Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Y TẾ CƠ SỞ TRONG VÀ SAU ĐẠI DỊCH:
Cần đầu tư cả con người lẫn cơ sở vật chất
Chủ nhật: 22:52 ngày 08/05/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ghi nhận từ đợt khảo sát cho thấy vai trò quan trọng của hệ thống y tế cơ sở trong khám, chữa bệnh cũng như phòng, chống dịch bệnh Covid- 19.

Nhân viên y tế cơ sở tiêm vaccine phòng Covid-19 ở vùng sâu. Ảnh: Huỳnh Thanh Liêm

Trong ba ngày (4-6.5), Ban Văn hoá - Xã hội của HĐND tỉnh thực hiện đợt khảo sát về tình hình hoạt động của y tế cơ sở giai đoạn 2019-2021 tại các huyện Tân Châu, Gò Dầu, Bến Cầu và thị xã Hoà Thành. Ghi nhận từ đợt khảo sát cho thấy vai trò quan trọng của hệ thống y tế cơ sở trong khám, chữa bệnh cũng như phòng, chống dịch bệnh Covid- 19.

NHÂN VIÊN Y TẾ NGHỈ VIỆC ĐI LÀM CÔNG NHÂN

Ba năm qua, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Bến Cầu không có chủ trương xây mới và mua mới trang thiết bị y tế, chỉ tu bổ, sửa chữa một số hạng mục nhỏ cho trạm y tế và tại Trung tâm. Tổng số biên chế có 126 người, hợp đồng 15 người, Trung tâm còn thiếu 28 biên chế. Trong 3 năm, số bác sĩ được xét tuyển là 3 người, số y sĩ, điều dưỡng trúng tuyển là 13 người. Số bác sĩ chuyên khoa nghỉ việc là 3, 1 bác sĩ đa khoa tử vong trong lúc thực hiện nhiệm vụ chống dịch Covid-19. Bác sĩ có biên chế tại trạm y tế là 5, còn 4 trạm y tế chưa có bác sĩ.

Theo lãnh đạo TTYT Bến Cầu, đơn vị đang thiếu bác sĩ chuyên khoa mắt, răng hàm mặt, siêu âm… dẫn đến hạn chế việc triển khai khám sức khoẻ cho công nhân.

Trung tâm xây dựng năm 2011, đến nay một số khoa, phòng chức năng xuống cấp, hư hỏng; thang máy vận chuyển thuốc, người bệnh không hoạt động nhiều năm liền. Hệ thống xử lý chất thải rắn hư, đã có chủ trương xin ngân sách để xây mới năm 2022. Trang thiết bị y tế được trang bị từ nhiều năm trước đa số còn sử dụng; một số thiếu linh kiện không đưa vào hoạt động; hiệu quả sử dụng chưa cao do thiếu bác sĩ chuyên khoa.

Tháng 3.2021, TTYT Bến Cầu thực hiện cách ly tập trung 14 ngày theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 huyện Bến Cầu nên không triển khai khám, chữa bệnh. Tháng 4 đến tháng 6.2021, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh tỉnh chỉ đạo TTYT Bến Cầu chuyển công năng một phần vừa khám, chữa bệnh vừa điều trị bệnh nhân Covid-19, đồng thời là nơi cách ly điều trị bệnh nhân Covid-19 của tỉnh. Từ tháng 7-12.2021, TTYT Bến Cầu chuyển công năng hoàn toàn thành bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 tầng 2. Từ ngày 28.2.2022 đến nay chuyển sang mô hình “Bệnh viện tách đôi”, trong đó giường điều trị bệnh nhân thường là 50, giường điều trị bệnh nhân Covid-19 là 10.

Hoạt động trạm y tế xã, thị trấn, từ năm 2019 trở về trước thực hiện nhiệm vụ sơ cấp cứu ban đầu, xử trí các vết thương thông thường; khám, chữa bệnh cho người dân, phòng, chống dịch, an toàn vệ sinh thực phẩm, chăm sóc bảo vệ bà mẹ, trẻ em… Năm 2020 đến nay, ngoài các nhiệm vụ trên, trạm y tế thực hiện công tác phòng, chống dịch cộng thêm 5 chức năng trạm y tế lưu động như quản lý, theo dõi người nhiễm Covid-19 tại nhà và cộng đồng, xét nghiệm Covid-19, tiêm chủng vaccine phòng Covid-19. Mỗi trạm y tế đều phân công nhân viên trực sẵn sàng cấp cứu người bệnh, trực cấp cứu 24/7; khám, chữa bệnh, cấp thuốc hằng ngày cho người dân khi đến khám, điều trị và trực y tế lưu động.

Ngoài những mặt làm được, hoạt động của hệ thống y tế ở Bến Cầu còn không ít khó khăn, hạn chế, đặc biệt trong phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, TTYT huyện thiếu nhân lực nhưng phải bố trí người trực ở nhiều điểm cách ly; thiếu trang thiết bị, đồ phòng hộ cá nhân, thuốc, vật tư thiết yếu cho công tác phòng, chống dịch; phụ cấp tiền ăn cho người bị F0, trẻ em dưới 16 tuổi chậm, kéo dài.

Nguyên nhân được xác định: nhiều năm liền Sở Y tế không tổ chức thi tuyển, huyện không thu hút được nhân lực từ nơi khác; lương hợp đồng của người lao động không cao so với lương công nhân, dẫn đến một số nhân viên y tế hợp đồng nghỉ việc, xin đi làm… công nhân.

Khi dịch Covid-19 bùng phát, TTYT Bến Cầu rất khan hiếm oxy, trong khi nhà cung cấp oxy ở xa (Đồng Nai, Bình Dương), bên nhà thầu vận chuyển đến đơn vị chậm, làm ảnh hưởng đến việc điều trị cho người bệnh. Bên cạnh đó, đồ phòng hộ dành cho công tác phòng, chống dịch thiếu; thuốc chưa đủ cung cấp cho người bệnh Covid-19: lúc dịch bùng lại là lúc đơn vị hết thầu mua thuốc (tháng 12.2019), thuốc chỉ dùng đủ trong thời gian ngắn. Sau đó, Sở Y tế cấp thuốc kháng virus, kháng đông, kháng viêm cho Trung tâm, tạm đủ để điều trị cho người bệnh Covid-19 thể nhẹ và trung bình.

Cơ sở vật chất xuống cấp do bệnh viện xây dựng đã lâu, một số hạng mục bị hư như hệ thống nước, nhà vệ sinh, thang máy, quạt… làm ảnh hưởng đến công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19. Năm 2020, TTYT Bến Cầu là cơ sở cách ly điều trị bệnh nhân Covid-19 của tỉnh, sau đó chuyển công năng vừa khám bệnh vừa điều trị Covid-19, số bệnh nhân thường xuyên đến khám đã chuyển qua cơ sở y tế khác điều trị, đa số không quay trở lại bệnh viện.

Về đấu thầu thuốc, bắt buộc thực hiện qua mạng, đòi hỏi phải có kinh nghiệm. Trong khi chờ thuốc tại thầu tập trung, Sở Y tế có chủ trương mua thuốc theo danh mục thầu tập trung, danh mục đàm phán giá. Ngay khi dịch tạm ổn, bệnh viện chuyển công năng theo mô hình bệnh viện tách đôi. Để có thuốc cho người dân, TTYT Bến Cầu có chủ trương mua gói nhỏ (dưới 500 triệu đồng) để phục vụ người bệnh.

Người dân làm thủ tục khám bệnh, nhận thuốc tại Trung tâm Y tế huyện Bến Cầu.

CHỜ CHẾ ĐỘ

Tại buổi làm việc với đoàn khảo sát, lãnh đạo TTYT Bến Cầu đề nghị thực hiện chế độ đối với nhân viên y tế tham gia bốn đợt xét nghiệm cộng đồng, đến nay chưa có; kinh phí hoạt động của Trung tâm đang khó khăn, năm 2021, cán bộ nhân viên không có thu nhập tăng thêm.

Các thành viên đoàn khảo sát nêu một số nội dung: việc thiếu bác sĩ ở trạm y tế xã; giải quyết chất thải y tế, công tác khám, chữa bệnh ban đầu ở trạm y tế xã; công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhân viên y tế được thực hiện như thế nào? biện pháp để giữ chân cán bộ, nhân viên y tế có trình độ cao trong cơ sở y tế công lập…

Giải trình một số vấn đề, đại diện TTYT Bến Cầu thông tin, Trung tâm đã xây dựng vị trí việc làm nhưng việc tuyển dụng thuộc thẩm quyền của cấp trên. Về xử lý rác thải ở trạm y tế tuyến xã không nhiều, nếu đầu tư lò đốt rác mới (trị giá 1,3 tỷ đồng mỗi lò) là không khả thi. Theo tính toán, thuê đơn vị chuyên xử lý chất thải hiệu quả hơn so với mua, lắp đặt lò mới.

Về nguồn nhân lực, đại diện TTYT Bến Cầu cho rằng, việc thu hút bác sĩ từ nơi khác về địa phương công tác rất khó khăn, không hiệu quả, vì liên quan môi trường làm việc, cơ hội thăng tiến, nâng cao trình độ chuyên môn… Trung tâm chưa có bác sĩ chuyên khoa răng hàm mặt, do đó, công tác điều trị gặp khó khăn. Một số phòng chức năng ở trạm y tế xã không sử dụng thường xuyên mà không thể bỏ. Cơ chế tiền lương khó giữ chân người lao động trong ngành, một số nhân viên Trung tâm viết đơn xin nghỉ việc vì thu nhập thấp. “Để khắc phục phần nào thực trạng thiếu bác sĩ đa khoa, tỉnh cần nghiên cứu mở lớp đào tạo tại địa phương”- lãnh đạo TTYT huyện Bến Cầu kiến nghị.

VIỆT ĐÔNG

(Còn tiếp)

Tin cùng chuyên mục