòi hỏi người học phải có một trình độ nhất định, trong khi số đông lao động phổ thông chưa đáp ứng được yêu cầu này. Vì vậy, hầu hết người thất nghiệp chỉ đăng ký học nghề lái xe.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm, trong năm 2016 có 13.840 người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng chỉ có 277 người (chiếm 2%) trong số đó đăng ký học nghề. Có lẽ, nguyên nhân một phần do ngành nghề đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu người lao động.

Người thất nghiệp làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

Tại Trường trung cấp Kinh tế- Kỹ thuật Tây Ninh, chương trình đào tạo chủ yếu theo hệ trung cấp chính quy, có phối hợp với một số trường để đào tạo liên thông lên đại học. Riêng về đào tạo ngắn hạn cho lao động thất nghiệp, theo lời quyền Hiệu trưởng Nguyễn An Dân, trường có hai ngành phù hợp với lao động phổ thông là chăn nuôi và trồng trọt. Tuy nhiên, thời gian qua, trường chưa nhận được đề nghị nào của Trung tâm Dịch vụ việc làm về việc mở lớp đào tạo nghề.

Ở Trường cao đẳng Nghề Tây Ninh hiện có chương trình đào tạo sơ cấp với 8 nghề: tiện ren, lắp đặt điện cho cơ sở sản xuất nhỏ, sửa chữa máy tính phần cứng, nguội căn bản, hàn điện, sửa chữa TV- đầu kỹ thuật số, sửa chữa bảo trì tủ lạnh- máy điều hoà nhiệt độ và nghề sửa chữa máy kéo công suất nhỏ. Nhưng số học viên thuộc diện được hưởng trợ cấp học nghề hầu như không có.

“Mỗi năm trường có khoảng 80 học viên đăng ký học nghề sơ cấp, nhưng từ trước đến nay chỉ mới có một trường hợp vừa rồi tìm đến trường mua hồ sơ và hỏi việc xác nhận học nghề để được nhận hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp”- một cán bộ Phòng Đào tạo của trường cho biết.

Ngọc Diêu

Tin cùng chuyên mục